Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã đánh gãy hệ thống tài chính xương sống của thế giới tại Hoa Kỳ và những nước công nghiệp hàng đầu châu Âu. Đã có trên 20 ngàn tỉ USD bốc hơi khỏi các thị trường chứng khoán lớn trên hành tinh và nền kinh tế toàn cầu rơi vào một trận hạn hán thanh khoản chưa từng có trong lịch sử.
Những con khủng long tham ăn đã chết vì vỡ bụng, những con khủng long phàm ăn còn lại đang hấp hối vì đói lả và chờ được cứu sống, những con khủng long biết tiết độ đang mỏi mệt vì dự trữ cạn dần.
Thiếu tiền, nền kinh tế lớn nhất thế giới đang lâm vào suy thoái, nền kinh tế các nước công nghiệp phát triển từ Âu sang Á cũng đang lâm vào suy thoái và nền kinh tế nước đang phát triển cũng đang gánh chịu hậu quả nghiêm trọng của cơn hạn hán này đối với sản xuất và công ăn việc làm của họ. Bây giờ chúng ta đang chứng kiến điều ngược lại trước đây: mọi thứ trên thị trường đều giảm giá.
Giá dầu giảm mạnh, trong thời gian chưa đầy một tháng đã tụt xuống dưới 70 USD/thùng và chưa thấy điểm dừng, nếu các nước OPEC không cắt giảm sản lượng. Giá lương thực thực phẩm tụt dốc nhanh, khiến cho nông dân các nước nghèo điêu đứng. Vật tư nguyên liệu, hàng công nghiệp tiêu dùng đều trên đà giảm giá. Chứng khoán tụt giá thê thảm trên khắp các thị trường.
Giá nhà đất vẫn chưa gượng lại được trên đà tụt dốc, thị trường nhà đất tiếp tục nguội lạnh. Cho đến vàng, thứ hàng hóa cứng đầu cuối cùng, cũng phải quỵ ngã khi mà nhu cầu thanh khoản buộc các nhà đầu cơ vàng phải bán vàng ra ồ ạt. Cơn hạn hán về thanh khoản toàn cầu chỉ chứng kiến một loại hàng tăng giá: đồng đôla Mỹ, đơn giản chỉ vì nó là đồng tiền thanh toán quốc tế.
Nền kinh tế Việt Nam sau những tháng lạm phát - hệ quả của quá trình bong bóng toàn cầu - đã bắt đầu chịu ảnh hưởng tình trạng vỡ bong bóng và tiến đến chu kỳ giảm giá. Tháng 9-2008, chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 0,18%. Đến tháng 10-2008, chỉ số giá tiêu dùng tại nước ta lần đầu tiên trong 18 tháng đã giảm 0,19% so với tháng trước, và viễn cảnh giảm giá sẽ tiếp tục kéo dài trong những tháng kế tiếp.
Có vẻ như đang bắt đầu một chu kỳ giảm giá đáng lo ngại đối với nền kinh tế Việt Nam, tương tự như điều đã xảy ra trong năm 2000. Sản xuất và tiêu dùng đang có nguy cơ sụt giảm. Doanh nghiệp kêu cứu vì thiếu vốn và lãi suất cao, nông dân kêu cứu vì giá nông sản hạ và nông sản không bán được. Người tiêu dùng đang đi vào xu hướng thắt lưng buộc bụng. Tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đang có chiều hướng gia tăng, trong khi phí tổn huy động vốn vẫn đang là một gánh nặng tài chính đối với các ngân hàng.
Trước tình hình đó, chính sách tiền tệ cần có những điều chỉnh quan trọng để thích ứng, đồng thời tạo ra những cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt Nam vượt qua khủng hoảng. Thay vì là một chính sách thắt chặt mềm dẻo, chúng ta nên chuyển sang chính sách nới lỏng có định hướng. Lãi suất cơ bản cần phải giảm thêm, song song với việc Ngân hàng Nhà nước can thiệp mạnh hơn và tích cực hơn trên thị trường tiền tệ để duy trì một sự ổn định thanh khoản trên toàn hệ thống ngân hàng.
Trong khi cơ cấu lại các khoản nợ xấu, các ngân hàng thương mại cần được trợ giúp trong nỗ lực của họ cung cấp tín dụng cho các doanh nghiệp - nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ - với mức lãi suất chấp nhận được. Tín dụng cũng cần được định hướng, giải quyết ưu tiên cho xuất khẩu với mức lãi suất ưu đãi để duy trì khả năng cạnh tranh của các nhà xuất khẩu Việt Nam trong điều kiện thị trường thế giới đang co lại và giá hàng hóa các loại đang sụt giảm đồng loạt.
Khủng hoảng cho thấy những yếu kém của hệ thống tài chính toàn cầu, và tại mỗi nước, các nhược điểm đều được bộc lộ với nhiều khía cạnh khác nhau. Đây có thể được xem là một cơ hội tốt để tái cấu trúc các ngân hàng Việt Nam. Những cuộc sáp nhập, hợp nhất các ngân hàng sẽ diễn ra.
Một hệ thống ngân hàng Việt Nam gồm các ngân hàng vốn lớn, mạnh mẽ hơn, được tổ chức và quản trị tốt hơn, có tư duy chiến lược phát triển đúng đắn, lâu dài, dựa trên cái thực thay vì chạy theo cái ảo, biết tôn trọng những nguyên tắc đạo đức kinh doanh, biết bảo vệ đồng tiền tiết kiệm của người gởi tiền thay vì theo đuổi các hoạt động đầu cơ đầy rủi ro chỉ vì động cơ lợi nhuận đơn thuần, có hoạt động bài bản, lành mạnh và an toàn sẽ ra đời.
Khủng hoảng tài chính toàn cầu sẽ nhấn chìm các doanh nghiệp yếu kém của mỗi nước. Chúng ta đã chứng kiến sự gục ngã của những tập đoàn khổng lồ có tài sản có hàng trăm tỉ USD (gấp mười lần GDP của nước ta), có quá trình hoạt động hàng trăm năm. Không có sự ân huệ nào có thể cứu rỗi được những doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, những doanh nghiệp chỉ trông cậy vào các đặc quyền, đặc lợi và ban quản trị và điều hành tham lam của họ.
Đây là một kinh nghiệm cho các nước đang phát triển như Việt Nam, khi mà ước mơ phát triển và hiện đại hóa công nghiệp dựa quá nhiều vào các tập đoàn, dành cho họ quá nhiều nguồn tài nguyên của đất nước trong khi trên thực tế họ làm ăn không hiệu quả với những dự án dàn trải, không tập trung, không chuyên sâu và mang những khoản nợ lớn trong cũng như ngoài nước.
Tuy nhiên, nếu cuộc khủng hoảng toàn cầu và tác động của nó đối với nước ta có thể nhấn chìm những doanh nghiệp yếu kém, không kể lớn hay nhỏ, thì ngược lại cũng sẽ giúp phát hiện những doanh nghiệp thật sự lành mạnh, biết làm ăn hiệu quả, có đạo đức kinh doanh, những doanh nghiệp biết giảm chi phí và biết nâng cao thương hiệu và chất lượng, những doanh nghiệp tự tin vào khả năng tự thân mà không trông cậy vào đặc quyền, những doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh mạnh mẽ không chỉ trong nước mà còn trên thị trường toàn cầu.
Thời kỳ hậu khủng hoảng sẽ là thời kỳ tung hoành của các doanh nghiệp hùng mạnh này. Chúng ta không chỉ chứng kiến sự sáp nhập hợp nhất của các ngân hàng. Chúng ta cũng sẽ chứng kiến sự sáp nhập, hợp nhất của các doanh nghiệp. Nhưng họ cần được sự hỗ trợ về chính sách, về khuôn khổ pháp lý để có thể lớn mạnh. Trong thời kỳ hậu khủng hoảng, nền kinh tế Việt Nam rất cần có những ngân hàng Việt Nam mạnh, những doanh nghiệp Việt Nam mạnh, để có thể tồn tại và phát triển trong một môi trường cạnh tranh toàn cầu quyết liệt hơn với một trật tự mới.
Chính sách tài khóa cũng cần được điều chỉnh hướng đến mục tiêu thăng bằng ngân sách. Điều này có nghĩa là Chính phủ phải giảm công chi, một gương sáng trong quyết tâm vượt qua khủng hoảng, đồng thời xem xét lại chiến lược đầu tư công, giảm đầu tư công và chỉ đầu tư cho những dự án hạ tầng thực sự hiệu quả cho toàn nền kinh tế. Giảm chi tiêu công cũng có nghĩa là có thể giảm thuế. Chính đó là một yếu tố thiết yếu góp phần xây dựng nên một nền kinh tế có chi phí thấp, giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.
Đang có một cuộc tổng duyệt chiến lược phát triển kinh tế và tái cấu trúc hệ thống tài chính toàn cầu theo một trật tự mới, và mỗi nước cần phải xây dựng lại nền kinh tế của mình, trước hết là vượt qua khủng hoảng và sau đó là thích nghi với những điều chỉnh mang tính chất toàn cầu. Có hai điều chỉnh rất quan trọng. Tiến trình tự do hóa thị trường tài chính sẽ kết thúc, các chính phủ sẽ can thiệp, điều tiết và giám sát nhiều hơn thị trường và sản phẩm của thị trường, và mặt khác, phải hành xử có trách nhiệm và hiệu quả hơn trong việc xây dựng một môi trường an toàn hơn cho đồng tiền tiết kiệm của người dân.
Thời hoàng kim của các nhà quản trị tập đoàn hưởng lợi bằng cách hành động chìu theo sự tham lam vô độ của những cổ đông lớn sẽ chấm dứt, thay thế bằng những nhà kỹ trị có đạo đức, có lương tâm và hành xử có trách nhiệm hơn đối với xã hội. Mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận cũng sẽ thay đổi về chất. Người ta đã thấy nguy cơ của việc chạy theo lợi nhuận bằng bất cứ phương tiện gì, kể cả việc tạo ra những trò ảo thuật tài chính để tạo ra những bong bóng lợi nhuận ảo.
Bây giờ, các tập đoàn tài chính lớn, các quỹ đầu tư rủi ro, những người nắm trong tay các dòng vốn khổng lồ của thế giới phải ý thức hơn về mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận. Lợi nhuận phải có thật từ những dự án đầu tư hiệu quả thật. Không thiếu những cơ hội đầu tư như thế tại các nước đang phát triển, các thị trường mới nổi. Các dòng vốn không thể cứ mãi theo cảnh gà què ăn quẩn cối xay. Đầu tư tại các thị trường mới nổi mới thực sự là đầu tư mang lại hiệu quả thật, điều đó không những mang lại cho thế giới một sự phát triển năng động hơn, mà còn là một sự phát triển công bằng hơn.
Đối với các nền kinh tế tại các nước đang phát triển, cơ hội sẽ đến với họ nếu biết tổ chức lại hướng về mục tiêu xây dựng một nền kinh tế hiệu quả, năng động với chi phí thấp, tạo một môi trường đầu tư thật sự thuận lợi cho các dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước. Cơ hội vẫn có từ những thách thức tưởng chừng như khó vượt qua. Tuy nhiên, từ đống tro tàn của khủng hoảng, chỉ có những con phượng hoàng mới có thể chắp cánh bay lên.
HUỲNH BỬU SƠN - Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần