Thất nghiệp trong giới trẻ ở Trung Quốc tháng 8-2024 tăng lên 18,8%, theo số liệu từ Cục Thống kê quốc gia. Giới trẻ được định nghĩa là người trong độ tuổi 16-24, đang tìm việc làm và không tính số đang học phổ thông hay đại học; số đang không muốn tìm việc nữa cũng không nằm trong thống kê này. Nghĩa là số thật sự không có việc làm có thể còn lớn hơn.
Những câu chuyện trên mạng xã hội và truyền thông Trung Quốc sinh động hơn những con số này rất nhiều. Chẳng hạn như câu chuyện của He Ajun trên Reuters. Sau khi thôi làm gia sư vào tháng 8-2023 khi có lệnh cấm ngặt với hoạt động dạy thêm tư nhân, He chuyển sang làm vlogger.
Người trẻ khó khăn
32 tuổi, đang sống tại Quảng Châu, cô đã thu hút 8.400 người theo dõi với kênh đưa ra lời khuyên về nghề nghiệp, kể lại hành trình vượt qua tình trạng thất nghiệp kéo dài của chính mình. "Thất nghiệp ở tuổi 31, không đạt được thành tựu gì trong đời", cô đăng trên mạng xã hội vào tháng
12-2023. He hiện kiếm được khoảng 5.000 nhân dân tệ (700 USD) mỗi tháng qua quảng cáo trên vlog, chỉnh sửa nội dung, tư vấn riêng và bán đồ thủ công tại các quầy hàng trên đường phố.
Tỉ lệ thất nghiệp trong giới trẻ Trung Quốc tăng cao còn gắn liền với xu hướng khá kỳ lạ ở nước này vài năm gần đây: Nhiều thanh niên trẻ tuổi muốn nhanh chóng thoát cảnh áp lực cơm áo gạo tiền, muốn bị sa thải để nhận trợ cấp thôi việc. Theo SCMP, nhiều thanh niên nhận khoản trợ cấp thôi việc và một tháng lương, thường được gọi là "món quà sa thải" rồi đi du lịch.
Lối sống "chill chill" như vậy không còn hiếm. Không ít người trẻ Trung Quốc theo đuổi lối sống "thảng bình", có nghĩa là "nằm thẳng", lối sống mặc kệ đời thay vì nỗ lực cống hiến và kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Giới trẻ từ chối kết hôn, không lập gia đình, không làm thêm và không làm việc văn phòng để tránh áp lực. Nghe có vẻ giống một bộ phận giới trẻ Nhật Bản trong quá khứ. Cũng vì vậy, có người lo ngại Trung Quốc đang bị "Nhật Bản hóa", hàm ý là đang đi vào một thập niên mất mát như Nhật trước đây.
Tăng tuổi hưu người già
Vào giữa tháng 6, chính quyền Trung Quốc đã phê chuẩn kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu tới năm năm. Theo đó, lao động nam giới ở nước này sẽ nghỉ hưu ở tuổi 63 thay vì 60. Lao động nữ nói chung sẽ nghỉ hưu vào năm 55 thay vì 50 tuổi, trong khi những người ở cấp quản lý sẽ nghỉ hưu ở tuổi 58 thay vì 55.
Động thái này được cho là nỗ lực để giải quyết vấn đề thâm hụt quỹ lương hưu và giúp "củng cố lực lượng lao động". Nghe có vẻ nghịch lý trong bối cảnh người trẻ vẫn đang thất nghiệp. Nhưng thật ra thì với tốc độ già hóa dân số nhanh của Trung Quốc, đây là một bước đi trước cần thiết. Nhưng về thời điểm thì lại không lý tưởng.
Alfred Wu - phó giáo sư tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore - tin rằng Trung Quốc đã bỏ qua cơ hội vàng để tăng tuổi hưu trước khi dịch Covid-19 diễn ra, khi "cơ hội việc làm rất nhiều, nền kinh tế đang trên đà phát triển và mọi người đều hạnh phúc". Thời điểm này thì lại khác. Tờ SCMP mô tả phản ứng của dân Trung Quốc với quyết định tăng tuổi nghỉ hưu là "không ai vui với quyết định này cả".
Sự lo lắng và bất an với tình hình thị trường việc làm đóng vai trò quan trọng. SCMP kể câu chuyện của Clytie Chen, 26 tuổi, vừa mất việc ở một hãng sản xuất ô tô vào tháng 7 và quyết định chuyển về quê Nam Kinh.
"Ai biết được liệu tôi có mất việc lần nữa khi 35 tuổi hay không - Chen nói - Và khi tôi sắp nghỉ hưu, lúc đó tuổi hưu có thể đã là 65 hoặc 70. Tôi không biết khi nào mình mới có thể nghỉ hưu".
Bất bình đẳng trong lương hưu chính là một vấn đề nhạy cảm khác với chính quyền. Tại thành phố Quảng Châu, một quan chức 60 tuổi cho biết họ đã được yêu cầu không bình luận về sự thay đổi này để tránh làm tăng thêm bất mãn về khoảng cách giữa phúc lợi hưu trí của khu vực công và tư nhân, cũng như giữa các thế hệ.
Công chức và người lao động tại các doanh nghiệp nhà nước trong nhiều năm đã được hưởng chế độ lương hưu hào phóng hơn so với nhân viên khu vực tư nhân.
Trong khi đó, ngay trong khu vực công, một quan chức khác ở Thượng Hải đã "chuẩn bị tinh thần" nhưng cho rằng thật không công bằng khi thế hệ của ông nhận lương hưu thấp hơn những người tiền nhiệm. "Chúng tôi sẽ làm việc lâu hơn và nhận được ít hơn nhưng chúng tôi không có lựa chọn nào khác".
Nói cách khác, người già sẽ chiếm chỗ của người trẻ lâu hơn và dài hơn trong hệ thống nhà nước, nơi mà nhiều người trẻ đang hướng sang tìm cơ hội, khi lĩnh vực tư nhân tuyển dụng chậm lại vì tăng trưởng kinh tế không như kỳ vọng.
Xu thế ưa thích làm việc cho nhà nước hơn tư nhân càng mạnh sau khi Trung Quốc thực hiện nhiều biện pháp thu hẹp cơ hội của doanh nghiệp tư nhân, điển hình là với khu vực gia sư online và giải trí trên mạng, những lĩnh vực từng giải quyết việc làm cho một lượng lớn người trẻ nước này.
Mây đen và gió vàng
Trước tuần lễ vàng và lễ quốc khánh Trung Quốc vào đầu tháng 10, nước này đã tung một loạt gói cứu trợ kinh tế trên ba phương diện: (1) nới lỏng tiền tệ, giảm lãi suất; (2) bơm tiền và cho vay để các tổ chức tài chính tăng mua cổ phiếu; và (3) hỗ trợ thị trường bất động sản bằng việc giảm lãi suất với các khoản vay mua nhà, cũng như gỡ bỏ rào cản với việc mua căn nhà thứ hai.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích tin rằng đó chỉ là những biện pháp cấp cứu và "câu giờ" cho nền kinh tế. Những khó khăn kinh tế dai dẳng của Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tổng chi tiêu trong mùa nghỉ lễ này. Mặc dù có nhiều biện pháp kích cầu, những dấu hiệu ban đầu của kỳ nghỉ lễ cho thấy người dân Trung Quốc vẫn ngần ngại chi tiêu.
Theo đại lý du lịch trực tuyến Trip.com, việc đặt chỗ trong khoảng thời gian này cho thấy giá vé trên cả chuyến bay nội địa và quốc tế đều giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với những câu chuyện ở trên về thất nghiệp ở người trẻ và nỗi lo của người già về tuổi hưu, điều này là dễ hiểu. Nhưng khi bóng mây mù ảm đạm phủ bóng lên nền kinh tế Trung Quốc, vẫn có những nhà phân tích tin rằng lần này Trung Quốc đã đi đúng hướng.
Một bằng chứng là giá cổ phiếu trên các thị trường Trung Quốc từng có lúc tăng 8,5% trong một ngày tháng 10, mức tăng trong một ngày cao nhất kể từ năm 2008. Một số nhà phân tích ví tình huống này như một cơn "gió vàng" quét qua thị trường (ý chỉ những gói kích thích trước tuần lễ vàng sắp tới tạo hy vọng cho nhà đầu tư).
Trong một bình luận trên Bloomberg, nhà phân tích Shuli Ren đưa ra một góc nhìn làm tôi chú ý. Bà cho rằng "lần này đã khác" vì thông điệp trên báo chí của các lãnh đạo Trung Quốc đưa ra song song với các gói kích thích kinh tế "tỏ ra ít xa rời thực tế hơn và tiếp thu đầy đủ thông tin hơn, cũng như nhận ra vì sao các chính sách trước đây không hiệu quả".
Bà tin rằng khi các lãnh đạo bắt đầu nhận thức đúng về nguyên nhân khiến kinh tế Trung Quốc trì trệ, đó là một "khởi đầu rất tốt".
Là mây đen hay là gió vàng thì chỉ vài tuần sau tuần lễ vàng chúng ta sẽ biết qua các số liệu kinh tế. Nhưng đó vẫn chỉ là những vấn đề ngắn hạn và là chuyện ở trời Trung.
Điều mà tôi băn khoăn khi đọc những bình luận này là Việt Nam liệu có phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp trong giới trẻ và câu chuyện về tuổi nghỉ hưu và quỹ lương hưu phức tạp như ở Trung Quốc trong thời gian tới hay không?
Rõ ràng câu chuyện về tuổi hưu và lương hưu ở Việt Nam đã được đề cập đến rồi. Câu chuyện cử nhân chạy Grab thì cũng được nhắc trên truyền thông. Tình trạng thì không xấu như họ nhưng không thể chủ quan. Điều cốt lõi là chính phủ đã chuẩn bị đối mặt như thế nào với những rủi ro đó?
Deng Yuwen, cựu phó tổng biên tập tạp chí Cầu Thị của Trường Đảng trung ương, cho biết đây là thời điểm tồi tệ nhưng chính phủ không thể chờ đợi. "Điều này đến vào thời điểm rất thách thức với Trung Quốc - ông nói - Nhưng chính quyền phải hành động vì dân số già đi nhanh chóng, tỉ lệ sinh giảm mạnh và thâm hụt ngân sách ngày càng tăng rõ ràng sẽ châm ngòi cho cuộc khủng hoảng lương hưu, có thể sớm hơn nhiều so với dự tính".