Trung Quốc và Hoa Kỳ giống như hai võ sĩ trên võ đài đã bước vào hiệp thứ 12 của trận đấu về lệnh trừng phạt thương mại, do Donald Trump bắt đầu từ năm 2018 và được Joe Biden tiếp tục tại Nhà Trắng đối với các công nghệ cao. Họ hiểu rõ nhau và đã chuẩn bị sẵn chiến thuật đáp trả. Mức thuế hải quan 10% do Trump áp dụng từ ngày 4 tháng 2 và các biện pháp đáp trả của Trung Quốc vào ngày 10 tháng 2 chỉ là đòn đầu tiên nhằm thiết lập sự cân bằng quyền lực. Chúng ta có thể chờ đợi là sẽ có những thỏa thuận tạm thời và những diễn biến mới có thể sẽ không giải quyết được bất kỳ vấn đề nào đối với sự thâm hụt thương mại của Mỹ.
Cuộc chiến giữa sư tử và rồng, bức tranh Iran thế kỷ 18 của Muhammad Baqir, Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York. DR
--------------------------------------------------------
Kể từ ngày 4 tháng 2, Trung Quốc là quốc gia duy nhất bị tác động bởi lệnh trừng phạt thương mại do tổng thống Mỹ công bố kể từ khi ông tái đắc cử. Mehico và Canada đã đạt được sự gia hạn 30 ngày có thể dẫn đến các thỏa thuận lâu dài nếu những nhượng bộ được đưa ra cho phép Washington biến chúng thành một chiến thắng trên mặt trận truyền thông. Châu Âu đang bị đe dọa trừng phạt thương mại nhưng chưa biết đối với lãnh vực nào.
Trong trường hợp của Trung Quốc, cuộc đàm phán có vẻ phức tạp hơn. Bởi vì nó có những vấn đề địa chính trị ẩn sau, chẳng hạn như vai trò mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể hoặc không thể đóng trong việc tìm kiếm giải pháp cho cuộc chiến do Nga tiến hành ở Ukraine, trong các vấn đề kinh tế liên quan đến tương lai của ứng dụng TikTok của Trung Quốc gây tranh cãi tại Hoa Kỳ, hoặc trong các vấn đề công nghệ liên quan đến sự kiểm soát của “Đế chế Trung Hoa” đối với các đất hiếm và các kim loại quan trọng.
Các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ vẫn chưa có tác dụng
Mức thuế hải quan 10% do Trump ban hành không phải là tin tốt cho nền kinh tế Trung Quốc đang bị trì trệ và phải đối mặt với sự yếu kém của cầu nội địa. Nhưng đó không phải là thảm họa. Đồng nhân dân tệ đã mất 4% giá trị so với đồng đô la kể từ tháng 10 năm ngoái và gần 13% trong hai năm qua. Đồng đô la Mỹ đang tăng vọt như thường lệ trong thời điểm bất ổn và tác động thực sự của mức thuế quan có khả năng sẽ thấp hơn mức được công bố.
Hơn nữa, lạm phát ở Trung Quốc rất thấp. Chỉ số giá sản xuất trong ngành công nghiệp mất 2% giá trị từ tháng 12 năm 2022 đến tháng 12 năm 2024, trong khi chỉ số này tăng 5,4% tại Hoa Kỳ trong cùng kỳ. Quyết định của Trump trên thực tế chỉ khôi phục lại sự cân bằng của các giá tương đối trong một năm (được tính bằng cách kết hợp lạm phát và biến thiên tỷ giá hối đoái) và không đủ để bù đắp cho sự tăng cường sức cạnh tranh về giá của ngành công nghiệp Trung Quốc trong hai năm.
Một trong những thông báo của Washington sẽ có tác động tức thời hơn. Điều này liên quan đến việc bãi bỏ miễn thuế hải quan đối với các gói hàng nhỏ. Quyết định này sẽ trừng phạt các công ty thương mại điện tử lớn của Trung Quốc, đặc biệt là có lợi cho Amazon. Chắc chắn đây là phần thưởng đầu tiên cho Jeff Bezos sau khi được chiêu dụ trong chiến dịch tranh cử ở Mỹ.
Các biện pháp đối phó của Trung Quốc có tác động hạn chế đối với các ngành nhưng mang tính chiến lược
Các quyết định do Bắc Kinh công bố không mang tính toàn diện. Chúng bao gồm việc áp dụng mức phụ thu 15% đối với xuất khẩu than và khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ và mức phụ thu 10% đối với máy móc nông nghiệp, ô tô động cơ lớn và xe tải nhỏ. Hệ thống này được hoàn thiện thông qua một số hạn chế xuất khẩu hoặc việc đưa một số công ty Mỹ mới vào “danh sách đen” của Trung Quốc.
Lượng LNG xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Trung Quốc chỉ chiếm 2,3% doanh số bán ra toàn cầu của Hoa Kỳ và chưa đến 4% lượng nhập khẩu của Trung Quốc. Đối với than đá thì hơi khác một chút, khi thị trường Trung Quốc chiếm tới 11% lượng xuất khẩu của Hoa Kỳ (nhưng chỉ chiếm 2,5% lượng than mà Bắc Kinh mua). Cả hai nước đều có thể dễ dàng bù đắp cho sự sụt giảm có thể xảy ra về khối lượng giao dịch LNG bằng cách chuyển hướng sang các điểm đến khác. Sẽ khó khăn hơn cho Washington khi nói đến than đá. Năm 2024 là một năm rất tốt đối với doanh số bán than của Mỹ sang thị trường Trung Quốc – với mức tăng hơn 70% – và cú sốc từ thuế hải quan có thể làm cho sự tiến triển này bị chận lại.
Nhìn chung, các biện pháp công bố về năng lượng chỉ liên quan đến 5% doanh số bán hàng của Mỹ sang Trung Quốc. Tác động của các lệnh trừng phạt khác do Bắc Kinh đưa ra thậm chí có mục tiêu rõ ràng hơn. Những vấn đề liên quan đến ô tô sẽ gây thiệt hại cho Ford và GM vì tổng khối lượng tương đối thấp, mà không ảnh hưởng đến Tesla, vốn sản xuất các mẫu xe của mình tại Thượng Hải.
Quyết định có khả năng nguy hiểm nhất đối với Hoa Kỳ là việc mở rộng danh sách các kim loại hiếm bị hạn chế xuất khẩu. Tiếp theo các thông báo được đưa ra vào tháng 12 năm 2024 về gali (nhắm đến thị trường bán dẫn), danh sách từ nay mở rộng sang một nhóm hợp kim hiếm và kim loại quan trọng (vonfram, tellurium, bismuth, molypden, v.v.). Toàn các kim loại đóng vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị công nghiệp điện tử, hàng không và ô tô điện.
Diễn biến tiếp theo của bộ phim là gì?
Trong cuộc chiến thương mại đầu tiên do Donald Trump khởi động chống lại Trung Quốc từ tháng 3 năm 2018, các lệnh trừng phạt của Mỹ đã tiến triển theo nhiều giai đoạn: thuế hải quan đối với tấm pin mặt trời, máy giặt, thép và nhôm từ tháng 1 đến tháng 3, thuế phụ thu 25% đối với 50 tỷ đô la trên sản phẩm do Trung Quốc xuất khẩu vào tháng 4 và các thông báo mới vào tháng 7 với thuế phụ thu 10% đối với 200 tỷ đô la sản phẩm.
Bắc Kinh đã nhanh chóng phản ứng bằng các biện pháp trừng phạt tương đương. Các cuộc đàm phán cho một thỏa thuận thương mại toàn diện đã bắt đầu vào tháng 5 năm 2018. Sau nhiều đột biến và thỏa hiệp một phần, hai nước đã đạt được một thỏa thuận toàn diện mang tên “Giai đoạn một” vào ngày 15 tháng 1 năm 2020.
Giai đoạn hiện tại được tổng thống Mỹ mô tả là “đòn nổ súng đầu tiên”. “Điều này có nghĩa là các biện pháp tiếp theo có thể sẽ được thực hiện sau khi phân tích các biện pháp đối phó của Trung Quốc khi hai nước bắt đầu đàm phán. Mục tiêu của Donald Trump không hề rõ ràng. Ông đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề fentanyl, một loại ma túy tổng hợp giết chết hàng chục nghìn người Mỹ mỗi năm, vấn đề đã dẫn đến một thỏa thuận song phương giữa Tập Cận Bình và Joe Biden vào tháng 11 năm 2023, với những kết quả dường như kém cỏi. Trump đề cập đến thâm hụt song phương nói chung, trong khi lại nêu lên các lĩnh vực cụ thể như thép hoặc chất bán dẫn khi nói đến việc bảo vệ ngành công nghiệp Mỹ nói chung.
Chúng ta chờ đợi một loạt các thông báo, các thông báo phản pháo và các thỏa thuận một phần hoặc tổng quát trong những tháng tới, có thể với một tốc độ nhanh vì tổng thống Mỹ muốn hành động rất nhanh chóng trong mọi việc.
Làm thế nào để giảm sự mất cân bằng thương mại giữa hai nước?
Vấn đề của Donald Trump không chỉ là Trung Quốc. Thâm hụt cán cân thanh toán của đất nước mang tính toàn cầu và cấu trúc. Con số này đã vượt quá 2% GDP của cả nước mỗi năm trong suốt 25 năm qua. Sự thâm hụt này không phải là kết quả của một âm mưu toàn cầu mà đơn giản là do mức tiêu dùng quá mức và mức tiết kiệm không đủ, điều này hạn chế đầu tư và do đó hạn chế nguồn cung sản phẩm của Mỹ trên thị trường trong nước.
Trường hợp của Trung Quốc thì hoàn toàn ngược lại, nơi mức tiêu dùng trong nước không đủ và mức tiết kiệm lại quá cao. Tỷ suất tiết kiệm ròng của Trung Quốc đã cao gấp đôi so với tỷ suất của Mỹ từ hai mươi năm nay. Điều này giải thích cho thặng dư thương mại lâu dài của Trung Quốc.
Nguồn: Ngân hàng Thế Giới.
Nếu có được sự sáng suốt, mỗi quốc gia sẽ nỗ lực khôi phục sự cân bằng tốt hơn giữa tiết kiệm và tiêu dùng. Các cuộc thảo luận về chủ đề này đã diễn ra trong quá khứ giữa các chuyên gia kinh tế của hai chính quyền, vào thời điểm Washington có tầm nhìn về các cân bằng kinh tế vĩ mô.
Chủ nghĩa bảo hộ của Trump có thể dẫn đến việc giảm thâm hụt của Hoa Kỳ, nhưng chắc là thông qua mức lạm phát cao hơn và mức tăng trưởng thấp hơn, rõ ràng đây không phải là mục tiêu. Hơn nữa, việc hãm lại xuất khẩu của Trung Quốc cũng không có nhiều tác dụng nếu cùng lúc đó các nhà đầu tư Trung Quốc không được chào đón ở Hoa Kỳ và không thể đóng góp vào sự phục hồi sản xuất công nghiệp quốc gia (Mỹ).
Tác Giả Hubert Testard