Nghị định 96 quy định tổng dư nợ vay tại tổ chức tín dụng, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp và vốn chủ sở hữu phải có không vượt quá 100% tổng vốn đầu tư của dự án đó.
Từ ngày 1/8, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực. Một trong những nội dung quan trọng trong luật này là các quy định về năng lực chủ đầu tư các dự án bất động sản.
Nghị định số 96/2024 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản mới được Chính phủ ban hành đã làm rõ hơn về điều này. Cụ thể, Điều 5 và Điều 6 của Nghị định 96 quy định chi tiết về việc huy động vốn để thực hiện dự án, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp bất động sản.
Dư nợ vay không vượt quá 4-5,67 lần vốn chủ sở hữu
Nghị định 96 quy định tỷ lệ dư nợ tín dụng, dư nợ trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cần bảo đảm 3 điều.
Thứ nhất, đáp ứng các tỷ lệ an toàn tài chính của doanh nghiệp, tuân thủ các quy định của pháp luật về tín dụng và pháp luật về trái phiếu doanh nghiệp.
Thứ hai, trường hợp doanh nghiệp kinh doanh bất động sản vay tại tổ chức tín dụng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp để thực hiện dự án bất động sản đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận làm chủ đầu tư thì phải đảm bảo tổng dư nợ vay tại tổ chức tín dụng, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp và vốn chủ sở hữu phải có theo quy định đối với mỗi dự án không vượt quá 100% tổng vốn đầu tư của dự án đó.
Thứ ba, tổng tỷ lệ dư nợ vay tại tổ chức tín dụng, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp để thực hiện dự án không quá 4 lần vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đối với mỗi dự án bất động sản có quy mô sử dụng đất dưới 20ha và không quá 5,67 lần vốn chủ sở hữu đối với mỗi dự án bất động sản có quy mô sử dụng đất từ 20ha trở lên.
Vốn chủ sở hữu được căn cứ vào kết quả báo cáo tài chính hoặc kết quả báo cáo đối với khoản mục vốn chủ sở hữu đã được kiểm toán thực hiện trong năm.
Trong trường hợp tại thời điểm quy định doanh nghiệp không có kết quả báo cáo tài chính hoặc kết quả báo cáo đối với khoản mục vốn chủ sở hữu đã được kiểm toán thì dùng kết quả báo cáo tài chính hoặc báo cáo đối với khoản mục vốn chủ sở hữu đã được kiểm toán của năm liền trước.
Đối với doanh nghiệp thành lập và hoạt động chưa đủ 12 tháng, vốn chủ sở hữu được xác định theo vốn điều lệ đã góp theo quy định của pháp luật.
Một khu vực dân cư tại Hà Nội (Ảnh: Trần Kháng).
Chậm thanh toán nợ trái phiếu doanh nghiệp vẫn gia tăng
Trong báo cáo phân tích mới đây công ty chứng khoán VnDirect đánh giá thị trường bất động sản mặc dù đã thoát qua vùng đáy tuy nhiên thị trường vẫn ảm đạm. Trong bối cảnh vẫn còn nhiều khó khăn, nhiều tổ chức phát hành, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp bất động sản vẫn đang tiếp tục gặp khó khăn về dòng tiền dẫn đến chậm thanh toán các nghĩa vụ nợ trái phiếu đến hạn.
Tính đến ngày 15/7, có khoảng hơn 80 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp theo thông báo của HNX.
Tổng số tiền nợ gốc đến hạn trong 6 tháng đầu năm chậm thanh toán và giá trị trái phiếu có thời gian đáo hạn trong 6 tháng đã được gia hạn kỳ hạn là khoảng 43.500 tỷ đồng, chiếm 43,5% tổng giá trị đáo hạn trong nửa đầu năm, và chiếm 62% tổng giá trị đáo hạn khi loại trừ nhóm ngân hàng.
Đơn vị này ước tính tổng dư nợ trái phiếu riêng lẻ của 80 doanh nghiệp này là khoảng 190.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 18,7% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ toàn thị trường. Phần lớn trong số các trái phiếu phát hành này là các doanh nghiệp thuộc nhóm bất động sản.
Ninh An - Theo Dân Trí