Sở Xây dựng TPHCM vừa trình đề cương đề án quản lý, hỗ trợ nhà ở riêng lẻ có mục đích cho thuê trọ, theo đó đề xuất nhà trọ ở TPHCM phải bảo đảm diện tích sàn tối thiểu 5m2/người, hẻm vào rộng ít nhất 4m và cách đường chính không quá 100m. Những tiêu chuẩn mới này nhằm bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ đối với nhà trọ, phòng trọ, nhưng cũng đang tạo ra nhiều băn khoăn từ phía người dân.
Dãy phòng trọ tại quận Bình Tân, TPHCM. Ảnh: CẨM TUYẾT
Nỗi lo tăng giá
Qua khảo sát nhanh của phóng viên Báo SGGP, đa số những người được hỏi cho rằng, diện tích sàn tối thiểu 5m2/người tuy khó nhưng vẫn có thể cải tạo, đáp ứng được. Tuy nhiên, yêu cầu cách đường chính không quá 100m rất khó khả thi.
Sinh viên Nguyễn Thanh Định (21 tuổi, sống cùng anh trai ở một phòng trọ rộng 25m² ở phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức, TPHCM) cho biết, mỗi tháng, hai anh em chi trả khoảng 3 triệu đồng tiền trọ (gồm tiền phòng, tiền điện, tiền nước, wifi...). Sinh viên này vui mừng khi thấy dự thảo đề án quản lý, hỗ trợ nhà ở riêng lẻ có mục đích cho thuê trọ đã quan tâm nhóm người dân có thu nhập thấp, đặc biệt là công nhân, sinh viên phải ở trong các phòng trọ chật hẹp, nguy hiểm. Tuy nhiên, dãy phòng trọ Định đang ở nằm trong tuyến hẻm rộng chỉ 2m - vốn đã rộng so với nhiều nơi khác - sẽ không đảm bảo tiêu chuẩn “hẻm rộng tối thiểu 4m” như Sở Xây dựng đề xuất.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Ngọc (25 tuổi, đang sống cùng cô ruột tại một nhà trọ trên đường số 6, phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức) cho hay, tại TPHCM có nhiều phòng trọ ở sâu trong hẻm. Lối vào nhà trọ khá hẹp, chỉ đủ dắt xe ra vào. Dù vậy, giá thuê phòng trọ hiện nay đã khá cao so với thu nhập của chị. Với quy định các nhà trọ phải đảm bảo tiêu chuẩn như dự thảo nêu, chị Ngọc lo lắng giá thuê sẽ tăng, dễ phát sinh phòng trọ “chui”, hoạt động không đăng ký do không thể đáp ứng các yêu cầu.
Đặc biệt, nhiều người đang ở trọ lo lắng, với việc tuân thủ tiêu chuẩn hẻm rộng và gần đường chính, thì chắc chắn tiền thuê trọ sẽ tăng. Kèm theo đó, tiền dịch vụ, quán ăn ở gần nhà trọ cũng sẽ tăng giá. “Nếu vậy thì sinh viên, người lao động thuê phòng trọ sẽ gặp khó khăn hơn”, sinh viên Nguyễn Thanh Định e ngại. Bà Phan Ngọc Hải (54 tuổi, đang sống trong một phòng trọ nhỏ trên đường Lê Đình Cẩn, phường Tân Tạo, quận Bình Tân) cũng lo lắng việc áp dụng tiêu chuẩn mới sẽ đẩy tiền thuê phòng tăng cao.
Tại TPHCM có khoảng 60.500 công trình nhà trọ tư nhân, gồm:
34.800 dãy phòng cho thuê độc lập, với 357.246 phòng.
25.670 nhà ở riêng lẻ ngăn chia phòng cho thuê, với 202.973 phòng
Khoảng 12.800 công trình (chiếm 21%) không đủ điều kiện an toàn để tiếp tục hoạt động, gồm khoảng 4.600 công trình chưa đáp ứng các tiêu chí về diện tích sàn và 8.200 công trình chưa đáp ứng tiêu chí về PCCC.
Nguồn: Sở Xây dựng TPHCM
Không để “khoảng trống” trong quản lý
Theo Sở Xây dựng TPHCM, hiện quy định về quản lý trật tự xây dựng không có chế tài đối với các trường hợp tự ý cải tạo, ngăn chia không gian nhà ở riêng lẻ thành phòng cho thuê. Việc chuyển đổi từ nhà ở riêng lẻ sang nhà cho thuê trọ có được xác định là chuyển đổi công năng hay không, và việc cho thuê trọ có phải thẩm duyệt PCCC hay không cũng chưa được thống nhất. Vì vậy, đề án nhằm góp phần thống nhất các quy định về quy hoạch, tiêu chuẩn xây dựng, PCCC để phát triển nhà ở riêng lẻ có mục đích cho thuê trọ. Sở Xây dựng cũng đề xuất hỗ trợ chủ nhà trọ vay vốn với lãi suất ưu đãi để cải tạo, nâng cấp nhà trọ đạt an toàn; hỗ trợ cho vay vốn chuyển đổi ngành nghề kinh doanh đối với các trường hợp không đáp ứng được điều kiện.
Phòng trọ rộng 25m2 mà sinh viên Nguyễn Thanh Định đang thuê tại phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức, TPHCM.
Theo các chuyên gia, các quy định pháp luật về nhà ở hiện hành đã công nhận và luật hóa loại hình nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ của cá nhân để bán, cho thuê mua, cho thuê. Trong đó, Luật Nhà ở năm 2024 (có hiệu lực từ ngày 1-8-2024) bổ sung quy định: nhà ở riêng lẻ cho thuê trọ mà có từ 2 tầng trở lên và quy mô dưới 20 phòng trọ thì dù không phải lập dự án đầu tư nhưng vẫn phải đảm bảo yêu cầu về PCCC và các yêu cầu khác theo quy định của từng địa phương.
Thạc sĩ Phan Thị Hương Giang, Giảng viên khoa Luật Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TPHCM, nhận định, nếu đề xuất của Sở Xây dựng được chấp thuận, việc nâng cao an toàn PCCC đối với các nhà trọ, phòng trọ sẽ có chuyển biến rõ rệt. Tuy nhiên, cần nghiên cứu để thống nhất được tiêu chí diện tích sàn tối thiểu/người. Bởi hiện Luật Cư trú năm 2020 quy định, diện tích nhà ở tối thiểu làm điều kiện để đăng ký thường trú trong các trường hợp này sẽ do HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định, nhưng không thấp hơn 8m2 sàn/người. Ngoài ra, cũng cần rà soát quy định về diện tích tối thiểu cho một người có thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh quy định hay không.
Nghiên cứu giải pháp hỗ trợ công nhân
Ông Võ Khắc Thái, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM, cho biết, Liên đoàn Lao động TPHCM đang phối hợp nghiên cứu đề án xây dựng nhà ở xã hội cho thuê với chi phí hợp lý, đảm bảo thu nhập của công nhân lao động. Đơn vị cũng sẽ nghiên cứu kỹ đề cương đề án quản lý, hỗ trợ nhà ở riêng lẻ có mục đích cho thuê trọ tại TPHCM của Sở Xây dựng để có những giải pháp hỗ trợ phù hợp.
THÀNH CHUNG - CẨM TUYẾT - Theo Sài Gòn Giải Phóng