Riêng trong quý 3/2024, nợ xấu của các ngân hàng trên sàn chứng khoán đã tăng thêm 13.479 tỷ đồng, tương đương tăng 5,6%.
Các ngân hàng trên sàn chứng khoán có hơn 253.000 tỷ đồng nợ xấu
Theo số liệu từ báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2024, tổng số dư nợ xấu (nợ nhóm 3 - 5) của 27 ngân hàng trên sàn chứng khoán Việt Nam tính đến cuối tháng 9 ở mức 253.479 tỷ đồng, tăng 56.160 tỷ đồng so với cuối năm 2023 (tương đương tăng 28,5%). Số nợ xấu trên hiện chiếm 2,3% tổng dư nợ cho vay khách hàng của 27 ngân hàng.
Riêng trong quý 3, nợ xấu của các ngân hàng trên đã tăng thêm 13.479 tỷ đồng, tương đương tăng 5,6%.
Đứng đầu về quy mô nợ xấu là BIDV với số dư đến cuối tháng 9/2024 ở mức 33.386 tỷ đồng, tăng 49,3% so với cuối năm 2023. Tuy nhiên, với dư nợ cho vay khách hàng lớn nhất hệ thống, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay của ngân hàng này chỉ ở mức 1,71%.
VPBank hiện đứng thứ hai với số dư nợ xấu ở mức 30.532 tỷ đồng, chiếm 4,81% tổng dư nợ cho vay khách hàng. So với cuối năm 2023, số dư nợ xấu của VPBank chỉ tăng thêm 7,4% - thấp hơn hơn nhiều so với bình quân toàn ngành. Riêng trong quý 3, ngân hàng này đã giảm được gần 1.200 tỷ đồng nợ xấu.
Với 23.225 tỷ đồng, VietinBank hiện thứ ba trong nhóm các ngân hàng trên sàn về quy mô nợ xấu. Tính đến 30/9, số dư nợ xấu của VietinBank đã tăng gần 40% so với cuối năm 2023, kéo tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng lên mức 1,45%. Dù vậy, số dư nợ xấu của VietinBank đã có xu hướng giảm so với cuối quý 2, cho thấy những diễn biến tích cực về chất lượng tài sản.
Tại thời điểm 30/9, số dư nợ xấu của NCB ở mức 19.708 tỷ đồng, tăng 19,7% so với hồi đầu năm. Tuy nhiên, so với cuối quý 2, nợ xấu nội bảng của NCB đã giảm gần 3.000 tỷ đồng - một con số tích cực đối với ngân hàng đang trong giai đoạn tái cơ cấu. NCB đặt mục tiêu sẽ hoàn thành việc xử lý các tài sản tồn đọng và hoàn thành phương án cơ cấu lại vào năm 2029.
Trong 9 tháng đầu năm, nợ xấu nội bảng của Vietcombank đã tăng thêm gần 4.700 tỷ đồng lên mức 17.133 tỷ động tại thời điểm 30/9. Mức tăng lên tới 37,6% đã đưa Vietcombank vào Top 5 ngân hàng trên sàn chứng khoán có nhiều nợ xấu nhất. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này hiện chỉ ở mức 1,2% - thấp nhất hệ thống.
Đứng sau Vietcombank, nhiều ngân hàng tư nhân lớn cũng ghi nhận quy mô nợ xấu trên 10.000 tỷ đồng như: MB (15.685 tỷ đồng), SHB (14.884 tỷ đồng), Sacombank (12.999 tỷ đồng), VIB (11.461 tỷ đồng).
Trong khi đó, ba ngân hàng có quy mô nợ xấu thấp nhất lần lượt là PGBank (1.175 tỷ đồng), Kienlongbank (1.151 tỷ đồng) và Saigonbank (581 tỷ đồng). Điểm chung của các ngân hàng này là đều có quy mô dư nợ cho vay thuộc nhóm nhỏ nhất hệ thống, nên quy mô nợ xấu ở mức thấp.
Xét về tốc độ tăng, LPBank là ngân hàng có nợ xấu tăng nhanh nhất hệ thống trong 9 tháng đầu năm. Sau ba quý vừa qua, nợ xấu của ngân hàng này đã tăng thêm 70% lên 6.272 tỷ đồng, kéo tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay lên 1,96% từ mức 1,34% ghi nhận hồi đầu năm. Trong đó, nợ xấu tăng lên chủ yếu đến từ nhóm nợ có khả năng mất vốn, từ 1.169 tỷ đồng lên 2.717 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ tăng 132%.
Cùng với LPBank, nhiều ngân hàng cũng ghi nhận số dư nợ xấu tăng rất mạnh trong 9 tháng đầu năm như MB (tăng 60%), Nam A Bank (tăng 56,3%), BVBank (tăng 55,7%), Bac A Bank (tăng 50,1%), BIDV (tăng 49,3%), ACB (tăng 40,6%), VietinBank (tăng 39,8%),...
Ở chiều ngược lại, chỉ có duy nhất một ngân hàng giảm được nợ xấu trong 9 tháng đầu năm là OCB, khi số dư giảm từ 6.883 tỷ đồng hồi cuối năm 2023 xuống còn 6.540 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý 3.
Ngoài OCB, một số ngân hàng khác cũng có tốc độ tăng nợ xấu thấp hơn mức bình quân gồm: SeABank (tăng 5,8%), VPBank (tăng 7,4%), ABBank (tăng 10,5%), SHB (tăng 12,4%), MSB (tăng 14,8%), Eximbank (tăng 15,9%), Sacombank (tăng 18,3%),...
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống tăng lên 4,55% vào cuối tháng 9
Tại phiên trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngân hàng vào sáng ngày 11/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian vừa qua, tình hình nợ xấu có xu hướng tăng cao. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 9/2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 4,55% - gần bằng mức cuối năm 2023, tăng so với năm 2022.
“Đây là một thực tế do kể từ 2020 đến nay, đại dịch COVID tác động nghiêm trọng tới mọi mặt của kinh tế - xã hội. Doanh nghiệp và người dân khó khăn, giảm nguồn thu dẫn đến trả nợ khó khăn hơn”, bà Hồng nói.
Theo Thống đốc, để kiểm soát nợ xấu, NHNN cũng đề ra một số giải pháp. Trong đó, đối với các tổ chức tín dụng, khi cho vay cần thẩm định, đánh giá kỹ lưỡng về khả năng trả nợ của khách hàng vay nhằm đảm bảo kiểm soát nợ xấu mới phát sinh.
Còn đối với các nợ xấu hiện hữu, các tổ chức tín dụng tích cực xử lý nợ xấu thông qua việc đôn đốc khách hàng trả nợ, thu nợ, phát mại tài sản. Tuy nhiên, hoạt động này hiện nay đang rất khó khăn. Ngoài ra, NHNN cũng đã có khuôn khổ pháp lý cho VAMC hay các công ty mua bán nợ để có thể tham gia xử lý nợ xấu, bà Hồng cho biết thêm.
Cũng tại phiên họp, Thống đốc khẳng định khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% là khá cao, còn về vấn đề nợ xấu nếu nguyên nhân đến từ yếu tố khách quan thì NHNN cũng khó có thể kiểm soát. Đối với bản thân các tổ chức tín dụng, NHNN đã chỉ đạo tăng cường các biện pháp kiểm soát nợ xấu bằng cách thẩm định kỹ khoản vay, đối tượng vay, đồng thời thận trọng, cân đối các nguồn vốn.
Thống đốc cũng nhấn mạnh rằng nợ xấu tăng cao là một yếu tố khiến cho lãi suất cho vay khó có thể giảm tiếp trong thời gian tới.
“Lãi suất cho vay khó có thể giảm tiếp mặc dù đã giảm đáng kể. Nợ xấu hình thành khi khách hàng không trả được nợ cho ngân hàng. Trong khi tiền cho vay là tiền huy động và tổ chức tín dụng vẫn phải trả lãi cho người dân. Với điều kiện như vậy, rất khó để các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất cho vay”, bà Hồng nói.
Quốc Thụy - Theo Nhịp sống thị trường