Việt Nam và Mỹ đã chính thức nâng cấp mối quan hệ trở thành Đối tác Chiến lược Toàn diện, mức cao nhất trong các mối quan hệ hiện có ở Việt Nam. Đây là một điều kiện rất tốt để Việt Nam có thể tận dụng tốt chiến lược friendshoring (chuyển sản xuất sang nước bạn) của Mỹ, giúp Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, phát triển toàn diện nhằm đạt mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045.
Friendshoring và các thuật ngữ liên quan
Friendshoring là một thuật ngữ mới xuất hiện gần đây. Nó được hiểu là các doanh nghiệp đa quốc gia định tuyến lại chuỗi cung ứng đến các quốc gia được coi là an toàn về mặt chính trị và kinh tế hoặc có rủi ro thấp, để tránh sự gián đoạn trong hoạt động kinh doanh.
Bên cạnh friendshoring, còn có một số thuật ngữ khác như nearshoring, inshoring, onshoring và reshoring. Nearshoring là chuyển dịch sản xuất sang láng giềng. Đây là quá trình chuyển các chuỗi cung ứng sang các nước láng giềng có cùng đường biên giới. Gần đây, việc Mỹ, Canada và Mexico ký lại hiệp định thương mại tự do là một phần của chiến lược này. Inshoring, onshoring, reshoring là việc doanh nghiệp chuyển việc sản xuất về nước của mình.
Những vấn đề nêu trên diễn ra kể từ khi bắt đầu chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, và giờ đây đang là chiến tranh lạnh lần thứ hai. Đại dịch Covid-19 xuất hiện, các quốc gia đóng cửa làm các chuỗi cung ứng bị đứt gãy và nhiều nước, nhất là Mỹ đã bị ảnh hưởng. Những rủi ro càng hiển hiện hơn khi Nga tấn công Ukraine và Mỹ cùng nhiều nước phát triển khác bắt đầu quá trình phân tách (decoupling) và giảm thiểu rủi ro (de-risking) từ Trung Quốc.
Điều đáng chú ý nhất trong những vấn đề nêu trên là việc các doanh nghiệp Mỹ và phương Tây đang chuyển các hoạt động sản xuất ra khỏi và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Chiến lược friendshoring của Mỹ
Thuật ngữ friendshoring được sử dụng và gây chú ý từ bài nói chuyện ngày 14-3-2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen tại Atlantic Council – tổ chức nghiên cứu về quan hệ quốc tế hàng đầu của Mỹ.
Bà Janet Yellen đã phát biểu: “Thay vì phụ thuộc nhiều vào các quốc gia nơi chúng ta có căng thẳng địa chính trị và không thể tin tưởng vào nguồn cung cấp liên tục, đáng tin cậy, chúng ta cần thực sự đa dạng hóa nhóm nhà cung cấp của mình… Tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối các chuỗi cung ứng với nhiều quốc gia đáng tin cậy… Liên quan đến việc chuyển sản xuất về nước bạn, chúng ta có một nhóm đối tác mà chúng ta cảm thấy thoải mái với địa chính trị của mình – chúng ta không lo lắng về các vấn đề địa chính trị… Chúng ta có một nhóm các quốc gia tuân thủ chặt chẽ một bộ chuẩn mực và giá trị về cách vận hành trong nền kinh tế toàn cầu và về cách điều hành nền kinh tế toàn cầu. Hệ thống kinh tế và chúng ta cần tăng cường mối quan hệ với các đối tác đó và hợp tác để đảm bảo rằng chúng ta có thể cung cấp cho nhu cầu những nguyên liệu quan trọng”.
Đây là cơ hội có tính chiến lược lần thứ hai mà Việt Nam có được kể từ khi Đổi mới đến nay. Lần thứ nhất là khi chiến tranh lạnh lần thứ nhất kết thúc và Việt Nam đã mở cửa. Tuy nhiên, cơ hội này đã chưa được tận dụng tốt. Việt Nam cần học từ bài học quá khứ để tìm cách tận dụng tốt cơ hội lần này.
Phân tích trong bài viết “Chuyển sản xuất sang nước bạn có thực sự hiệu quả?” ngày 25-7-2023, trên Atlantic Council, Niels Graham and Mondrita Rashid cho rằng, hàm ý trong phát biểu của bà Yellen là sự cần thiết trong việc chuyển các chuỗi cung ứng từ Trung Quốc đến các đối tác của Mỹ như Đài Loan, Ấn Độ, Việt Nam và Mexico.
Chính phủ Mỹ đã đưa ra các khuyến cáo và chính sách để các doanh nghiệp của mình chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc và khuyến khích đầu tư các cơ sở sản xuất tại nước Mỹ. Thêm vào đó, Mỹ cũng đưa ra những chính sách rất cụ thể để hạn chế sự phát triển của các ngành công nghệ cao của Trung Quốc.
Các doanh nghiệp của Mỹ đã bắt đầu có những hành động cụ thể. Ví dụ, cho dù 95% hàng hóa được sản xuất tại Trung Quốc sau một kế hoạch dài hạn xây dựng cụm ngành sản xuất iPhone tại đó, nhưng gần đây Apple đã có những bước đi rất rõ ràng. Họ đang có những dịch chuyển nhanh chóng mà theo các phân tích gần đây đến năm 2025 có đến 25% sản phẩm của Apple được sản xuất ngoài Trung Quốc và con số này sẽ còn tăng hơn nữa. Ấn Độ và Việt Nam là hai quốc gia được Apple lựa chọn.
Những nhóm hàng hóa thuộc diện ưu tiên dịch chuyển của Mỹ
Theo sắc lệnh điều hành về chuỗi cung ứng (số 1417) của Tổng thống Mỹ ban hành ngày 24-2-2021, bốn nhóm có tính chất chiến lược cần phải đảm bảo gồm: (1) y tế công cộng và các vật phẩm sinh học, (2) công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), (3) năng lượng, và (4) các khoáng sản và vật liệu quan trọng. Cơ quan Quản lý Thương mại Quốc tế (ITA) của Bộ Thương mại Mỹ đã xây dựng một danh sách khoảng 2.400 hàng hóa và nguyên liệu quan trọng trong bốn chuỗi cung ứng đó.
Trong các hàng hóa thuộc diện ưu tiên dịch chuyển đến nước bạn của Mỹ và quan tâm của các doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam, 10 lĩnh vực mà Việt Nam có thể tham gia hoặc nên tận dụng gồm: (1) điện tử bán dẫn, (2) khai thác tinh chế khoáng chất giá trị cao phục vụ ngành bán dẫn, (3) hạ tầng số, (4) trí tuệ nhân tạo, (5) y tế và chăm sóc sức khỏe, (6) năng lượng, (7) phát triển nguồn điện và dịch chuyển xanh, (8) phát triển cơ sở hạ tầng và logistics, (9) nâng cao năng lực nghiên cứu, và (10) giáo dục đại học. Các vấn đề này đã được nêu rất cụ thể trong nội dung triển khai về Đối tác Chiến lược Toàn diện với Việt Nam đã được công bố.
Cơ hội cho Việt Nam
Các doanh nghiệp Mỹ đang thực sự quan tâm đến việc xây dựng các cơ sở mới hoặc mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh ở Việt Nam. Trong tháng 3-2023, một đoàn gồm 50 doanh nghiệp Mỹ do Hội đồng Kinh doanh Mỹ – ASEAN tổ chức đã đến Việt Nam tìm hiểu các cơ hội kinh doanh.
Sự cẩn trọng và tinh thần phòng ngừa rủi ro được dựa trên nguyên tắc tận dụng cơ hội mới chứ không nên mới thấy “ruồi muỗi” đã tìm cách đóng cửa.
Thông tin gần đây được đưa ra là Apple đã chuyển 11 đơn vị sản xuất đến Việt Nam. Intel đã công bố kế hoạch mở rộng cơ sở lắp ráp chip ở TPHCM lên mức đầu tư 4 tỉ đô la Mỹ, gấp bốn lần con số đầu tư ban đầu của tập đoàn này. Nhiều doanh nghiệp Mỹ khác cũng đang xúc tiến các kế hoạch của mình ở Việt Nam.
Những hoạt động liên tục trong thời gian qua, nhất là cuộc họp của những doanh nghiệp về điện tử và bán dẫn hàng đầu của hai nước cùng sự tham gia của đại diện chính quyền hai nước trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa qua cho thấy những hành động hết sức cụ thể và rõ ràng. Các cơ hội trong nước đang rất rõ ràng cho Việt Nam.
Không chỉ tại Việt Nam, thị trường Mỹ cũng rộng lớn và tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam khai thác cũng như tận dụng chính sách chuyển sản xuất về nước của họ. Khoảng trống của hàng hóa Trung Quốc giảm đi và những ngành kinh doanh tăng trưởng nhanh cũng như những ngành khuyến khích đầu tư sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam. Thêm vào đó, lao động nhập khẩu trong các lĩnh vực về chăm sóc y tế, xây dựng và nông nghiệp cũng mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp và người lao động Việt Nam.
Những việc cần làm đối với Việt Nam
Việt Nam đang có một cơ hội rất tốt cho phát triển kinh tế khi hai quốc gia nâng cấp mối quan hệ lên một tầm cao mới trong một bối cảnh hết sức đặc biệt của thế giới có thể nói là bước vào chiến tranh lạnh lần thứ hai trong kỷ nguyên hiện đại. Để có thể tận dụng các cơ hội, những vấn đề sau cần được xem xét.
Thứ nhất, đầu tư có trọng tâm và trọng điểm để đảm bảo chất lượng hạ tầng (cả cứng và mềm) cũng như các dịch vụ hỗ trợ cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư chất lượng cao. Đối với việc này, cần ưu tiên cho các trung tâm kinh tế và lĩnh vực thúc đẩy nâng cao năng suất của Việt Nam và các nhà đầu tư nhắm vào Việt Nam. Trong đó, chất lượng của hệ thống giáo dục, nhất là giáo dục đại học và năng lực nghiên cứu, đổi mới sáng tạo có vai trò then chốt.
Thứ hai, đảm bảo ổn định chính trị nội bộ và khuyến khích tinh thần dám nghĩ, dám làm của đội ngũ. Các nhà đầu tư nước ngoài luôn quan ngại về các tác động không mong đợi của chiến dịch chống tham nhũng. Do vậy, lãnh đạo của quốc gia cần phát đi thông điệp rõ ràng với các hành động cụ thể để các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm chọn Việt Nam; đội ngũ cán bộ, công chức yên tâm làm việc, các doanh nghiệp và người dân yên tâm làm ăn.
Thứ ba, tìm hiểu thật kỹ các nội dung cụ thể để các nhà đầu tư Mỹ nói riêng, các nhà đầu tư nước ngoài nói chung vào Việt Nam theo cách tạo ra lợi ích và sự thuận tiện cho họ, nhưng đảm bảo các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Việt Nam phải nhận được sự chuyển giao công nghệ cũng như học hỏi.
Thứ tư, tìm hiểu kỹ các cơ hội kinh doanh cũng như xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ sang Mỹ mà hai bên đã cam kết.
Thứ năm, sự cẩn trọng và tinh thần phòng ngừa rủi ro được dựa trên nguyên tắc tận dụng cơ hội mới chứ không nên mới thấy “ruồi muỗi” đã tìm cách đóng cửa.
Tóm lại, đây là cơ hội có tính chiến lược lần thứ hai mà Việt Nam có được kể từ khi đổi mới đến nay. Lần thứ nhất là khi chiến tranh lạnh lần thứ nhất kết thúc và Việt Nam đã mở cửa. Tuy nhiên, cơ hội này đã chưa được tận dụng tốt. Do vậy, thu nhập bình quân đầu người chỉ chuyển từ nước có thu nhập thấp sang ngưỡng cao của nước có thu nhập trung bình thấp. Trái lại, Trung Quốc đã tận dụng rất tốt để ở ngưỡng cao của nước có thu nhập trung bình cao và bắt đầu bước vào ngưỡng nước có thu nhập cao. Việt Nam cần học từ bài học quá khứ để tìm cách tận dụng tốt cơ hội lần này. Nếu không, mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước có thu nhập cao sẽ rất thách thức.
Huỳnh Thế Du - Theo TheSaigonTimes