Mặc dù đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế, nhưng với nhiều người họ thấy đây là bất hạnh.
Một trong những quốc gia công nghệ cao nhất trên thế giới với nền kinh tế phát triển và tỷ lệ dân số có trình độ học vấn hàng đầu - đó là tất cả về Hàn Quốc. Nhưng trái với suy nghĩ của nhiều người, một số người dân cho rằng đây không thực sự là một quốc gia hạnh phúc.
Hàn Quốc đã làm thế nào để đạt được kết quả ấn tượng như vậy, và tại sao thành công chóng mặt ngày hôm nay lại có thể trở thành nỗi buồn cho một số người dân nước này?
Bí mật của “phép lạ kinh tế” mà chính quyền Seoul đã đạt được trong chưa đầy nửa thế kỷ nằm ở ba yếu tố. Một là bỏ mô hình nông nghiệp, tập trung phát triển công nghiệp, nhưng có một sắc thái quan trọng ở đây.
Chính quyền đã dựa vào một số công ty "gia tộc", những nguồn vốn khổng lồ đã được phân bổ, điều này cho phép họ phát triển rất nhanh thành các tập đoàn nổi tiếng thế giới. Ở Hàn Quốc, họ được gọi là "chaebol".
Thứ hai là văn hóa giáo dục. Các công ty nói trên cần nhân sự có trình độ cao, và do vậy chính quyền đã tạo điều kiện cho giáo dục đại học trở nên dễ tiếp cận và có uy tín nhất có thể.
Thứ ba và cuối cùng là văn hóa doanh nghiệp. Người Hàn Quốc đề cao sự chăm chỉ. Đối với hầu hết công dân, công việc quan trọng hơn lợi ích cá nhân và thậm chí cả gia đình. Đồng thời đối với một số người, ý nghĩa cuộc sống nằm ở công việc.
Có vẻ như chính quyền Seoul đã xây dựng được một mô hình kinh tế đủ để đảm bảo sự thịnh vượng của đất nước trong nhiều thập kỷ tới.
Tuy nhiên thực tế không phải vậy, và hiện tại nhiều người dân Hàn Quốc cảm thấy đang phải trả giá cho “phép màu kinh tế” nói trên.
Hàn Quốc đang phải trả giá cho "phép màu kinh tế".
Hiện nay Hàn Quốc có khoảng 45 “chaebol”, trong đó có những công ty nổi tiếng như Samsung, LG, Huyndai... Họ cung cấp khoảng 85% GDP của cả nước. Tuy nhiên những công ty này chỉ tạo ra 10% việc làm.
Nhu cầu công việc trong nước rất cao nhưng người Hàn Quốc có trình độ học vấn cao hơn không muốn bị thuê làm những công việc lương thấp, không tương ứng với trình độ của họ.
Kết quả là Hàn Quốc ngày nay phải chịu tỷ lệ thất nghiệp cao, khiến chính quyền thậm chí phải thiết lập một chương trình hỗ trợ cho các chuyên gia trẻ, cho phép họ tìm việc làm ở nước ngoài.
Ngược lại, văn hóa doanh nghiệp phát triển ở Hàn Quốc trong những năm qua đã gây áp lực rất lớn lên những người thất nghiệp.
Tất cả những điều trên đã dẫn đến việc nhiều người Hàn Quốc tự coi là “dân số bất hạnh nhất” và nước này cũng có tỷ lệ tự tử cao nhất thế giới.
Theo Reporter