Nhờ nhiều giải pháp tháo gỡ của các cơ quan quản lý cũng như nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp, thị trường bất động sản đang dần đi vào quỹ đạo. Nhưng để phục hồi hoàn toàn, cần thêm thời gian.
Khó khăn nhất đã qua
Hai năm qua, các doanh nghiệp bất động sản phải đối mặt với loạt khó khăn, chủ yếu bởi "ách tắc" pháp lý và nguồn vốn. Thay vì phát triển dự án, một số chủ đầu tư lớn gần như mất cả năm để xin tháo gỡ vướng mắc tại các dự án hay tái cơ cấu tài sản để có nguồn lực trả nợ ngân hàng, thanh toán trái phiếu.
Điển hình có thể kể đến là Tập đoàn Novaland với 2 năm bền bỉ tái cấu trúc toàn diện từ nợ vay, bộ máy nhân sự, chiến lược phát triển… Chủ tịch Bùi Thành Nhơn trong kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 vừa qua chia sẻ: về cơ bản, tập đoàn đã hoàn thành tái cấu trúc lại các khoản nợ và trái phiếu trong và ngoài nước, tài sản của công ty vẫn cân đối với công nợ.
Doanh nghiệp địa ốc đang nỗ lực triển khai xây dựng dự án nhằm gia tăng giá trị cho nhà đầu tư và củng cố niềm tin khách hàng
Novaland từng trải qua cơn khủng hoảng về nợ vay và nợ trái phiếu cùng với những đại dự án bị trì hoãn về pháp lý kéo dài. Đến nay, Novaland đã thoát ra khỏi "tâm bão" nhờ các chính sách của Chính phủ về tháo gỡ pháp lý dự án; cho phép trái chủ được chuyển nợ trái phiếu thành cổ phần, tài sản; cho phép trái chủ và bên phát hành được đàm phán hoán nợ, giãn nợ….
Đối với các dự án đã xây dựng hoàn thành hơn 50%, Novaland sẽ tập trung triển khai để có thể bàn giao sản phẩm cho khách hàng dự kiến vào cuối năm 2024, nửa đầu năm 2025. Đối với dự án đã hoàn thiện hạ tầng, chưa hoàn thành 50% tiến độ xây dựng, chủ đầu tư sẽ tiếp tục triển khai xây dựng và bàn giao sản phẩm cho khách hàng dự kiến vào năm 2026.
Tương tự, đơn vị cùng ngành Phát Đạt cũng vượt dốc thành công nhờ hoạt động tái cấu trúc bằng cách tái cơ cấu danh mục đầu tư, đẩy mạnh thu hồi nợ, phát hành cổ phiếu riêng lẻ và thoái vốn ở một số doanh nghiệp; đàm phán để tiếp cận các nguồn huy động vốn cho nhu cầu tái phát triển và đưa dư nợ trái phiếu về 0. Bản thân Tập đoàn Đất Xanh trong giai đoạn khó khăn vừa qua cũng tái cấu trúc toàn diện, cắt giảm vài nghìn nhân viên để tiết giảm chi phí. Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, Chủ tịch HĐQT Lương Trí Thìn tuyên bố tập đoàn đã cơ cấu toàn bộ tài chính từ ngắn hạn sang dài hạn. Các đối tác, ngân hàng sẵn sàng tài trợ để thực hiện dự án...
Cần thời gian để phục hồi
Trên thực tế, việc các doanh nghiệp bất động sản công bố kế hoạch kinh doanh năm 2024 cho thấy thị trường dường như đi vào quỹ đạo hồi phục và các doanh nghiệp sẵn sàng đón đầu chu kỳ mới. Chẳng hạn, kết quả tái cấu trúc đang dần đem lại nhiều tín hiệu tích cực với Novaland. Năm 2024, Novaland đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất 32.587 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.079 tỉ đồng. Tuy nhiên, kế hoạch này phụ thuộc rất lớn vào các chuyển động pháp lý liên quan đến các dự án mà tập đoàn này đang triển khai. Đại diện doanh nghiệp cho biết, trong bối cảnh khó khăn, bằng hết khả năng của mình, Novaland cũng đã nỗ lực áp dụng mọi biện pháp để đảm bảo quyền lợi với khách hàng.
Điển hình như thay đổi hình thức hỗ trợ lãi suất với các phương án hoàn trả lãi suất kèm các ưu đãi đặc biệt tại thời điểm dự kiến ký hợp đồng mua bán hoặc thời điểm dự kiến bàn giao nhà. Tuy nhiên hiện nay, với những vướng mắc pháp lý vẫn chưa được hoàn thiện và giải quyết triệt để tại các dự án mặc dù đã bàn giao, đang phát triển hay đang làm thủ tục phát triển đã dẫn đến việc thực hiện cam kết với khách hàng chưa được như kỳ vọng, một số trường hợp khách hàng đã khiếu kiện, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội.
"Những khó khăn sớm được tháo gỡ là tiền đề quan trọng để doanh nghiệp tiếp tục thực hiện các thủ tục liên quan, tái tục triển khai và sớm hoàn thành dự án đưa vào hoạt động, đảm bảo các cam kết với khách hàng", đại diện doanh nghiệp chia sẻ.
Trước đó, trong công tác phối hợp đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các thủ tục pháp lý liên quan, chủ đầu tư dự án Aqua City cũng đã nghiêm túc chấp hành việc thực hiện xử lý vi phạm hành chính liên quan đến trật tự xây dựng theo quy định đối với một số vị trí công trình xây dựng chưa phù hợp trong giai đoạn xảy ra đại dịch Covid-19 để đảm bảo tiến độ xây dựng cho khách hàng. Bên cạnh đó, nhằm khắc phục các vi phạm, tuân thủ các quy định hiện hành, theo định hướng quy hoạch mới, chủ đầu tư cũng đã tiến hành việc cải tạo hạ tầng, lập phương án và tổ chức tháo dỡ một số công trình tạm, công trình chưa đúng trật tự xây dựng.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, mặc dù thị trường bất động sản đã có nhiều chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Tuy nhiên, nhiều khó khăn, vướng mắc đã được tháo gỡ trong các luật mới nhưng chưa có hiệu lực thi hành dẫn đến chưa giải quyết ngay được. Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam đánh giá, nhìn về phía cung, có những dự án trong giai đoạn trước đã qua được cửa ải thủ tục (đã có pháp lý, đưa ra thị trường) nhưng phải dừng lại do không có vốn, rơi vào cảnh "đắp chiếu" để đó. Về những dự án vướng pháp lý không xử lý được, phải chờ có cơ chế mới để giải quyết. Do đó, tất cả các yếu tố hồi phục tích cực của thị trường bất động sản hiện vẫn đang trong quá trình tương tác, cần thêm thời gian và chờ thêm sự xuất hiện của "chất xúc tác" để có thể "tạo phản ứng" cho ra các kết quả tốt đẹp. "Chúng ta cần đặt niềm tin và cho thêm thời gian để doanh nghiệp địa ốc có thể phục hồi và tạo ra những cú hích mới, sớm trở lại vị thế một trong những ngành đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước trong những năm trước đó", ông Đính nói.
An Yến - Theo Thanh Niên