Trước tình hình già hoá dân số, nhu cầu về dịch vụ chăm sóc người cao tuổi ngày càng tăng.
Hồi tháng 3 vừa qua, Vingroup (VIC) đã chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Well Group (Nhật Bản) để phát triển mô hình trung tâm chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi đẳng cấp quốc tế.
Mô hình này bao gồm hai hình thức: Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trong ngày và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dài hạn (nhà dưỡng lão). Trong đó, mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cao cấp đang được triển khai tại khu đô thị Vinhomes Ocean Park 2 (Ocean City, Hà Nội).
Bên cạnh việc nghiên cứu và triển khai mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dài hạn, Vingroup đang lên kế hoạch mở rộng quy mô và nhân rộng mô hình này trên toàn chuỗi. Mục tiêu là bổ sung viện dưỡng lão cao cấp vào danh sách "những đặc quyền đẳng cấp chỉ có ở Vinhomes".
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Well Group của Vingroup
Đầu tháng 8 vừa qua, tại Hà Nam, Sun Group cũng đã chính thức triển khai dự án đại đô thị Sun Urban City theo mô hình đô thị nghỉ dưỡng ngoại ô với 1.001 tiện ích. Dự án này cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người cao tuổi, bao gồm khu dưỡng lão, bệnh viện chuyên biệt, không gian rộng lớn để đi dạo, sum vầy cùng người thân và bạn bè.
Tuy nhiên, các cơ sở hiện nay mới chỉ đáp ứng nhu cầu của một bộ phận rất nhỏ người cao tuổi ở khu vực đô thị. Nguyên nhân do chi phí sinh hoạt tại các cơ sở này vẫn còn cao so với mức thu nhập bình quân của Việt Nam, đặc biệt là thu nhập của người cao tuổi.
Do đó, ngoài các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao thu nhập cho người lao động, cần phải mở rộng phạm vi bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội để hỗ trợ chi phí chăm sóc tại nhà dưỡng lão. Điều này sẽ giúp giảm gánh nặng tài chính cho người dân và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ.
Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), Việt Nam là một trong số 10 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Những người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% tổng dân số vào năm 2019 và dự báo sẽ tăng lên hơn 25% vào năm 2050. Đến năm 2036, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già”.
Tình trạng này đặt ra thách thức lớn với mọi khía cạnh kinh tế xã hội, bao gồm thiếu hụt nguồn nhân lực trẻ, lực lượng và năng suất lao động giảm sút... Đặc biệt là thách thức trong việc tăng cường phát triển các mô hình dưỡng lão đủ để đáp ứng nhu cầu điều trị, chăm sóc sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi.
Tại Việt Nam, số lượng cơ sở chăm sóc và cung cấp dịch vụ cho người cao tuổi, đặc biệt là cơ sở tư nhân, vẫn còn hạn chế so với tiềm năng. Theo khảo sát của Công ty bảo hiểm Bảo Việt (BVI), Việt Nam chỉ có 32/63 tỉnh có viện dưỡng lão, trong khi tỷ lệ người cao tuổi sống cô đơn đang tăng. Hiện cả nước chỉ có khoảng 400 viện dưỡng lão, với khoảng 50% là các trung tâm từ thiện hoặc do nhà nước đầu tư.
Theo Kiến Thức Đầu Tư