Sau giai đoạn tết, thị trường nhà phố đang có tín hiệu phục hồi nhưng phân hóa rõ rệt giữa Hà Nội và TP.HCM.
Theo dữ liệu từ kênh Batdongsan sau giai đoạn tết, giá bán nhà mặt phố tại Hà Nội đã tăng ấn tượng 30% so với đầu năm 2023, đạt trung bình 437 triệu đồng/m2. Trong khi đó, tại TP.HCM, mức giá này ghi nhận giảm nhẹ 2%, dao động quanh 213 triệu đồng/m2.
Đà giảm giá nhà phố tại TP HCM do ảnh hưởng của hiệu suất thuê kém hiệu quả. Cạnh tranh với những nền tảng mua sắm như shopee, lazada, tiktok shop... nhà mặt phố dần mất sức hút với nhiều ngành hàng bán lẻ, bởi người dân đã có thể sở hữu hàng hóa mà không cần bước ra phố.
Khảo sát cho thấy mặt tiền các tuyến đường trung tâm TPHCM bỏ trống cao chưa từng có trong những năm qua. Một số nơi trở thành tụ điểm buôn bán hàng rong, điểm dừng chân của xe ôm công nghệ, người giao hàng...
Chẳng hạn, tuyến đường Lê Văn Sỹ nối từ quận 3 đến Phú Nhuận rồi Tân Bình nhan nhản mặt bằng bỏ không, treo biển cho thuê. Con đường thời trang Nguyễn Trãi nối quận 1 đến quận cũng có hàng chục mặt bằng đang cần cho thuê.
Tương tự, nhiều mặt bằng đắt đỏ ở trung tâm quận 1 cũng bị bỏ trống. Cụ thể, đường Lê Lợi, Đồng Khởi, Nguyễn Huệ - những khu vực từng được xem là biểu tượng mua sắm của TPHCM thì nay lại vắng bóng khách thuê.
Theo báo cáo, chỉ trong một năm, doanh thu thương mại điện tử tại Việt Nam đã tăng hơn 40%, từ 259.000 tỷ đồng (2023) lên gần 350.000 tỷ đồng (2024). Những ngành hàng dẫn đầu doanh thu như thời trang, làm đẹp, nhà cửa và đời sống… đều có thể bán online mà không cần mặt bằng lớn.
Chuyên gia cho biết tình hình cho thuê mặt bằng sẽ nhanh chóng phục hồi nếu các chủ nhà chấp nhận giảm 10-15% giá thuê.
Cre: Tienphong, An ninh tiền tệ