Giá khí đốt tại châu Âu tăng hơn 30% trong tuần này trước lo ngại nguồn cung bị gián đoạn do xung đột Israel-Hamas và sự cố rò rỉ đường ống ở Phần Lan.
Đường ống khí đốt Balticconnector tạm dừng hoạt động từ sáng ngày 8/10 do nghi vấn rò rỉ. Ảnh; RT
Theo tờ Financial Times, giá khí đốt châu Âu trong ngày 12/10 đã tăng vọt lên mức cao nhất kể từ tháng 3 do giới thương nhân quan ngại tình trạng nguồn cung năng lượng toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ căng thẳng tại Trung Đông.
Cụ thể, giá khí tại trung tâm giao dịch Hà Lan leo dốc hơn 14%, lên mức 53 euro/ MWh. Tính chung trong tuần, giá khí đốt đã tăng hơn 30% so với tuần trước.
Đường ống khí đốt Balticconnector tạm dừng hoạt động từ sáng ngày 8/10 do nghi vấn rò rỉ.
Chính quyền Helsinki hôm 10/10 thứ Ba thông báo đã tiến hành cuộc điều tra về vụ rò rỉ đường ống khí đốt Balticconnector chạy dưới biển nối Phần Lan và Estonia, gia tăng nghi ngờ rằng đoạn đường ống này đã bị cố tình phá hoại.
Trước đó, chính phủ Phần Lan cho biết vụ rò rỉ “không phải do trục trặc trong quá trình vận chuyển đường ống". Ngoài ra, giới chức Phần Lan đã phát hiện thêm lỗi trên đường cáp liên lạc tới Estonia.
Ra mắt vào năm 2019, đường ống Balticconnecto dài 77 km được sử dụng để vận chuyển khí đốt từ kho cảng nhập khẩu Khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở Phần Lan đến Estonia với công suất hàng năm là 2,6 tỷ mét khối.
Nhà điều hành Gasgrid của Phần Lan nói rằng công việc sửa chữa đường ống Balticconnector bị hư hỏng dự kiến sẽ kéo dài ít nhất 5 tháng. Theo đó, đường ống này chỉ có thể vận hành trở lại vào tháng 4/2024.
Sự cố đường ống ở Phần Lan là cú sốc mới nhất đối với thị trường khí đốt châu Âu vốn đã rơi vào cuộc khủng hoảng năng lượng vào năm ngoái do ảnh hưởng bởi xung đột Nga - Ukraine.
Các cơ sở lưu trữ khí đốt ở châu Âu đã lấp đầy công suất để chuẩn bị cho mùa đông, giảm bớt lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn. Giá khí đốt tại châu Âu đã giảm từ mức đỉnh hơn 300 euro/MWh vào tháng 8/2022 sau khi Nga giảm mạnh nguồn cung sang châu lục này.
Tuy nhiên, biến động trên thị trường khí đốt châu Âu trong tuần này đang gia tăng nguy cơ tái diễn một cuộc khủng hoảng năng lượng mới do các mối đe dọa đối với nguồn cung trên toàn thế giới.
Hồi tháng 9 năm ngoái, Moscow cũng dừng hoạt động vô thời hạn đường ống Nord Stream 1 đưa khí đốt từ Nga sang Đức sau vụ phá hoại đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2.
Chính phủ Phần Lan khẳng định nguồn cung cấp khí đốt của nước này vẫn ổn định và có thể đảm bảo lượng khí đốt cần thiết cho mùa đông thông qua một kho khí đốt tự nhiên hóa lỏng tạm thời. Estonia có thể nhận nguồn khí đốt từ Latvia.
Henning Gloystein - giám đốc công ty phân tích Eurasia Group, cảnh báo: “Việc đường ống khí đốt Balticconnector dừng hoạt động có thể khiến cả Phần Lan và Estonia, cùng với với châu Âu rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong mùa đông năm nay nếu các đường ống khác gặp sự cố”.
Trong khi đó, để đối phó với vụ tấn công của phiến quân Hamas, chính phủ Israel đầu tuần này đã cắt giảm sản lượng xuất khẩu sang Ai Cập.
Bộ năng lượng Israel hôm 9/10 đã yêu cầu tập đoàn Chevron của Mỹ tạm thời đình chỉ các hoạt động tại mỏ khí Tamar do lo ngại về an ninh.
Tổ chức Capital Economics cho biết, mỏ khí Tamar chiếm khoảng 50% tổng sản lượng hơn 20 tỷ mét khối khí đốt hàng năm của Israel.
Trong khi phần lớn khí đốt của Israel được tiêu thụ trong nước, hơn 30% được xuất khẩu qua đường ống tới Ai Cập và tới các thị trường toàn cầu. Đây cũng là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) quan trọng cho châu Âu.
Việc ngừng cung cấp khí đốt từ Tamar cũng đặt ra câu hỏi về việc Ai Cập sẽ có bao nhiêu khí đốt để xuất khẩu dưới dạng LNG sang châu Âu và các nơi khác.
Công ty Chevron và Israel có thể sẽ dành ưu tiên cho các khách hàng nội địa của Israel, điều này có thể làm hạn chế lượng khí đốt có sẵn để Ai Cập xuất khẩu.
Ngoài ra, đe dọa tiếp tục đình công của công nhân Australia tại các cơ sở khí đốt tự nhiên hóa lỏng của tập đoàn Chevron cũng làm tăng thêm nỗi lo về tình trạng gián đoạn nguồn cung toàn cầu.
Những rủi ro trên cho thấy giá khí đốt tại EU ngày càng bị ảnh hưởng bởi thị trường LNG toàn cầu như thế nào khi khối này quyết tâm “cai nghiện” khí đốt giá rẻ của Nga.