Con người cần cả hai thứ để tồn tại và phát triển đó là trí thông minh và trí tuệ. Trí thông minh có thể hiểu qua IQ (intelligence quotient). Trí tuệ liên quan nhiều hơn đến cảm xúc con người, khả năng đánh giá hoàn cảnh và sự kiện để ra quyết định ứng xử như thế nào cho thích đáng, đó là EQ (emotiomal quotient)...
Tại sao AI (Artificial Intelligence) lại được dịch là trí tuệ nhân tạo?
Intelligence dịch đúng nghĩa là sự thông minh. Vậy tại sao không dịch thành “thông minh nhân tạo”, mà lại là “trí tuệ nhân tạo”?
“Thông minh” là khả năng tích hợp, sử dụng thông tin một cách khéo léo, tinh gọn và nhanh nhất có thể. Thông minh có tính kết hợp hay vận dụng thông tin mang tính cơ học. Trong lớp thầy chưa kịp dứt câu hỏi đã có người cộng trừ nhân chia nhanh trong đầu và có câu trả lời cho thầy, thì được xem là người học trò thông minh.
Trong khi đó, “trí tuệ” (wisdom) là một năng lực được tích hợp từ thông tin, kiến thức, trải nghiệm trong cuộc sống và khả năng tư duy suy xét để có thể nhận định rõ tình huống, vấn đề, biết mình muốn gì, để đặt câu hỏi nên giải quyết như thế nào cho hợp lý một cách tối ưu với những điều kiện cho phép. Trí tuệ tạo ra sự thông minh, nhưng thông minh không tạo ra được trí tuệ. Người có trí tuệ phải là một người thông minh đáng kể, nhưng một người thông minh chưa chắc đã có trí tuệ tốt.
Vậy là chúng ta đang ngộ nhận giữa thông minh và trí tuệ. AI chẳng qua là thông minh nhân tạo chứ không phải là trí tuệ nhân tạo!
AI có thống lĩnh con người không?
AI nếu định nghĩa đúng bản chất của nó thì là một phương tiện, một trợ lý cực kỳ thông minh, nhanh nhẹn. Nhưng con người vẫn phải biết mình muốn gì để ra lệnh cho người trợ lý giúp mình thực hiện giải pháp.
Vậy rủi ro của AI là gì? Từ đâu?
Rủi ro từ con người:
1. Con người đang ngộ nhận giữa “thông minh” và “trí tuệ’. Nếu chỉ phát triển trí thông minh mà không phát huy năng lực trí tuệ thì sẽ không có cái đầu đủ tỉnh táo để có thể chủ động quyết định định mệnh của bản thân.
Robot đã có khả năng thay thế con người trong một số lĩnh vực. Ảnh: Getty Images
2. Con người phải biết hạn chế khả năng lấn quyền của máy. Máy cũng giống như một người quản gia cực kỳ thông minh và có kiến thức sâu, rộng. Chủ cần gì, hỏi gì cũng biết. Người chủ có thể không có nhiều thông tin và không thông minh như người quản gia, nhưng phải có quy tắc hạn chế hành vi của quản gia thì quản gia mới không thể lấn quyền của chủ. AI chỉ có thể “thống trị” con người nếu con người cho phép nó.
3. Con người sử dụng máy để hại nhau. Con người càng thông minh mà thiếu trí tuệ để biết đúng sai thì sẽ rất nguy hại. “Con người phát minh công nghệ để phục vụ cuộc sống của con người. Nhưng cũng có người dùng nó để phục vụ cho lợi ích cá nhân. Mâu thuẩn xảy ra khi lợi ích cá nhân của họ xung đột với lợi ích của người khác. Nếu dùng súng để bảo vệ, để đi săn thì không vấn đề gì, nhưng để đi cướp của giết người thì lại là vấn đề khác. Sẽ có người, tổ chức, quốc gia dùng AI cho mục đích xấu. Điều đó khó tránh khỏi. Thế xã hội và thế giới con người nên làm gì để hạn chế điều ấy xảy ra?” (Góp ý từ GS. Trương Nguyện Thành)
Con người cần cả hai thứ để tồn tại và phát triển đó là trí thông minh và trí tuệ. Trí thông minh có thể hiểu qua IQ (intelligence quotient). Trí tuệ liên quan nhiều hơn đến cảm xúc con người, khả năng đánh giá hoàn cảnh và sự kiện để ra quyết định ứng xử như thế nào cho thích đáng, đó là EQ (emotiomal quotient).
Bạn có lo ngại một ngày nào đó AI sẽ thay thế công việc của mình? Ảnh: Pinterest
Trong quá khứ, IQ quyết định phần lớn giá trị của con người. Ai cộng trừ nhanh thì được coi là giỏi, được coi trọng trong xã hội. Nhưng từ thời xa xưa người lãnh đạo vẫn là người có EQ cao, là người hiểu được cảm xúc của con người, vì con người vẫn là chủ thể của mọi quyết định cho tập thể.
Vai trò giá trị của IQ đối với con người ngày càng giảm khi con người có thể tạo ra những phương tiện giúp họ làm các công việc có tính chất lặp lại nhanh hơn. Cách đây 30 năm, một siêu máy tính (super computer) được coi là một cái gì đó rất khủng khiếp. Nhưng chỉ 10 năm sau, một chiếc laptop cũng có thể làm được tất cả chức năng tính toán của chiếc “siêu máy tính” này, và dự đoán trong năm tới Elon Musk sẽ công bố những dòng máy tính có năng suất gấp mấy trăm nghìn lần so với những chiếc máy tính hiện đại nhất ở hiện tại (năm 2024).
Nhưng, con người vẫn phải khẳng định vai trò lãnh đạo cuộc sống của mình để định được cái gì mình cần, tại sao và sử dụng phương tiện nào. Đó là nhu cầu phát huy trí tuệ của con người để tận dụng được giá trị thông minh của AI và công nghệ mới.
Trần Sĩ Chương - Theo Người Đô Thị