Minh họa: Oslo Davis/The Japan Times
Tháng 5-2019, tạp chí Nikkei đưa tin với các konbini (cách người Nhật gọi cửa hàng tiện lợi), “không có nhân viên nước ngoài đồng nghĩa không có doanh thu”. Bài viết cho biết các nhà hàng và cửa hàng bán lẻ ở Nhật sẽ phải dẹp tiệm nếu không tuyển nhân sự nước ngoài, và chuyện nhân viên không phải người Nhật đông hơn người bản xứ không phải là chuyện hiếm.
Chẳng hạn ở một cửa hàng tiện lợi thuộc chuỗi Lawson (một trong bốn gã khổng lồ trong ngành, bên cạnh 7-Eleven, FamilyMart, và MiniStop), cả 5 người làm việc ca chiều khi phóng viên Nikkei bước vào đều là người Trung Quốc. Cửa hàng trưởng Wang Qian cũng là người Trung Quốc. Anh cho biết 14 nhân viên của konbini này chỉ có 1 người là người Nhật.
Theo Nikkei, công việc ở cửa hàng tiện lợi không được người Nhật ưa chuộng vì thường phải làm ca đêm, đủ thứ việc linh tinh mà lương bèo bọt. Wang nói có khi đăng tuyển dụng trên báo suốt hai tuần mà chẳng có ứng viên bản xứ nào nộp đơn, trong khi người nước ngoài thì ít kén chọn hơn. Chưa kể làm việc ở đây là cơ hội tuyệt vời để luyện ngôn ngữ và tập hòa nhập.
Gần 5 năm sau, tạp chí The Economist ghi nhận tình hình tương tự khi vào một cửa hàng 7-Eleven ở trung tâm Tokyo: tất cả nhân viên có mặt đều là người Myanmar, bao gồm chủ cửa hàng - May Zin Chit.
Có một điểm mới: lần đầu tiên số lao động nước ngoài ở Nhật vượt 2 triệu người trong năm 2023, tăng 12,4% so với 2022, theo số liệu Bộ Lao động công bố 1-2024. Đây là minh chứng hùng hồn cho việc Nhật tiếp tục dựa vào lao động nhập cư, dù “các chính trị gia ghét ồn ào về chuyện này”, theo The Economist.
Trong khi tránh nói về chính sách nhập cư một cách chính thức, Chính phủ Nhật Bản đã âm thầm mở cửa cho nhiều người nước ngoài trong những năm gần đây. Con số 2,04 triệu lao động nhập cư năm 2023 đã nhiều gấp 4 lần so với năm 2008.
Theo Bloomberg, những lao động nước ngoài này đang “thay đổi bộ mặt Nhật Bản”: một mặt giúp lấp đầy các khoảng trống nhân sự, mặt khác kéo theo nhiều thay đổi ở xã hội vốn miễn cưỡng với chuyện nhập cư, thậm chí kỳ thị người nước ngoài.
Lấy ví dụ thị trấn Oizumi (tỉnh Gunma), lao động nước ngoài - chủ yếu là người Brazil - đã có những đóng góp to lớn cho kinh tế địa phương, từ các nhà máy đồ điện tử đến cửa hàng bán lẻ.
Ngược lại, chính quyền cũng thay đổi để giúp lao động nhập cư hòa nhập cộng đồng một cách suôn sẻ: thêm tiếng Bồ Đào Nha vào biển báo trên đường, bố trí phiên dịch viên tiếng Bồ để giúp người Brazil làm thủ tục hành chánh.
Một nhân viên người Nepel tại một cửa hàng tiện lợi thuộc chuỗi Lawson ở quận Shinagawa (Tokyo). Ảnh: Dan Szpara/The Japan Times
Nhật Bản buộc phải làm thế, bởi người nước ngoài “có thể là niềm hy vọng tốt nhất” của đất nước này trong việc ngăn chặn tình trạng suy giảm dân số nhanh chóng khiến sức mạnh kinh tế, mức sống và việc duy trì hệ thống phúc lợi gặp rủi ro, theo Bloomberg.
Dân số trong độ tuổi lao động của Nhật đã đạt đỉnh (87 triệu người) từ năm 1995, và dự báo sẽ tuột xuống còn 55 triệu đến năm 2050. Trong tương lai đó, Nhật Bản sẽ cần thêm nhiều lao động, cụ thể là 4,2 triệu người nước ngoài tới năm 2030 để có thể duy trì mức tăng GDP thấp nhất, theo The Economist.
Mặc dù thái độ cảnh giác trước tình trạng nhập cư quy mô lớn vẫn còn phổ biến với nhiều lãnh đạo doanh nghiệp và quan chức, cuộc khủng hoảng lao động đã khiến họ thấy được sự cần thiết của một Nhật Bản đa văn hóa hơn.
Người nước ngoài hiện chỉ chiếm khoảng 2,5% dân số Nhật Bản, nhưng theo dự đoán của chính phủ, tỉ lệ này sẽ vượt quá 10% vào năm 2070. Đó là tương lai của trẻ em Nhật Bản hiện tại.
Và như đã nêu từ đầu, tương lai đó có thể được “nhìn trước” từ các konbini. Trong ngành cửa hàng tiện lợi, lao động nhập cư đã chiếm tới 9%. 5 năm trước, Nikkei cho thấy người nước ngoài có thể làm cửa hàng trưởng, còn câu chuyện đương thời của The Economist chỉ ra họ có thể tiến xa hơn: May Zin Chit là người nước ngoài đầu tiên sở hữu một cửa hàng 7-Eleven ở Nhật. Cô là hình mẫu mà 7-Eleven muốn nhân rộng, dù biết không dễ dàng.
Bất chấp các điều chỉnh về quản lý nhập cư của chính phủ, những người nước ngoài muốn “bắt rễ” ở xứ hoa anh đào sẽ còn gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể, nhiều sinh viên khó xin thị thực để tiếp tục làm việc tại konbini sau khi tốt nghiệp; khá ít người đạt được cấp quản lý cửa hàng và càng ít người là chủ sở hữu.
Bản thân May phải nỗ lực rất nhiều mới đáp ứng được yêu cầu về thường trú và tín dụng để đạt được ước mơ làm chủ. Việc có cửa hiệu riêng khiến cô vô cùng tự tin.
“Tôi cho rằng là người nước ngoài hay không không quan trọng, miễn là làm việc chăm chỉ” - cô nói với The Economist. Yasuko Iwashita, giáo sư Đại học Hiroshima Bunkyo, mong rằng chính phủ sẽ sớm nhận ra điều đó.
“Sẽ tốt hơn nếu Nhật Bản chào đón những người nước ngoài sẵn sàng ở lại lâu dài, thay vì liên tục bảo họ về nước. Người ta nói nhiều gánh nặng khi tiếp nhận lao động nước ngoài, nhưng đừng quên họ cũng là người nộp thuế và người tiêu dùng” - anh nói với Bloomberg.
TRÚC ANH - Theo Tuổi Trẻ