Bài của tiến sĩ Ng Minh Hoà: ( nhân ngày 17-02-2024) "NÊN CÓ BẢO TÀNG CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI PHÍA BẮC CHỐNG TRUNG QUỐC XÂM LƯỢC
Hè năm 2018, đoàn cựu chiến binh thời chống Mỹ và Khơme đỏ của trường Đại Học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. HCM có dịp đến thăm các di tích lịch sử của vành đai lửa nơi biên giới. Chúng tôi đã đến viếng các nghĩa trang, và các nhà tưởng niệm các Liệt sĩ và những nơi diễn ra những trận đánh ác liệt bảo vệ biên giới kéo dài suốt từ năn 1979 đến 1991. Chỉ mấy mấy năm gần đây, việc tổ chức kỷ niệm và tưởng niệm về ngày 17-2 và những năm tháng hào hùng đó được tổ chức đàng hoàng, trọng thể. Nhiều nhà tưởng niệm anh hùng, liệt sĩ dọc biên giới được xây dựng, các nghĩa trang được đầu tư và chăm lo, việc tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ được bắt đầu và từ năm 2020, những phim tài liệu chỉ đích danh và nêu đúng tên sự kiện lần đầu tiên được công khai trình chiếu trên kênh TV quốc gia. Đó là điều mà nhân dân hoan nghênh, đáng mừng.
Nhân dịp về thăm chiến trường xưa lần ấy, tôi ngỏ ý đi thăm bảo tàng chiến tranh biên giới hay nhà trưng bày tội ác mà quân xâm lược TQ gây ra thì các anh ở Bộ chỉ huy quân sự các tỉnh, Bộ đội biên phòng các đồn và Ban quản lý các nghĩa trang nói không có loại bảo tàng như thế ở vùng biên giới (ở VN có lẽ duy nhất chỉ ở bảo tàng Lịch sử quân sự tại Hà Nội có một phòng chuyên đề trình bày khái quát bằng hình ảnh và sơ đồ về cuộc chiến tranh này). Các anh ấy nói, nếu có bảo tàng thì cũng chẳng có gì, còn gì để trưng bày cả. Khi về Hà Nội và TP. HCM tìm hiểu kỹ mới thấy đau xót là vào giai đoạn mà các thông tin về cuộc xâm lược của TQ được yêu cầu không nhắc đến, cần làm cho nhẹ đi và không được lưu lại trong lịch sử giáo dục nữa thì cũng đồng nghĩa với việc các chứng tích, các tội ác của giặc bị phá huỷ hầu như không còn gì nữa. Trong cuộc chiến ấy chúng ta đã tiêu diệt hàng trăm xe tăng, phá huỷ hàng nghìn khẩu pháo, xe cơ giới, nhưng nay tìm không ra được lấy một mẩu sắt thép, một nòng pháo, một bộ quần áo tù binh nào vì tất cả đã được nhanh chóng cho vào lò nấu thành sắt, thép, thành phế liệu cả rồi. Trước khi rút đi kẻ thù dã tâm đất cháy, đập phá, san thành bình địa làng mạc, trường học, bệnh viện, nhà máy, đường sắt của các thành phố, thị xã, làng mạc sát biên giới, vậy mà đến một thanh ray còng queo, một bức tường bị đan bắn, một mái nhà dân bị đốt cháy cũng không còn lưu lại được gì dù chỉ là một chút cho hậu thế. So với hàng trăm bảo tàng, nhà trưng bày về chiến tranh chống Mỹ và VNCH thì những gì còn lại của chiến tranh chống TQ thì quả thật quá ư là nghèo nàn đến thảm hại. Bất kỳ bảo tàng chiến tranh chống Mỹ nào cũng còn đầy đủ xe tăng, máy bay, pháo binh của đối phương, thậm chí là đến cả những vật nhỏ nhất như huy hiệu binh chủng cũng được trưng bày, còn cuộc chiến chống TQ xâm lược chỉ còn lại rất ít những bức hình và thước phim ngắn ngủi năm nào cũng trình đi chiếu lại có nhiêu đó. Có lẽ bức ảnh ấn tượng nhất là một chiến sĩ dương khẩu B41 hướng về quân địch ở cột mốc số Lạng Sơn số 0 là mọi người nhớ nhất. Có thể giới chính trị không mặn mà, nhưng tại sao các nhà sử học dân sự, quân sự cũng dễ quên thế nhỉ?. Lịch sử và nhà lịch sử là ghi chép, là lưu giữ các di tích, di vật lại một cách trung thực, khách quan cơ mà, có thể thể chế chính trị này xuống, thể chế chính trị kia lên, nhưng những sự thật lịch sử thỉ không được bóp méo, huỷ hoại, lãng quên. Nếu có điều kiện, ai đó đến khu vực các tỉnh TQ sát biên giới Việt Nam mà xem, họ còn giữ đủ cả đấy, rùm beng lắm. Cứ đến dịp này, bên họ tổ chức rầm rộ kỷ niệm cuộc xâm lược “chính nghĩa”, các cựu chiến binh xâm lược được tôn vinh, đãi ngộ ghê lắm. Mấy năm gần đây họ đầu tư kinh phí rất lớn hàng trăm triệu đô la dựng lại phim tài liệu, phim truyện ca ngợi các chiến binh xâm lược Việt Nam như các anh hùng thời “Chí nguyện quân tham chiến bắc Triều”.
Tôi đến làm việc ở Trung hoa tất thảy 12 lần rồi nên không còn lạ tâm địa của họ. Cách nay vài năm, tôi có đến trường đại học Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Trong lúc rảnh rỗi GS. Trương Chính, Trưởng Khoa Xã Hội Học, Nguyên là trưởng ban nghiên cứu Đô Thị của Thủ tướng Chu Dung Cơ, đưa tôi đến Hoàng Hạc Lâu, một danh thắng nổi tiếng của TQ mà nhiều người VN biết qua bài thơ “Hoàng Hạc Lâu” của nhà thơ Thôi Hiệu đời nhà Đường. Ở trên tầng cao nhất có trưng bày một cái trống đồng Ông ta chỉ cái trống đồng và nói đại thể rằng trống đồng ở vùng Đông Nam Á (trong đó có VN) là có nguồn gốc từ TQ. Thời xa xưa, có một trận lũ lớn, trồng đồng bị cuốn trôi dạt về Việt Nam, Thái Lan, Lào,…Ông ta cao hứng trình bày lý thuyết rằng TQ là một đại tinh tú được hình thành theo kiểu lỗ đen của vũ trụ, cái lỗ đen đó hút tất cả các tinh thể lớn, nhỏ lại để hình thành nên Trung Quốc và trong quá trình vận động có một số mảnh bị văng ra xa như Việt Nam, Lào, Mông Cổ, và cả những vùng đất rộng lớn mà Ấn Độ kiểm soát, nay đến lúc TQ có đủ sức mạnh để thu về một mối. Có tiếp xúc nhiều và sâu với giới tinh hoà TQ mới hiểu mộng bá vương, bành trướng của họ không bao giờ nguội lạnh. Trước kia, bây giờ và mãi mãi sau này giới lãnh đạo Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ ý chí thôn tính hoàn toàn hay biến Việt Nam thành nô dịch.
Có một lần, một lãnh đạo cao cấp của TQ đến biên gưới VN thấy nhiều nhà của người VN hết hướng ra phía Bắc, ông ta cao ngạo nói người VN có ý thần phục, nên nhà hướng về trung tâm. Một cụ già chăn bò thủng thắng nói “Nhà người Việt hướng về phía Bắc/ bởi hướng ấy thường có giặc”. Có thể đấy là truyện truyền khẩu. Nhưng quả thật, cảnh giác là bài học muôn đời con cháu chúng ta không được phép quên. Phòng bị từ xa, từ trước bao giờ cũng tốt hơn chống đỡ. Đó là bài học nghìn đời mà cha ông ta truyền dạy lại, như Tổng Bí Thư, Chủ Tịch nước Nguyễn Phú Trong thường nói “Tuyệt đối không để tổ quốc bị động, bất ngờ, mà phải phòng bị từ xa” là gì.
17/2 Ai nhớ ? Ai quên? Cái gì còn, Cái gì mất?
N.M.H - Tác giả viếng Nghĩa trang Vị Xuyên