Lại đến mùa bầu cử tổng thống Mỹ. Các thầy bói nô nức “ sờ voi ”. Tôi không phải là thầy bói, không biết xem số tử vi, không mê cá cược, nhưng có thể đưa ra một số dữ kiện (hoàn toàn có thể kiểm chứng) để bạn đọc tự suy đoán.
1 - Số tiền quyên góp vào quỹ vận động tranh cử
* 81 triệu : tiền gửi vào quỹ vận động tranh cử của Phó TT Kamala Harris chỉ trong 24 tiếng đồng hồ sau khi TT Joe Biden tuyên bố rút lui. Theo luật, số liệu trên phải được công bố cho Ủy Ban Bầu Cử Liên Bang.
So với 25 triệu : Số tiền quyên được trong buổi tiệc vào tháng 3 2024 tại NY do các chính khách Dân Chủ “sộp” tổ chức cho Biden, gồm các cựu TT Bill Clinton và Barack Obama.
So vói 51 triệu : Số tiền quyên được trong buổi tiệc của cựu TT Donald Trump tại tư dinh Mar-a-Lago, Florida thết đãi các tỉ phú vào tháng 4, ngay sau khi ông bị tuyên tội gian lận báo cáo tài chính nhằm mua sự im lặng của cô Stormy Daniels và để không ảnh hưởng đến kết quả tranh cử 2020.
Quan trọng nhất là việc số tiền Harris quyên được không những phá kỉ lục trong lịch sử tranh cử nước Mỹ mà số tiền đó không đến từ một số ít tỉ phú mà đến từ một số lớn dân thường. 888.000 người đã đóng góp cho Harris trong 24 tiếng đồng hồ, trong đó 60% là những người “lần đầu cho tiền cho một cuộc tranh cử.”
Thêm nữa, trong suốt tháng 7 vừa qua số tiền quyên được là :
- Trump 138 triệu
- Harris 310 triệu, đảo ngược khuynh hướng dưới Biden
Vậy yếu tố nào sẽ quy thành lá phiếu khi đi bầu: số tiền hay số người cho ? Nếu là cả hai thì ứng cử viên nào nổi trội hơn ?
2 - Số tình nguyện viên
Số tình nguyện viên cho đảng Dân Chủ tăng vọt 170.000 người nội trong tuần đầu sau khi Harris ra tranh cử. Họ là “đạo quân” gọi điện từng nhà kêu gọi người dân đi bầu hay gọi quyên tiền. Trong số đó nhiều nhất đến từ Florida, một bang vốn được xem là đã “vào tay” đảng CH. Ngoài ra họ cũng đến từ 6 tiểu bang gọi là “ bang tranh chấp ” (battleground states) hay “ bang chao đảo ” (swing states) như Wisconsin, Pennsylvania, Michigan, North Carolina và Georgia. Tại các bang này, kết quả thắng bại giữa 2 đảng trong quá khứ vô cùng sát sao, khó đoán nhưng đủ làm nghiêng cán cân về một phe.
3 - Sự ủng hộ của các tỉ phú công nghệ
Sau ngày Trump bị ám sát hụt tỉ phú Elon Musk của hãng xe điện Tesla hô hào bầu cho Trump. Ngay tiếp sau đó 100 nhà đầu tư công nghệ mạo hiểm (Venture Capitalists hay VC) do Mark Cuban (nổi tiếng trong chương trình Shark Tank) từ thung lũng Silicon Valley kêu gọi bầu cho Kamala Harris.
4 - Kết quả thăm dò
-
Theo các cuộc thăm dò gần đây bà Kamala Harris thu hút được giới trẻ, người da đen và gốc La tin, vốn thường bầu cho đảng Dân Chủ nhưng lần này xa lánh Biden. Tại sao ? Vì khác với TT Biden, trong cuộc chiến Palestine-Israel, bà đã bày tỏ rõ sự quan ngại về số thương vong quá lớn của dân thường Palestine và kêu gọi ngừng bắn lập tức. Giới trẻ Mỹ rất thất vọng về Biden như cho thấy bởi các cuộc biểu tình tại các đại học danh tiếng và các cuộc thăm dò. Thái độ của bà được xem là “công bằng” hơn.
-
Tính vào ngày 1 tháng 8, 2024, theo công ty truyền thông 538, chuyên tổng hợp kết quả trung bình từ các công ty thăm dò khác như New York Times, Washington Post, YouGov, Reuters, CNN, ABC, NBC, Fox News, v.v.. Harris dẫn đầu với 45% phiếu cử tri toàn quốc so với Trump 43.5%. Độ sai trung bình là 1.5% nên có thể kết luận là hai bên hiện nay ngang ngửa. Ngược lại ngày TT Biden rút lui không tranh cử nữa (19/7) Biden chỉ được 40,2% và Trump 43,5%. Ta nên cẩn thận khi suy đoán từ kết quả các cuộc thăm dò 100 ngày trước bầu cử, nhất là khi hai số sát sao nhau, nhưng cũng có thể rút được một số suy đoán từ khuynh hướng lên hay xuống.
-
Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, cách tính thắng thua thật là độc nhất vô nhị. Trong mỗi tiểu bang, ứng cử viên nào đoạt được đa số phiếu của cử tri – dù là chỉ một lá phiếu thôi – cũng đủ để ứng cử viên đó thâu tóm toàn bộ số cử tri đoàn đại diện cho bang đó. Câu nói người Việt là “được ăn cả, ngã về không”. Số cử tri đoàn nhiều ít tùy dân số nên Vermont (số dân 648.000) có 3 đại cử tri trong khi bang California (số dân 39 triệu) có 55 đại cử tri. Các năm sau này một số các bang nghiêng hẳn về một đảng và kết quả bầu cử cho bang đó dễ tiên đoán. Ví dụ Calfornia và New York bỏ phiểu cho Dân Chủ, và ngược lại Texas và Florida bỏ phiếu cho Cộng Hòa. Do 4 bang lớn nhất đó có số cử tri đoàn ngang ngửa nên điều quyết định là bên nào giành được nhiều phiếu của các cử tri đoàn từ các “bang tranh chấp” bên đó sẽ thằng. Như ta thấy trên, ở mỗi bang, không cần giành được số phiếu áp đảo mà trên nguyên tắc chỉ cần hơn một phiếu. Vì thế nên năm 2020, mặc dù bà Hillary Clinton nhận được số phiểu từ cử tri cao hơn (65,8 triệu so với 62,9 triệu cho Trump) nhưng Trump vẫn thắng vì được số phiếu cử tri đoàn cao hơn (304 đại cử tri so với 227 cho Clinton). Năm 2020, Biden nhận được cả hai số cao hơn Trump (81,2 triệu/306 so với 74,2 triệu/232 cho Trump.)
-
Các cuộc thăm dò mới nhất tại các bang tranh chấp của Bloomberg (truyền thông của giới tài chính Mỹ) cho thấy trước khi rút lui Biden thua Trump ở tất cả 6 bang này. Hiện nay, sau 10 ngày tranh cử, Harris giành được ưu thế tại 4 bang.
Harris thắng Trump:
- Arizona (49% - 47%)
- Michigan (53% - 42%)
- Georgia (47% - 45%)
- Wisconsin (49% - 47%)
Harris thua Trump tại:
- North Carolina (46% - 48%)
- Penssylvania (41% - 50%).
5 - Lựa chọn phó tổng thống
-
Lựa chọn phó tổng thống của Trump vào ngày 15/7, thượng nghị sĩ của tiểu bang Ohio J D Vance, có tác dụng ngược cho Trump. Chỉ trong một tuần, Vance đã nhục mạ phụ nữ khi trả lời phỏng vấn rằng “các phụ nữ hiếm muộn (ám chỉ bà Harris) không nên tham chính vì họ không cần quan tâm đến vận mệnh của đất nước”.
-
Sau đó là tiết lộ trong cuộc bầu cử 2016 Vance đã đăng trên tờ Atlantic một bài viết tựa đề “Á Phiện Của Quần Chúng – Nhiều người cảm thấy “phê” với Donald Trump nhưng ông ta sẽ không giải quyết được các vấn nạn xã hội, văn hóa của nước Mỹ ngày càng trầm trọng. Và một ngày kia khi ta tỉnh ngộ mọi việc sẽ tệ hại hơn”. Trả lời National Public Radio ông nhận xét “ ...(Trump) sẽ đưa giai cấp lao động da trắng vào ngõ tối.” Viết cho một người bạn ông gọi Trump là “Hitler của nước Mỹ.”
-
Sau khi quay chiều 180 độ về qui phục Trump, những lời lẽ cực đoan của Vance khiến một vị “chiến lược gia” kỳ cựu của đảng Cộng Hòa quan ngại: Vance đã không giúp gì trong việc lôi kéo về phía Trump những cử tri “trung dung”, còn đang “lừng chừng” cần được tranh thủ, nhất là trong một cuộc bầu cử ngang ngửa.
-
Cuộc thăm dò gần đây của Reuters cho thấy chưa có ứng cử viên PTT nào ít được ủng hộ như Vance ở mức 37%, ngay từ trong đảng của ông. Điều này cho thấy Trump không hề khá hơn trong việc tuyển chọn nhân sự (điều mà đảng CSVN gọi là “công tác cán bộ”). Trong chính phủ trước của ông, ta còn nhớ ông thích thú trong việc sa thải các “cận thần” như bộ trưởng Bộ Tư Pháp Jeff Sessions, giám đốc FBI, tổng trưởng quốc phòng James Mattis, v.v..., và ngay cả vị phó TT của mình Mike Pence. Ngược lại trong 4 năm nắm quyền, không một thành phần chính phủ Biden nào bị sa thải.
Chúng ta hãy chờ xem Harris sẽ chọn ai. Nếu bà chọn sai, bà cũng sẽ mất điểm.
6 - Dự án 2025
Gần đây Tổ Chức Heritage khuynh hữu đã đưa ra Dự án 2025 lên kế hoạch thực hiện nếu Trump thắng cử. Đông đảo cựu thành viên của chính phủ Trump cũ đã góp phần thảo ra Dự án. Dự án 2025 nói gì mà gây chấn động ? Nó đề xuất :
1) nghiêm cấm phá thai
2) bãi bỏ tất cả nghiên cứu và luật bảo vệ môi trường
3) bỏ các dự án chống biến đổi khí hậu
4) ủng hộ kỹ nghệ dầu hỏa
5) bãi bỏ Bộ Giáo dục
6) cắt thuế
7) toàn thể cán bộ nhà nước phải tuân phục tổng thống theo nguyên tắc “hồng hơn chuyên”
8) trục xuất người nhập cư bất hợp pháp
9) giao cho quân đội giữ an ninh , trật tự
10) trên hết phục vụ cho các giáo điều Thiên Chúa Giáo
Nó cực đoan đến nỗi chính Trump phải phủ nhận mình không dính líu đến nó. Nhưng người viết lời mở đầu cho Dự án lại không ai khác hơn là...ứng cử viên PTT mà chính ông đã chọn : Vance !
7 - Chọn thông điệp cho cuộc tranh cử
-
Khác với Biden bà Harris biết chiết lọc ra thông điệp nhấn mạnh đến trọng điểm của cuộc tranh cử. Bà tự đối chiếu với Trump như sau: “ Trump muốn lôi chúng ta về quá khứ, còn tôi muốn đưa quý vị đến tương lai ! Quý vị muốn chọn con đường nào ? ”
-
Mặc dù Trump năm nay 79, còn Harris chỉ 59, trẻ hơn 20 tuổi, Harris tránh đả động đến tuổi tác. Sau khi Biden rút lui, phía Trump có triệu chứng nao núng. Từ nay yếu tố tuổi tác không còn bị soi vào Biden nữa mà sẽ soi vào Trump. Tuy vậy Harris không “đánh địch thủ dưới lưng quần”.
-
Nhưng bà sẵn sàng đối chiếu kinh nghiệm của bà như một như một công tố viên và tổng biện lý với nhân thân một tội phạm như Trump. Bà nói, “ trong đời công tố viên của tôi, tôi đã xử tội các tên bạo hành phụ nữ, bọn làm ăn lừa đảo, bọn gian lận vì lợi ích cá nhân. Hãy tin tôi đi, tôi rất biết loại người như Trump ! ” Bà ngụ ý nói đến 3 trong số các tội của Trump : 1) Trump bị buộc tội xâm phạm tình dục với E J Caroll và phạt 5 triệu bồi thường năm 2023 ; 2) Trump chịu bồi thường 25 triệu năm 2018 để tránh ra tòa về tội lừa học viên tại Trump University về mua bán bất động sản, và 3) Năm 2024 Trump bị phạt 545 triệu về tội khai gian giá trị các bất động sản của y dùng làm thế chấp để vay tiền ngân hàng lãi thấp.
-
Thay vì công kích Harris về chính sách, tại Cuộc Họp Toàn Quốc Các Phóng Viên Da Đen tại Chicago ngày 31/7 ông đưa ra chiêu bài lỗi thời là tố cáo bà Harris không phải là người da đen như ông từng vu cáo cựu TT Obama là không sinh ra tại Mỹ. Bà Harris có cha là người da đen từ Jamaica và mẹ là người Ấn Độ gặp và lấy nhau tại Mỹ rồi sinh ra bà.
Ngày 5/11/24 là ngày bầu cử tổng thống Mỹ, đồng thời với bầu một phần của Hạ và Thượng viện. Từ đây đến đó là 97 ngày. Chính sách kinh tế, ngoại giao, nhập cư, v.v... của hai bên hẳn là những yếu tố tối quan trọng đối với cử tri. Nhưng không kém phần quan trọng là cách họ gửi đi thông điệp, huy động quần chúng đi bầu, quyên tiền tài trợ cho các nỗ lực tranh cử tốn kém. Tôi mong rằng người dân Mỹ sẽ đạt được một chọn lựa sáng suốt.
Trần Đán - 3.8.2024