(Ai thấy bài dài không đọc thì nên từ bỏ ước mơ làm ăn vì không có kiến thức, không có chữ nghĩa, không có trí tuệ thì sao làm ra tiền bền vững được).
1. Ở Trung Quốc, 5 tỉnh có kinh tế mạnh nhất: Quảng Đông, Giang Tô, Sơn Đông, Phúc Kiến, Triết Giang có đặc điểm chung là ven biển.
Tương tự là Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Singapore. Vị trí địa lý thuận lợi là điều kiện cần để giao thương. Việc nằm sâu trong lục địa như Lào, Mông Cổ...luôn gặp những bất lợi vì ngoại thương phần lớn thông qua cảng biển. Tuy nhiên, những nước có biển như Philippines, Indonesia, Papua New Guinea, Srilanka...thì nền kinh tế không khá mấy. GDP của cả đất nước Phillipines chỉ bằng 1/4 tỉnh Quảng Đông dù dân số ở mức tương đương (trên 100 triệu). Nền kinh tế của các nước này cũng nằm trong tay doanh nhân Hoa Kiều, cũng nguồn gốc Quảng Đông, Phúc Kiến...Như vậy, điều kiện đủ và cốt lõi để kinh tế phát triển chính là con người, mà ở đây văn hoá đóng vai trò quyết định. Sống chung với người có óc làm ăn, ưa mạo hiểm, dám chịu rủi ro, lo cho người khác...thì mình sẽ bị "lây nhiễm", rồi giàu có phồn vinh lúc nào hẻm hay, tiền của bỗng dưng ập đến trở tay không kịp. Còn nếu ai xui xẻo mà phải sống chung hoặc kết bạn với người ham bằng cấp, ham ổn định, nghĩ hẹp, chắc ăn, sợ mất, rụt rè, kém tự tin...thì mình cũng sẽ bị tư duy như thế. Vợ phải 鼓励激励chồng (có tài) làm ăn, chứ không phải nhảy vô cản trở, sợ mất tiền mà cản chồng, như vậy là phá hoại sự phát triển nền kinh tế đất nước, phá hỏng cuộc đời tài hoa thao lược của người ta. Không thất bại, không mất tiền, không nợ nần sao biết làm ăn? Kinh nghiệm chỉ có được và hiểu được thông qua trực tiếp làm và mất mát.
Người ta thống kê 100 doanh nhân lớn nhất của châu Á và rút ra những tính cách chung. Đầu tiên là có gene "con nhà nòi". Ông tổ có cửa hiệu ở Quảng Châu thì sau này con cháu dù có dong thuyền phiêu bạt sang Manila, dù hai bàn tay trắng cũng sẽ gây dựng lại được cơ nghiệp. Còn cha mẹ mình không có, thì mình bắt đầu là ông tổ bà tổ. Một gia phả mới bắt đầu từ mình, một doanh nhân lớn của thế kỷ 21.
Để làm nên cơ nghiệp, bạn phải tự nhận thức và thay đổi. Nói dễ thì không dễ, mà khó cũng không khó. Vì nó liên quan đến một chữ duy nhất: DÁM.
2. Con đường tơ lụa từ Đông sang Tây, bắt nguồn từ Hàng Châu quê lụa, lên Tây An rồi qua các nước Trung Á, Ả Rập, sang châu Âu là do các thương nhân ngày xưa tạo ra.
Con đường này dài hàng ngàn dặm, qua núi cao, qua sa mạc, qua sông sâu, qua nhiều quốc gia với văn hoá, tôn giáo. Người bỏ mạng lại trên đường thiên lý cũng nhiều. Nhưng nó làm giàu cho những người DÁM đi trên con đường ấy.
Về mặt địa lý, nước Úc nằm gần châu Á, cạnh sát Indonesia và hai nền văn hoá lớn Trung Quốc, Ấn Độ. Nhưng lại được các nhà thám hiểm người Hà Lan, Anh, Bồ,...cách đó xa xôi vạn dặm tìm ra, vẽ bản đồ, xác lập chủ quyền, xây dựng thành vùng đất trù phú. Bây giờ người Trung, người Ấn mua qua phải xếp hàng phỏng vấn xin visa, còn người Indonesia thì lâu lâu lại vượt biên sang và bỏ mạng trên những con sóng dữ. Sinh viên Ấn, Trung ở Úc, tới năm cuối là dáo dác làm hôn nhân giả để ở lại. Họ luôn tiếc nuối, giá như ngày xưa cha ông họ DÁM...bước sang (Cũng có nhiều người châu Á sang Úc trước người Âu nhưng chủ yếu là người đánh cá, hẻm phải tinh hoa, nên thấy vậy thôi chứ không biết phải làm gì tiếp theo. Giống như Đà Lạt, không phải bác sĩ Yersin là người đặt chân đến đầu tiên. Nhưng ông là tinh hoa, nhận thấy đây là vùng đất đặc biệt, mới thành lập thành phố, còn trước đó, bao nhiêu người Việt tới và nói giữa mấy dãy núi trên kia có một cao nguyên toàn thông, lạnh ngắt, teo hết, đến khi người ta xây xong thành phố thì mới lục tục kéo lên. Nên "tinh hoa" nó khác "đại trà" ở chỗ, họ sẽ tạo "không" thành "có", hoang vu thành trù phú, nghèo khó thành phồn vinh).
Người phương Tây ngày xưa với cánh buồm thô sơ, với chiếc la bàn cũng thô sơ…đi dọc ngang trên quả đất, tìm vùng đất này, đất kia, mua bán cái này cái kia với mọi dân tộc, dù rất nhiều con tàu đã một đi không trở lại do bão tố trên biển lúc đó không thể dự đoán được. Ngoại ngữ thời đó vừa làm vừa ghi chép lại, nhưng người ta vẫn giao thương được. Hội An ghi dấu đội thương thuyền người Hoa, người Anh, người Hà Lan, người Pháp, người Nhật, người Ấn Độ, người Ả Rập...nhưng lịch sử thế giới không ghi nhận bất kỳ đội thương thuyền người Việt nào ghé cảng Osaka, Singapore. Người Việt với văn hoá lúa nước, múa hát ngâm thơ hò đối đáp trong làng trong xã, ao cá và bờ tre, thửa ruộng nhỏ mỗi hộ vài sào...nên tư duy chật chội, truyền đời này sang đời khác, phố hay làng đều chật.
3. Thích phán xét người khác và sợ bị phán xét, nên nhìn chung người châu Á ứng xử theo đám đông, duy tính duy tình, không thích duy lý, không thích sự rõ ràng.
Các thế hệ người châu Á không dám đi đâu xa, cứ quẩn quanh trong làng, ngâm thơ múa hát, và đã trả giá khi tất cả đều thành thuộc địa hay bị ảnh hưởng bởi phương Tây trong thế kỷ 18-19, trừ Nhật và Thái. Suy nghĩ bùng nhùng, văn hoá gia tộc của người châu Á chính là cản trở lớn nhất của châu lục này phát triển trong các thế kỷ. Nhận ra vấn đề này, Fukuzawa, một trí thức Nhật bản dưới thời Minh Trị đã tìm ra thuyết “Thoát Á Luận” tức lý luận thoát ra tư duy châu Á, cụ thể là từ bỏ lối nho học khiến tư duy rập khuôn, sáo mòn. Họ cũng xem nho giáo chỉ là lịch sử chứ không còn là quốc đạo. Nho giáo với các ràng buộc con người chằng chịt khiến từ lúc sinh ra đến mất đi, một cá thể độc lập không dám sống cho bản thân mình, các chữ nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, hiếu, trung...được khai thác theo hướng phục vụ cho việc mở rộng lãnh thổ của các hoàng đế. Các hoàng đế này đặt hàng cho các triết gia viết ra, gọi là sách "thánh hiền", được xã hội mặc định là đúng đắn, là truyền thống gìn giữ cho bằng được. Ông Khổng Tử, Mạnh Tử, Tuân Tử, Trang Tử gì đó cũng chỉ là một cá nhân, sống trong một thời đại với nền nông nghiệp 落后, thời con trâu và cái cày...thì quan niệm của họ chỉ nên tham khảo, chắc gì đã đúng ở thời của họ huống hồ gì đến cả ngàn năm sau. Từ đó, người Nhật thoát Á nhẹ nhàng. Người Hàn hay Trung, sau này dù không bỏ âm lịch tuy nhiên xã hội từ từ lãng quên. Người Hàn chỉ xem 3 ngày đầu năm âm lịch là 3 ngày nghỉ, còn người Hoa, với giới chủ và nhà giàu, họ xem tết âm lịch (người Phương Tây gọi là Chinese new year) là dịp để đi du lịch nước ngoài. Kinh tế càng gắn chặt với kinh tế thế giới, áp lực làm việc của mỗi cá nhân....sẽ khiến lịch âm tự động sẽ biến mất khỏi bộ nhớ của giới trẻ. Âm lịch, tức nông lịch, lịch theo chu kỳ mặt trăng quay quanh quả đất, mùng 1 là trời tối nhất, rằm là trăng sáng nhất, sức hút mặt trăng sẽ tạo ra nước thuỷ triều lớn ròng cho việc trồng trọt. Âm lịch chỉ phù hợp với nền nông nghiệp cổ xưa lạc hậu, phụ thuộc hoàn toàn vô thiên nhiên, từ đó mà văn hoá cúng kiếng, cầu xin mới ra đời. Làm nông toàn là "trông trời trông đất trong mây, trông mưa trông nắng trông ngày trông đêm", lập đàn cầu mưa cầu nắng. Âm lịch không chuẩn nên vài năm là bù vô cả tháng, gọi là tháng nhuận.
Còn dương lịch, tính theo chu kỳ trái đất quay quanh mặt trời, chính xác hơn, chỉ 4 năm sai số 1 ngày, bù vào tháng 2 (29/2). Dương lịch là cơ sở của mọi thành tựu khoa học kỹ thuật của người phương Tây. Muốn trời mưa thì cho máy bay rải i ốt bạc lên mây chứ thắp hương lạy xin ông Long Vương ắt xì chi cho mệt.
4. Thế kỷ 19.
Khi văn minh Phương Tây tràn đến không có gì có thể chống lại được vì họ hơn phương Đông về mọi mặt, người Nhật nhận ra cái duy nhất người Phương Tây cần là lợi ích kinh tế, họ DÁM mở rộng cửa cho vào, nếu không thì không thể chống lại, họ sẽ dùng vũ lực ngay, trong khi lực mình thì quá yếu và lạc hậu sao chống lại được. Người Thái cũng bắt chước người Nhật. Hai vị vua trạc tuổi nhau lúc đó là Minh Trị Thiên Hoàng của Nhật, Chulalongkorn của Thái Lan đã giữ vững được độc lập, ở châu Á, duy chỉ 2 quốc gia này hem là thuộc địa của ai, dám mở cửa mới giữ được độc lập, mà văn hoá của họ cũng có mất đâu, Nhật vẫn là Nhật, Thái vẫn là Thái. Lúc đó vua Tự Đức (cùng thời với anh Minh Trị và anh Chula dù lớn tuổi hơn một tí), khi nghe Pháp tấn công Đà Nẵng năm 1858, cứ hỏi "bây chừ thì ta phải làm răng", quần thần cùng nhau bàn, thôi không mở cửa, không dám vì sợ mất tự chủ. Nhưng cuối cùng cũng có giữ được đâu. Các anh cả trong vùng từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia,...cũng không thoát khỏi ách thuộc địa vì cứ "làm răng". Dầu sôi lửa bỏng mà cứ đòi đi... nha sĩ.
5. Viết các bài trên để cho thấy, ngày xưa khó khăn như thế, người ta còn Dám đi, dám làm, dám mở rộng giao thương để phồn vinh giàu có.
Giờ đây, có một số bạn trẻ, ngay cả leo lên máy bay cũng không dám. Internet, ngoại ngữ, định vị vệ tinh...khiến mọi thứ thuận lợi dễ dàng, vậy mà không dám bước ra thế giới bên ngoài, dù để đi du lịch. Muốn học gì, khởi nghiệp làm gì, hay đi đâu,...cũng phải xin ý kiến cha mẹ/gia tộc dù đã hơn 18 tuổi. Chưa ông tỷ phú hay giám đốc nào xin phép cha mẹ cho con đi tỉnh xa làm ăn, bà mẹ nói không được, cái nói dạ. Rồi ngồi khóc. Tụt mood chán nản buồn rầu. Đông Tây kim cổ chưa hề có thể loại người tinh hoa hay tài năng nào như thế. Cũng không có ông chồng tài giỏi nào nghe lời vợ cấm cản đi tỉnh xa mở DN và dạ vâng ngoan ngoãn nghe theo để sáng vác ô đi, tối vác về. Không có.
Độc lập tư duy, thoát khỏi suy nghĩ đám đông thì mới có tự do cá nhân. DÁM là tố chất đầu tiên của những người muốn làm chủ cuộc đời.
Nếu chọn làm kinh tế, dám trở về quê nhà hoặc đi đến những nơi xa xôi khai phá, dám chọn làm sale dấn thân đi làm thị trường khắp nơi. Đàn ông con trai lại càng phải chịu gian khó, dám rời xa ánh đèn đô thị với những thú vui lôi cuốn bản năng, dám rời xa dĩa xoài xanh muối ớt máy lạnh văn phòng để vùng vẫy tứ phương. Dám bỏ cuộc sống an nhàn nhạt nhẽo mỗi ngày mà xắn tay áo, đổ mồ hôi để giúp người nghèo khó ở nơi xa xôi có được cơ hội việc làm, có thu nhập hàng tháng, đó là cách từ thiện vững bền nhất. Thượng đế cho mình sinh ra ở tỉnh nào, thì ngầm ý là muốn mình đóng góp kinh tế cho tỉnh đó. Thuận thiên đi xa rồi kiên quyết trở về, xây dựng những nhà máy xí nghiệp nơi mình sinh ra, biến những vùng quê nghèo khó thành nơi trù phú và đáng sống, chứ không phải chạy đến nơi có điều kiện sống tốt để hưởng lợi. Mình chọn sống khôn cá nhân vậy thì có ích gì cho xã hội đâu.