Trước đây, đường Lê Văn Sỹ, Quang Trung tại TP.HCM từng được mệnh danh là "tuyến đường thời trang" với hàng loạt cửa hàng kinh doanh quần áo đa dạng, người mua nhộn nhịp. Nhưng nay, tại những nơi này rất đìu hiu, nhiều chủ cửa hàng trả mặt bằng la liệt.
Trước đây, đường Lê Văn Sỹ (đoạn kéo dài từ Q.3 đến Q.Phú Nhuận) từng được mệnh danh là "thiên đường mua sắm" bởi nơi đây tập trung nhiều cửa hàng thời trang, thu hút đông khách ghé qua. Tuy nhiên, sáng 17.4, khi đến đường Lê Văn Sỹ, chúng tôi chỉ cảm nhận sự vắng lặng, đìu hiu, nhiều chủ cửa hàng quần áo treo bảng trả mặt bằng. Có nơi còn đồng loạt treo bảng như: "đại hạ giá, giảm đến 70%", "giảm giá sập sàn"...
Cảnh đìu hiu tại "tuyến đường thời trang" Lê Văn Sỹ - TẤN ĐẠT
Ngồi thẫn thờ trong cửa hàng, chị L.T.M.H (34 tuổi), kinh doanh quần áo trên đường Lê Văn Sỹ, Q.3, TP.HCM, than thở: "Tưởng rằng sau tết năm 2024, tình hình kinh doanh của cửa hàng sẽ ổn định lại. Tuy nhiên, hơn 1 tháng nay doanh thu bị tuột giảm không phanh, có những ngày chỉ vài khách ghé qua xem đồ rồi bỏ đi. Một số mặt hàng mình giảm giá từ 40 – 60% trong thời gian dài nhưng vẫn chưa có khách mua".
Phố thời trang sầm uất nhất TP.HCM vắng chưa từng thấy, chủ 'đếm ngày gồng lỗ'
Trả mặt bằng la liệt trên đường Lê Văn Sỹ - TẤN ĐẠT
Đường Lê Văn Sỹ, từng nổi tiếng với những cửa hàng thời trang, nay lại rơi vào cảnh trả mặt bằng - TẤN ĐẠT
"Mình đã cầm cự hơn nhiều tháng qua, doanh thu cửa hàng bây giờ chỉ nhờ mảng bán trực tuyến. Nếu tình hình này kéo dài, chắc tháng sau mình sẽ trả mặt bằng", chị H. nói thêm.
Là người kinh doanh thời trang nam trên đường Lê Văn Sỹ hơn 5 năm, anh Lê Hoàng Phương (31 tuổi), cảm thấy rất bất an khi chứng kiến nhiều chủ cửa hàng lân cận trả mặt bằng.
Theo anh Phương, từ khi giao dịch thương mại điện tử phát triển, nhiều cửa hàng thời trang rơi vào cảnh ế khách. Song, tình hình kinh tế khó khăn, người dân chắt chiu chi tiêu, đồng thời giá thuê mặt bằng cao nên nhiều chủ shop gặp gánh nặng kinh doanh.
Một số chủ cửa hàng đã "xả hết" đồ và... trả mặt bằng - TẤN ĐẠT
"Sức mua tại cửa hàng của mình giảm nhiều so với trước tết 2024. Hiện tại, mình có đẩy mạnh các mặt hàng lên mạng xã hội, sàn giao dịch điện tử... nhưng vẫn không thấy khả thi", anh Phương cho hay.
Các cửa hàng thời trang "nối đuôi" trả mặt bằng - TẤN ĐẠT
Một số chủ cho biết dịch vụ mua sắm trên các sàn thương mại điện tử phát triển khiến lượng khách tới trực tiếp cửa hàng chọn mua quần áo giảm đi đáng kể - TẤN ĐẠT
Tuyến đường Quang Trung (Q.Gò Vấp), từng được nhiều người trẻ biết đến bởi có đông đúc cửa hàng thời trang giá rẻ. Rất nhiều người đến đây mua sắm, lựa chọn cho mình những "bộ cánh" xinh đẹp. Tuy nhiên, những tháng gần đây "con đường thời trang" này trở nên đìu hiu, vắng vẻ, nhiều chủ shop treo bảng "trả mặt bằng".
Các bạn trẻ kinh doanh quần áo trả mặt bằng, đẩy mạnh mua bán trên các sàn thương mại điện tử, livestream - TẤN ĐẠT
Liên tục tung ra nhiều chương trình giảm giá, chị Nguyễn Thị Anh Thư (31 tuổi), quản lý một cửa hàng quần áo trên đường Quang Trung, cho hay tình hình buôn bán ế ẩm kéo dài mấy tháng nay. Mình đã áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi nhưng vẫn không có khách mua.
Nhiều cửa hàng quần áo trên đường Quang Trung đóng cửa không hoạt động - TẤN ĐẠT
Theo chị Thư, mặt bằng kinh doanh quần áo có diện tích 180 m2, với giá thuê hơn 60 triệu đồng/tháng. "Dù chủ nhà đã giảm một ít, nhưng với tình hình kinh doanh quần áo hiện nay vẫn không đủ lợi nhuận bù qua. Nếu tình hình này kéo dài thì việc trả mặt bằng sẽ là chuyện sớm hay muộn mà thôi", chị Thư nói.
"Sau tết đến nay, việc kinh doanh khá chậm vì đa số người dân đều mua hàng trực tuyến và họ cũng tiết kiệm chi tiêu. Khách đến mua giờ chủ yếu là người thân, quen ủng hộ. Để cải thiện kinh doanh, mình tập trung vào các chương trình khuyến mãi, bán hàng trực tuyến", chị Thư cho hay.
Một số cửa hàng thời trang ở đường Quang Trung có nhiều chương trình thanh lý, xả hàng với giá cực rẻ nhưng vẫn hiếm người ghé mua - TẤN ĐẠT
Khung cảnh đìu hiu, vắng lặng trên "tuyến đường thời trang" ở Q.Gò Vấp - TẤN ĐẠT
Không ít người trẻ cảm thấy buồn khi chứng kiến tình hình kinh doanh quần áo ngày càng ảm đạm - TẤN ĐẠT
Anh Nguyễn Ngọc Minh (33 tuổi), ngụ tại hẻm 745 Quang Trung, Q.Gò Vấp, TP.HCM, cho hay từng rất tự hào vì nơi đây được mệnh danh là "thiên đường mua sắm".
"Ở Q.Gò Vấp có tuyến đường Quang Trung, chợ Hạnh Thông Tây nổi tiếng là kinh doanh quần áo, phụ kiện, giày dép, túi xách. Rất nhiều người đổ về cuối tuần để mua sắm, vui chơi. Nhưng thời gian gần đây, mình thấy rất buồn vì chứng kiến nhiều tiểu thương kinh doanh ế ẩm, chủ cửa hàng quần áo liên tục trả mặt bằng. Không biết đến bao giờ thì mới thấy lại cảnh nhộn nhịp mua sắm quần áo, khách ra vô liên tục tại các cửa hàng thời trang...", anh Minh nói.
Tấn Đạt - Theo Thanh Niên