Nhà kinh tế nổi tiếng Jeremy Siegel cho rằng Fed thể cắt giảm lãi suất sớm nhất vào tháng 3 năm sau khi cuộc chiến chống lạm phát ghi nhận kết quả tốt.
Ông Jeremy Siegel - nhà kinh tế nổi tiếng và hiện là giáo sư Trường Kinh doanh Wharton.
Theo nhà kinh tế Jeremy Siegel - vị giáo sư nổi tiếng của Trường Kinh doanh Wharton (Đại học Pennsylvania), cuộc chiến chống lạm phát sắp kết thúc và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sớm bắt đầu hạ lãi suất.
Ông đề cập đến xu hướng hạ nhiệt của lạm phát trong thời gian gần đây. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 chỉ tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước vào tháng 10, chững lại so với tốc độ 3,7% ghi nhận vào tháng 9.
Mặc dù con số này vẫn cao hơn mức mục tiêu 2% của Fed, đây vẫn là một dấu hiệu đầy hứa hẹn cho thấy “[kết quả của] cuộc chiến chống lạm phát đã sáng tỏ”, giáo sư Siegel nhấn mạnh trong cuộc phỏng với CNBC hồi giữa tuần.
“Tôi thực sự nghĩ rằng động thái tiếp theo của Fed sẽ là hạ lãi suất, ngay cả khi nền kinh tế Mỹ không suy thoái, bởi vì tăng trưởng hiện cũng đã chững lại”, ông nói.
“Đợt hạ lãi suất đầu tiên có thể diễn ra vào tháng 3 năm tới. Tôi hy vọng Chủ tịch Fed Jerome Powell có thể đảo ngược đường cong này”, vị giáo sư tiếp tục, hàm ý đến đường cong lợi suất trái phiếu kho bạc.
Khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn ngắn cao hơn lợi suất trái phiếu kỳ hạn dài hơn, đường cong lợi suất sẽ đảo ngược. Đây là một chỉ báo suy thoái đáng tin cậy trong quá khứ.
Hiện tượng đường cong lợi suất đảo ngược không phải là nguyên nhân châm ngòi cho suy thoái mà chỉ đơn thuần phản ánh lo ngại của nhà đầu tư về triển vọng kinh tế ảm đạm trong dài hạn.
Tuy nhiên, trong 5 cuộc suy thoái gần đây nhất, chỉ báo này dự đoán khá chính xác. Trung bình khoảng 22 tháng kể từ khi đường cong lợi suất đảo ngược, suy thoái kinh tế sẽ xảy ra.
Kể từ tháng 3 năm ngoái đến tháng 7 vừa qua, Fed đã tăng lãi suất tổng cộng 525 điểm cơ bản. Qua đó, Fed đã đưa chi phí đi vay liên ngân hàng lên phạm vi 5,25 - 5,5%, mức cao nhất trong khoảng 22 năm.
Giáo sư Siegel từng cảnh báo rằng chiến dịch thắt chặt tiền tệ của Fed có thể gây ra suy thoái kinh tế. Song, nền kinh tế số một thế giới vẫn hoạt động bền bỉ bất chấp việc các điều kiện tín dụng đã thắt chặt, GDP quý III tăng 4,9% (tốc độ đã chuẩn hoá theo năm).
Theo Business Insider, một số chuyên gia đã cảnh báo thị trường về sự nguy hiểm khi nới lỏng chính sách tiền tệ quá sớm. Hạ lãi suất sớm có thể khiến giá cả tăng vọt trở lại, gây ra tình trạng lạm phát đình trệ như những năm 1970.
Song, các điều kiện tài chính hiện nay khác hoàn toàn so với trước kia, ông Siegel lưu ý. Theo vị giáo sư, Fed không còn bơm thanh khoản vào thị trường nữa và đã bắt đầu giảm quy mô bảng cân đối kế toán.
Ông cảnh báo rằng các quan chức ngân hàng trung ương Mỹ có thể sẽ đối mặt với rủi ro lớn hơn khi điều chỉnh lãi suất quá muộn, vì nền kinh tế thực chất đã có dấu hiệu giảm tốc.
Tăng trưởng việc làm đã chững lại trong tháng 10, trong khi chi tiêu bán lẻ đã giảm lần đầu tiên kể từ tháng 3 - một dấu hiệu chứng tỏ sức mạnh của người tiêu dùng Mỹ có thể đang yếu đi.
Tuy vậy, Phố Wall vẫn tin tưởng vào kịch bản hạ cánh mềm vì lạm phát đang tiếp tục đi xuống. Goldman Sachs cho biết xác suất suy thoái vào năm tới chỉ còn khoảng 15%.
Bank of America trước đây từng cảnh báo Mỹ sẽ sớm suy thoái nhưng gần đây đã nâng dự báo. Các nhà phân tích của ông lớn ngân hàng này tuần trước nói nền kinh tế Mỹ có thể đang hạ cánh mềm.
Khả Nhân - Theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh