Chính phủ giao Bộ Xây dựng bám sát tình hình để có giải pháp tháo gỡ, xử lý các khó khăn của thị trường BĐS "phải có chuyển biến rõ nét 6 tháng cuối năm"
Chính phủ yêu cầu gỡ khó thị trường bất động sản có hiệu quả rõ nét
Tại Nghị quyết 93 ngày 18/6, Chính phủ giao Bộ Xây dựng cùng các bộ ngành, địa phương rà soát, gỡ vướng cho các doanh nghiệp bất động sản trong phát triển dự án.
Yêu cầu nói trên được Chính phủ đưa ra trong bối cảnh thị trường có tín hiệu phục hồi nhưng chưa thoát khỏi khó khăn. Hiện, nhiều dự án vẫn gặp vướng về quy hoạch, pháp lý hay thủ tục thực hiện. "Việc này phải có chuyển biến rõ nét trong 6 tháng cuối năm", Nghị quyết nêu.
Chính phủ giao Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước và các địa phương rà soát, đánh giá kỹ nguyên nhân chậm giải ngân gói tín dụng nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng. Sau hơn một năm gói tín dụng này mới giải ngân chưa tới 1%, tức khoảng 1.144 tỷ đồng. Trong số này khoảng 1.100 tỷ cho chủ đầu tư tại 11 dự án, còn lại người mua nhà. Do đó, hai cơ quan này phải sớm có giải pháp tăng giải ngân, gỡ vấn đề liên quan đối tượng vay, lãi suất, quy trình, thủ tục cho vay...
Thực tế, thị trường địa ốc có dấu hiệu phục hồi tích cực qua từng tháng cùng với diễn biến nền kinh tế. Theo dữ liệu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), tỷ lệ hấp thụ nguồn cung mới toàn thị trường đạt gần 31% trong quý I, với khoảng 6.200 giao dịch thành công. Con số này tăng 8% so với quý trước và gấp đôi cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng nhận định thị trường vẫn chưa hết khó khăn. Những bất cập, vướng mắc đã được nhận diện nhưng vẫn cần thời gian để tháo gỡ, như mất cân đối cung - cầu. Theo cơ quan này, nguồn cung vừa qua cải thiện, song chưa đáp ứng nhu cầu. Cùng đó, cơ cấu sản phẩm trên thị trường không hợp lý, khi số nhà ở cao cấp chiếm tỷ trọng lớn, trong khi nhà giá rẻ, nhà ở xã hội lại thiếu. Đây là tồn tại vốn kéo dài nhiều năm qua.
Một trong cách gỡ khó nữa, là Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, cho phép 3 luật liên quan tới thị trường bất động sản, là Luật Đất đai, Nhà ở và Kinh doanh bất động sản có hiệu lực sớm từ 1/8. Để đủ cơ sở pháp lý khi các luật này được thi hành sớm, các Bộ, cơ quan, địa phương được yêu cầu trong tháng 6 trình Chính phủ ban hành các nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn.
Ngày 19/6, thông tin tại một tọa đàm, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận đang có tắc nghẽn về đất đai, pháp lý, thanh tra kiểm tra. Theo ông, mỗi thành phố lớn hiện có hàng trăm dự án lớn chưa giải quyết được, tồn đọng hàng chục năm. "Nếu tháo gỡ được sẽ là nguồn lực lớn cho xã hội", ông Dũng nói, nhấn mạnh gỡ vướng cho doanh nghiệp, đặc biệt bất động sản là việc buộc phải thực hiện.
Năm 2024, Chính phủ đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP ở mức 6,5% và CPI 4%. Để đạt mục tiêu này, Chính phủ yêu cầu điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, hài hòa với chính sách tiền tệ, tiết kiệm, kiểm soát chặt bội chi ngân sách, nợ công.
Ngân hàng Nhà nước điều hành tỷ giá, lãi suất phù hợp, tăng thanh tra, kiểm soát rủi ro nợ xấu, chất lượng tín dụng. Cơ quan này phải làm việc với các ngân hàng thương mại để tiếp tục giảm lãi suất cho vay, ưu tiên vốn cho một số lĩnh vực như nhà ở xã hội, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn.
Về hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, Chính phủ lưu ý xử lý các điểm nghẽn về pháp lý cho người dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Các bộ ngành, địa phương không trông chờ ỷ lại, đùn đẩy, né tránh và kịp thời đề xuất, kiến nghị những vấn đề vượt thẩm quyền, theo Nghị quyết.
Các bộ ngành cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi, giảm chi phí tuân thủ, xử lý vướng mắc về hoàn thuế giá trị gia tăng, phòng cháy, chữa cháy, truy xuất nguồn gốc cho người dân, doanh nghiệp.
Thị trường bất động sản đang dần phục hồi
Diễn biến của thị trường bất động sản vừa qua cho thấy, nguồn cung, giá bán và giao dịch bất động sản đang hồi phục tích cực trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp, theo Hội Môi giới.
Trong bản tin thị trường mới đây, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết phần lớn các dự án mở bán trong nửa đầu quý II ghi nhận lượng quan tâm và booking tốt, dù thuộc phân khúc trung cấp trở lên.
Dữ liệu của VARS chỉ ra tỷ lệ hấp thụ nguồn cung mới toàn thị trường đạt gần 31% trong quý I với khoảng 6.200 giao dịch thành công. Con số này tăng 8% so với quý trước và gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Diễn biến này tiếp tục lan rộng sang đầu quý II. Một số thị trường được VARS đánh giá là điểm sáng thời gian qua gồm Hải Phòng, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Đà Nẵng, Bình Dương...
VARS nhìn nhận đây là dấu hiệu cho thấy nhu cầu đầu tư đang quay lại, thay vì tập trung ở phân khúc ở thực. Các chủ đầu tư cũng bắt đầu kích hoạt triển khai các dự án mới hoặc "làm mới hàng cũ" bằng hoạt động khởi công, kick-off. Điểm chung của số dự án này là được đầu tư bài bản về chất lượng, hoàn chỉnh pháp lý cùng với chính sách ưu đãi đa dạng.
"Thị trường địa ốc đang phục hồi tích cực qua từng tháng cùng với diễn biến nền kinh tế", ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS cho biết.
Ngoài các dự án căn hộ mới, ông Đính nhìn nhận mức độ quan tâm sản phẩm đất nền, nhà phố, biệt thự cũng dần hồi phục so với vùng đáy giữa năm ngoái.
Nhu cầu thị trường dần phục hồi cũng thúc đẩy nhiều môi giới từng rời ngành quay trở lại. Ông Đính cho hay nhiều doanh nghiệp môi giới gần đây bắt đầu tuyển nhân sự trở lại. Dữ liệu VARS cho thấy trong 5 tháng đầu năm nay, có khoảng 40% môi giới từng bỏ việc vào thời điểm thị trường khó khăn nhất đã tái nhập cuộc.
Chủ tịch VARS dự báo năm 2024 là thời gian cuối của giai đoạn khó khăn trên thị trường bất động sản. Các phân khúc sẽ dần phát triển ổn định theo đà phục hồi của nền kinh tế và tốc độ đô thị hóa. Trước bài học môi giới ồ ạt bỏ việc giai đoạn trước, ông Đính khuyến nghị các sàn giao dịch cần xây dựng lộ trình đào tạo, phát triển chuyên môn cũng như đưa ra chính sách hoa hồng hấp dẫn để có đội ngũ môi giới chất lượng cao.
Lê Sáng - Theo Nhịp sống thị trường