Ngày 19/5, tại kỳ họp thứ 15 (kỳ họp chuyên đề) của HĐND thành phố Hồ Chí Minh, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh đã trình bày các nội dung liên quan đến Đề án quy hoạch thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh trình bày tại kỳ họp chuyên đề của HĐND thành phố Hồ Chí Minh ngày 19/5.
Tại kỳ họp, ông Phan Văn Mãi cho biết, điểm nghẽn trong quy hoạch hiện hữu của thành phố Hồ Chí Minh là phân bổ vùng đô thị và chức năng vùng đô thị chưa thực hiện được. Do đó, thành phố Hồ Chí Minh gần như chỉ có một đô thị trung tâm, người dân từ khắp nơi đổ về, dẫn đến tắc nghẽn giao thông ngày càng nghiêm trọng.
“Hiện chỉ mình Phú Mỹ Hưng (quận 7) - lõi khu Nam gần như đáp ứng được nhu cầu tại chỗ nên sự dịch chuyển vào trung tâm ít. Còn lại Hóc Môn, Củ Chi, Quận 12,… đều dồn về trung tâm”, ông Mãi nói.
Vì thế, phân vùng đô thị thành phố Hồ Chí Minh trong sửa đổi quy hoạch lần này có 5 khu. Tại mỗi khu vực, phải hình thành khu đô thị hoàn chỉnh, đáp ứng ít nhất 60% chức năng tại chỗ.
“Không phải hình thành các khu rồi làm đường kết nối, hằng ngày người dân đổ dồn về trung tâm. Đây là điểm mới, đòi hỏi thành phố phải kiên trì, dành nguồn lực để phát triển các khu vực đô thị. Tất nhiên phải thực hiện kết nối giữa 5 ngũ giác này”, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh phân tích.
Nếu thực hiện được, giải pháp quy hoạch này sẽ giúp thành phố giải quyết vấn đề dân số, không gian đô thị và không gian phát triển. Từ đó, giải quyết điểm nghẽn giao thông và có thêm các không gian xanh, các thiết chế để nâng cao chất lượng cuộc sống.
Trong quy hoạch lần này, gần như trung tâm hiện hữu hạn chế tối đa phát triển mới và chỉnh trang lại khu chức năng nếu có thể thành không gian xanh. Khu dọc sông Sài Gòn là một động lực mới nhưng phát triển sẽ không nặng về kinh tế.
Ông Phan Văn Mãi cho hay, lẽ ra phải tiến hành thực hiện đề án quy hoạch thành phố thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trước rồi sau đó mới rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Nhưng bởi vì bị động bởi thời gian chống dịch nên thành phố Hồ Chí Minh triển khai hai nhiệm vụ này gần như song song, kể cả quy hoạch chung thành phố Thủ Đức cũng đang được tiến hành đồng thời.
Tại kỳ họp thứ 15 (kỳ họp chuyên đề) của HĐND thành phố Hồ Chí Minh, Ban Đô thị HĐND thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ ra một số bất cập trong Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Cụ thể, sau khi đối chiếu nội dung Tờ trình của UBND thành phố Hồ Chí Minh với hồ sơ Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hồ Chí Minh, Ban Đô thị HĐND thành phố Hồ Chí Minh nhận thấy có sự thiếu thống nhất, thiếu sót về nội dung: cách phân vùng, tên gọi các vùng/phân vùng, tiểu vùng, diện tích và quy mô dân số của mỗi vùng, vùng bao gồm những quận, huyện nào.
Trong đó, quy mô dân số là một trong những vấn đề nhận được quan tâm lớn. Bởi đây là cơ sở để cân đối, phân bổ cho các đơn vị hành chính trực thuộc thành phố để tính toán nhu cầu hạ tầng và cũng là căn cứ để xem xét, nghiên cứu các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.
Tại kỳ họp, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh đã phản hồi ý kiến của các đại biểu về sự phù hợp trong cách tính toán dân số.
Theo ông Mãi, dân số thành phố Hồ Chí Minh đang là 12 - 13 triệu người, nhưng số liệu chính thức chỉ gần 10 triệu người do có sự chênh lệch là số dân vãng lai. Trong 10 năm qua, tỷ lệ chênh lệch dân số vãng lai khoảng 25 - 30%.
Dự báo, quy mô dân số toàn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030 là 11 triệu người, đến năm 2040 là 13 triệu người, đến năm 2050 là 14,5 triệu người và đến năm 2060 là 16 triệu người. Các số liệu này phải cộng thêm 25 - 30% dân số vãng lai đã nêu.
Mặt khác, việc tính toán vấn đề tăng dân số phải được đặt trong tương quan phát triển thành phố Hồ Chí Minh. Ông Mãi cho rằng tỷ lệ 25 - 30% dân vãng lai sắp tới sẽ có sự thay đổi khi các địa phương trong vùng, đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long kết nối với thành phố tốt hơn.
Do đó, cần tính toán có chừng mực để tránh đầu tư hạ tầng lớn nhưng hiệu quả phục vụ không cao, trong bối cảnh thành phố sẽ không tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp thâm dụng lao động, đất đai mà tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao.
Tiếp thu ý kiến từ các đại biểu HĐND thành phố Hồ Chí Minh, người đứng đầu chính quyền thành phố khẳng định sẽ có cuộc họp với các bên liên quan để tính toán lại quy mô dân số.
Nguyễn Thành Nhân - Theo Người Đưa Tin