Thị trường bất động sản xuất hiện hai thái cực, một bên cho rằng, giá nhà tăng nóng, khan hiếm nguồn cung. Trong khi thị trường vẫn khá trầm lắng, chưa thực sự phục hồi.
Nhiều nguồn thông tin cho rằng, giá nhà tăng nóng, khan hiếm nguồn cung, trong khi thị trường vẫn khá trầm lắng.
Thị trường vẫn trầm lắng
Từ đầu năm đến nay, thị trường bất động sản liên tục suất hiện các thông tin về giá nhiều loại hình bất động sản liên tục tăng như căn hộ chung cư tăng, nhà trong ngõ, nhà liền kề, biệt thự, gần đây nhất là đất đấu giá với những phiên đấu giá cao kỷ lục…
Bên cạnh đó, những thông tin về tình trạng khan hiếm nguồn cung bất động sản liên tục xuất hiện, khiến không khí sốt giá nhà đất, khan cung bất động sản lan rộng trên thị trường.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản hiện nay vẫn chưa phục hồi, bối cảnh thị trường chung khá trầm lắng, chỉ một số phân khúc có dấu hiệu tăng nhiệt do các thông tin xuất hiện trên thị trường.
Phân tích về tình hình thị trường hiện nay, TS Đinh Thế Hiển - chuyên gia kinh tế - cho biết, thị trường bất động sản hiện đang chia làm hai thái cực. Thái cực thứ nhất là các cơ quan quản lý Nhà nước đang nỗ lực, từng bước làm minh bạch và ổn định thị trường. Các yếu tố về mặt pháp lý, giá cả ngày càng rõ ràng để thị trường ổn định.
Thái cực thứ hai, hiện có nhiều dự án chưa ra được hàng, các chủ đầu tư, nhà phát triển bất động sản có thể đã tạo ra các thông tin xung quanh, làm cho thị trường có vẻ đang sốt lên, khiến những nhà đầu tư xuất hiện tâm lý fomo (tâm lý sợ bỏ lỡ) và họ phải vội xuống tiền vì sợ mất cơ hội, sợ giá bất động sản sẽ tiếp tục tăng nếu họ bỏ lỡ”.
“Hai thông tin này như hai thái cực hiện đang cùng một lúc xuất hiện khiến thị trường xuất hiện nhiều thông tin trái chiều" - vị chuyên gia chia sẻ.
Có thực sự khan hiếm nguồn cung?
Theo phân tích của chuyên gia Đinh Thế Hiển, các thông tin về thị trường bất động sản khan hiếm nguồn cung, giá bán liên tục tăng không hoàn toàn đúng, chỉ phản ánh một phần nhỏ của thị trường.
Ông Hiển cho rằng: “Nếu chúng ta thực sự thâm nhập vào thị trường sẽ thấy, bất cứ vùng nào cũng có đất rao bán với giá rất hợp lý, không quá cao. Nhưng nhiều thông tin hiện nay cho rằng, thị trường khan hiếm nguồn cung. Tôi cho rằng, phải bình tĩnh nhìn nhận lại vấn đề này. Bởi thực tế thị trường bất động sản hiện nay vẫn khá trầm lắng, các ngân hàng xử lý tài sản thế chấp là các bất động sản rao bán vẫn rất khó khăn, nhiều ngân hàng không thể bán được, vậy thì làm sao thiếu nguồn cung”.
Theo vị chuyên gia, trong nội thành Hà Nội hay TPHCM có thể có tình trạng khan hiếm nguồn cung do thiếu dự án mới với giá phù hợp. Tuy nhiên, sự khan hiếm này cũng chỉ diễn ra ở thị trường sơ cấp, người mua nhà vẫn có rất nhiều lựa chọn trên thị trường thứ cấp.
“Tại TPHCM và Hà Nội, khi đi khảo sát tại các khu vực vùng ven, tôi thấy nhiều dự án đã đi vào hoạt động nhưng bỏ trống rất nhiều, không có người ở. Như vậy nếu nói chúng ta thiếu những dự án căn hộ, nhà phố là chưa đúng, bởi vì rất nhiều dự án còn bỏ trống. Hơn nữa đất làm dự án hiện còn rất nhiều, khu vực ngoại thành TPHCM và Hà Nội còn rất nhiều đất trống, bỏ hoang, hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu thị trường. Điều đó cho thấy thị trường không thiếu bất động sản, chẳng qua là thiếu sản phẩm đầu cơ thôi” - chuyên gia Đinh Thế Hiển nhận định.
Về việc tạo không khí sốt đất, khiến thị trường nóng lên, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam - nhìn nhận từ các phiên đấu giá đất: “Nhiều nhà đầu tư tham gia các phiên đấu giá là những người có "nghề” đấu giá đất, họ thường tham gia với mục đích “lướt sóng", trúng đấu giá rồi mua bán sang tay ngay để kiếm lời hoặc sẵn sàng bỏ cọc nếu thị trường không hưởng ứng.
Mục đích nguy hiểm hơn là tạo sốt đất, nhằm thổi giá các khu đất liên quan. Thậm chí bất chấp rủi ro, hợp thức hóa mức giá bằng cách thanh toán đầy đủ theo mức giá đấu trúng, để lấy mức giá này làm căn cứ kích giá đất ở các huyện vùng ven, kích giá đất nhiều nơi leo thang, thậm chí sốt ảo” - Chủ tịch VARS phân tích.
Lục Giang - Theo Báo Lao Động