Tuy triển vọng thị trường trái phiếu được nhận định có sự cải thiện, nhưng kết quả kinh doanh quý I/2024 của các doanh nghiệp bất động sản không lấy làm tích cực khiến việc trả nợ trái phiếu đến hạn ngày thêm khó.
Trái phiếu của nhóm doanh nghiệp bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ảnh: Bảo Chương
Báo cáo của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho thấy, 4 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt 36 nghìn tỉ đồng, với 6 đợt phát hành ra công chúng và 30 đợt phát hành riêng lẻ.
Riêng trong tháng 4.2024, có 12 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Đáng chú ý, lượng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản phát hành trong 4 tháng đầu năm chiếm tới 51,2%, cao hơn nhiều so với tỉ lệ 22,5% của năm 2023.
Giao dịch trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường thứ cấp cũng sôi động hơn. Theo dữ liệu của tổ chức FiinRatings, trong quý I/2024, giá trị giao dịch trung bình theo ngày đạt gần 4.000 tỉ đồng, cao gấp 22,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy sự chào đón của nhà đầu tư. Trong đó, ngành bất động sản chiếm gần 29% tổng giá trị giao dịch của thị trường.
Tuy triển vọng thị trường trái phiếu được nhận định có sự cải thiện, nhưng kết quả kinh doanh quý I/2024 của các doanh nghiệp bất động sản không lấy làm tích cực. Điều này càng khiến cho sự lo lắng về áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp bất động sản vẫn rất lớn.
Trong báo cáo về thị trường trái phiếu mới công bố của Công ty Cổ phần Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating), trong tháng 5.2024 sẽ có 28 mã trái phiếu thuộc 24 tổ chức phát hành trị giá 15 nghìn tỉ đồng vào kỳ đáo hạn.
Trong đó, VIS Rating ước tính khoảng 4 nghìn tỉ đồng giá trị trái phiếu do CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam, CTCP Dịch vụ Giải trí Hưng Thịnh Quy Nhơn và CTCP Đầu tư Ngôi Sao Gia Định phát hành đã chậm trả lãi coupon trong năm 2023. VIS Rating đánh giá rằng các tổ chức phát hành này có khả năng cao sẽ chậm trả nợ gốc đến hạn do dòng tiền yếu và nguồn tiền mặt cạn kiệt.
Ngoài ra, có khoảng 700 tỉ đồng trái phiếu còn lại có rủi ro cao chậm trả lần đầu hầu hết của các tổ chức phát hành nhóm ngành bất động sản dân cư. VIS Rating lưu ý rằng các tổ chức phát hành này có biên lợi nhuận trung bình trong 3 năm qua thấp hơn 10% hoặc thậm chí bị âm và nguồn tiền để trả nợ đến hạn ở mức cạn kiệt.
Trong 12 tháng tới, khoảng 19% lượng trái phiếu đang lưu hành với tổng giá trị là 221 nghìn tỉ đồng sẽ đáo hạn, ước tính 10% trong số này có rủi ro chậm trả lần đầu cao, tập trung chính ở các ngành bất động sản dân cư.
Bên cạnh đó, số nợ ngắn hạn của các công ty bất động sản trên sàn cũng ở mức cao so với nhiều năm, nên áp lực trả nợ trong ngắn hạn cũng ở mức cao.
Nhìn chung, VIS Rating đánh giá khả năng trả nợ của các doanh nghiệp bất động sản nhà ở vẫn ở mức yếu. Tuy nhiên, một điểm cần chú ý là mức độ phân hoá về khả năng trả nợ sẽ ngày càng nới rộng. Với doanh nghiệp có các dự án tập trung ở phân khúc đáp ứng nhu cầu ở thực của người dân tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM thì hoạt động bán hàng vẫn diễn ra khá tốt và có sự hồi phục năm 2024. Theo đó, các doanh nghiệp này sẽ có nguồn lực tốt hơn rõ rệt và khả năng trả nợ cũng ở mức cao hơn. Ngược lại, một số doanh nghiệp duy trì tình trạng khó khăn do trước đây tập trung khá nhiều vào các dự án mang tính chất đầu cơ cao. Năm 2024, nhu cầu đối với phân khúc này vẫn thấp, do đó, khả năng trả nợ của nhóm này sẽ ở mức yếu.
BẢO CHƯƠNG - Theo Báo Lao Động