Những ngày cuối năm, khi người ta mong chờ khung cảnh hàng quán chật kín khách, thì tại TP.HCM, không ít nhà hàng và quán cà phê lại âm thầm treo biển “đóng cửa” hay “trả mặt bằng”. Ngay cả con đường ẩm thực sầm uất Phan Xích Long cũng ghi nhận gần 20 địa điểm phải ngừng kinh doanh. Vậy làm sao để vượt qua cơn sóng lớn này?
Theo ông Đặng Trung Dũng, đồng sáng lập chuỗi nhà hàng Vị, chìa khóa sống sót nằm ở quỹ dự phòng và chiến lược kinh doanh bền vững. Ông chia sẻ: “Thay vì chỉ tập trung chia lợi nhuận, chúng tôi trích một phần doanh thu mỗi tháng để lập quỹ dự phòng. Chính nguồn quỹ này đã giúp chúng tôi duy trì hoạt động xuyên suốt đại dịch, sẵn sàng trở lại khi giãn cách kết thúc.”
Không chỉ vậy, sự “tử tế” trong cách kinh doanh cũng là yếu tố giúp Nhà hàng Vị của ông nhận được sự đồng hành từ các chủ nhà. Ông Dũng tiết lộ, trong giai đoạn Covid, nhiều chủ mặt bằng sẵn sàng miễn hoặc giảm giá thuê để hỗ trợ.
Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), các mặt bằng nhà phố cho thuê đang chịu sức ép cạnh tranh khốc liệt từ trung tâm thương mại và sàn thương mại điện tử. Nhiều ngành hàng, đặc biệt là thời trang và ăn uống, đã chứng kiến làn sóng “rút lui” ồ ạt. Lý do không chỉ nằm ở chi phí thuê tăng cao mà còn ở sự thay đổi thói quen tiêu dùng, khi khách hàng chuyển dần sang mua sắm trực tuyến hoặc tìm đến những trung tâm mua sắm tích hợp, nơi họ có thể trải nghiệm đa dạng dịch vụ trong cùng một địa điểm.
Thay vì chỉ dựa vào mặt bằng truyền thống, việc kết hợp bán hàng trực tuyến hoặc tìm kiếm các mặt bằng phù hợp hơn về chi phí đang trở thành hướng đi được nhiều doanh nghiệp cân nhắc, mà còn giúp bắt kịp xu hướng tiêu dùng mới, tạo đà phát triển dài hạn.
Nguồn: Nhịp sống thị trường