Mỹ đang nỗ lực thúc đẩy sự phục hồi của ngành công nghiệp bán dẫn. Hàng tỉ đô la đã được cam kết chi ra, để thu hút các công ty hàng đầu thế giới thiết lập cơ sở sản xuất tại Mỹ.
Tham vọng phục hồi ngành bán dẫn của chính quyền Tổng thống Biden
Dù chip bán dẫn được phát minh ở Mỹ, nhưng hoạt động sản xuất hầu như đã chuyển sang những nơi khác. Từ chỗ nắm giữ 37% sản lượng chip toàn cầu hồi thập niên 1990, Mỹ hiện chỉ còn sản xuất khoảng 10%, nhưng trong đó không bao gồm các loại chip tiên tiến nhất. Ngay cả những loại siêu chip được thiết kế ở Mỹ bởi Nvidia cũng được sản xuất ở những nơi khác.
Điều này đặt ra một thách thức to lớn đối với Mỹ trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang ngày càng trở nên dễ bị tổn thương hơn.
Điều đáng lo ngại hơn cả là hầu hết chip bán dẫn cao cấp hiện đều được sản xuất tại Đài Loan. Sự phụ thuộc của chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu vào hòn đảo này đang tiềm ẩn nhiều rủi ro trong bối cảnh căng thẳng Mỹ – Trung Quốc liên quan đến vấn đề Đài Loan đang nóng dần lên trong những năm gần đây.
Thêm vào đó, Đài Loan gần đây cũng đã phải hứng chịu trận động đất mạnh nhất trong 25 năm. Mặc dù hoạt động của các nhà máy bán dẫn không bị ảnh hưởng bởi động đất, điều này vẫn làm dấy lên những lo ngại về sự ổn định của chuỗi cung ứng bán dẫn.
Những yếu tố kể trên đã khiến các quốc gia phương Tây đẩy mạnh các nỗ lực phát triển năng lực sản xuất bán dẫn nội địa, dần giảm bớt sự phụ thuộc vào Đài Loan nói riêng và khu vực châu Á nói chung. Trong đó, Mỹ là quốc gia đang thể hiện quyết tâm mạnh mẽ hơn cả. Chính quyền Tổng thống Biden coi đây là một cách để tạo thêm việc làm tại Mỹ, đồng thời khắc phục các lỗ hổng an ninh quốc gia.
Bên cạnh đó, động cơ chính trị cũng có ảnh hưởng nhất định đến các chính sách của Nhà Trắng. Trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 đang đến gần, rõ ràng chính quyền Tổng thống Biden muốn có một tiếng vang lớn trong việc tạo việc làm và đưa hoạt động sản xuất trở lại Mỹ để thu hút sự ủng hộ của cử tri.
“Những bằng chứng cho thấy một nền kinh tế mạnh sẽ mang lại lợi ích cho đảng của tổng thống đương nhiệm, trong khi những dấu hiệu về một nền kinh tế yếu kém sẽ gây tổn hại cho đảng đó”, ông John Mark Hansen, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Chicago ở Illinois, đánh giá.
Dòng vốn ồ ạt đổ vào các dự án bán dẫn
Để hiện thực hóa tham vọng này, Mỹ đang dựa vào Đạo luật CHIPS và Khoa học, được thông qua năm 2022, từ đó chi hàng tỉ đô la và đưa công nghệ sản xuất bán dẫn tiên tiến về nước.
Một điều khoản của đạo luật này cấp 39 tỉ đô la tiền tài trợ liên bang cho Bộ Thương mại để thu hút các công ty xây dựng nhà máy hoặc mở rộng hoạt động sản xuất chất bán dẫn tại Mỹ. Bên cạnh đó, đạo luận cũng phân bổ thêm 75 tỉ đô la dưới dạng các khoản vay, cùng với các biện pháp hỗ trợ khác.
Tại một cuộc thảo luận hồi tháng 2, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết chất bán dẫn là “phần cứng quan trọng nhất trong thế kỷ 21” và Mỹ phải củng cố vai trò lãnh đạo của mình trong ngành công nghiệp quan trọng này.
Cũng theo bà Raimondo, cơ quan của bà đang sử dụng tiền từ Đạo luật CHIPS để thực hiện “các khoản đầu tư có mục tiêu nhằm không ngừng theo đuổi việc đạt được các mục tiêu an ninh quốc gia”. Trong đó, các cụm, dự án nghiên cứu và sản xuất có thể hoạt động vào năm 2030 sẽ là ưu tiên hàng đầu.
Giờ đây, dòng tiền đang bắt đầu chảy, với các khoản tài trợ đầu tiên được chuyển đến GlobalFoundries, Microchip Technology và BAE Systems.
Hồi tháng 3, Tổng thống Joe Biden đã công bố khoản tài trợ trị giá 8,5 tỉ đô la cho Intel để giúp hãng này xây dựng các nhà máy mới tại bốn tiểu bang Arizona, New Mexico, Ohio và Oregon, hiện đại hóa cơ sở đóng gói tiên tiến và đầu tư vào R&D. Đây là khoản tài trợ lớn nhất cho đến nay và đi kèm với khoản vay bổ sung là 11 tỉ đô la.
Vào đầu tháng 4, một khoản tài trợ trực tiếp trị giá 6,6 tỉ đô la khác và khoản vay 5 tỉ đô la đã được công bố để giúp Công ty TSMC có trụ sở tại Đài Loan xây dựng nhà máy tại Phoenix, bang Arizona. Công ty có kế hoạch đầu tư hơn 65 tỉ đô la vào ba cơ sở sản xuất tại Mỹ, trong đó, nhà máy đầu tiên dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2025.
Chỉ một tuần sau đó, Chính phủ Mỹ tiếp tục công bố chi 6,4 tỉ đô la cho Samsung của Hàn Quốc để mở rộng cơ sở hiện có và xây dựng hai cơ sở mới ở Texas. Công ty đã sản xuất tại Mỹ từ năm 1996, cũng hứa sẽ thành lập một cơ sở nghiên cứu và phát triển tại bang này. Tổng cộng, công ty dự kiến sẽ đầu tư hơn 40 tỉ đô la.
Mới đây nhất, hôm thứ Năm (25-4), Nhà Trắng vừa cho biết, Micron Technology, nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất ở Mỹ, sẽ nhận được khoản tài trợ lên tới 6,1 tỉ đô la từ Chính phủ liên bang để thúc đẩy việc xây dựng các nhà máy bán dẫn ở New York và Idaho.
Như vậy, các khoản đầu tư này đã nâng tổng số tiền trợ cấp liên bang lên hơn 33 tỉ đô la và chỉ còn lại khoảng 6 tỉ đô la để hỗ trợ cho các dự án kế tiếp. Ngoài các khoản trợ cấp và cho vay trực tiếp này, Washington còn cam kết sẽ cung cấp hàng tỉ đô la tín dụng thuế để giúp các doanh nghiệp trang trải phần lớn chi phí xây dựng.
Các dự án tỉ đô mới chỉ là bước khởi đầu
Các dự án xây dựng và sản xuất đã và đang được triển khai, dự kiến sẽ tạo ra hàng chục ngàn việc làm được trả lương cao. Tuy nhiên, những khoản đầu tư lớn mới chỉ là một phần của vấn đề. Việc phát triển lực lượng lao động hay tiếp cận hệ sinh thái các nhà cung cấp hỗ trợ cũng sẽ rất quan trọng.
Đài Loan đã thực hiện một công việc tuyệt vời khi xây dựng một hệ sinh thái hoàn chỉnh để sản xuất chip tiên tiến. Việc Mỹ muốn sao chép thành công này là một mục tiêu có thể đạt được, nhưng sẽ phải tiêu tốn rất nhiều tiền bạc và công sức.
Theo Bloomberg, cho đến nay những nỗ lực của chính quyền Tổng thống Biden nhằm khôi phục ngành công nghiệp bán dẫn mới chỉ chủ yếu tập trung vào việc cấp các khoản tài trợ trị giá hàng tỉ đô la cho các nhà máy trong nước. Trong khi đó, có một khía cạnh khác, rất quan trọng, nhưng lại ít được thảo luận hơn: đó là việc biến nghiên cứu chất bán dẫn thành một lĩnh vực hấp dẫn hơn đối với người Mỹ.
Trong khuôn khổ Đạo luật Khoa học và Chips, Bộ Thương mại Mỹ dự kiến sẽ chi 11 tỉ đô la để thúc đẩy vai trò lãnh đạo của Mỹ trong nghiên cứu và phát triển. Washington kỳ vọng sẽ tạo ra thế hệ linh kiện điện tử quan trọng tiếp theo và đánh bại Bắc Kinh trong cuộc chiến phát triển công nghệ tiên tiến.
Tuy nhiên, trong khi đã phân bổ gần 85% số tiền dành cho ưu đãi sản xuất của Đạo luật CHIPS, các quan chức Mỹ hiện mới chỉ bắt đầu tiếp nhận các đơn xin tài trợ cho nghiên cứu và phát triển (R&D) – yếu tố mà các chuyên gia cho rằng, sẽ trở nên rất quan trọng về lâu dài.
Chìa khóa của nỗ lực này là thu hút lực lượng lao động công nghệ, những người có thể lựa chọn theo đuổi phần mềm trí tuệ nhân tạo hoặc một số lĩnh vực thời thượng hơn. Nỗ lực này sẽ phải đối mặt với những vấn đề hóc búa, như liệu có đủ kinh phí hay không hoặc có cách tiếp cận nào phù hợp để biến điều đó thành hiện thực hay không?
Bà Deirdre Hanford, người đứng đầu Trung tâm Công nghệ bán dẫn Quốc gia (NSTC), cho biết: “Chúng tôi cần tìm ra cách giúp giới công nghệ tại Mỹ tham gia thiết kế chip một cách thuận lợi hơn, thay vì đổ xô vào việc phát triển một ứng dụng hay phần mềm AI. Chúng tôi đang cố gắng xây dựng nền kinh tế và tạo ra sự đổi mới”.
Trên thực tế, ngân sách từ Đạo luật Chips đã được sử dụng để tài trợ cho NSTC và một chương trình tập trung vào việc đóng gói chip tiên tiến. Khoản tiền này có sự tách biệt với ngân sách khuyến khích sản xuất trị giá 39 tỉ đô la dành cho các công ty như Intel hay TSMC. Theo ông Daniel Berger – một quan chức của Bộ Thương mại Mỹ, “những khoản tài trợ như vậy chỉ là bước đầu tiên để giữ cho nền kinh tế bán dẫn của Mỹ sẽ luôn khỏe mạnh”.
Nguồn: DW, Bloomberg, Fortune, CNBC, New York Times