Trên Tạp chí Đối ngoại số 1/5/2025, tác giả Anne Neuberger có bài viết trên với một số nội dung chính: Cuộc đua phát triển và triển khai mạng viễn thông thế hệ mới đang bước vào giai đoạn then chốt. Trong khi Trung Quốc đã đạt nhiều thành tựu rõ rệt với mạng 5G và đang chuẩn bị cho 6G, Mỹ và các đồng minh đang nỗ lực thúc đẩy đổi mới công nghệ, cải cách chính sách và mở rộng hợp tác quốc tế nhằm duy trì vị thế cạnh tranh toàn cầu.
1. TRUNG QUỐC VƯỢT TRỘI VỀ QUY MÔ TRIỂN KHAI HẠ TẦNG 5G
Tính đến năm 2024, Trung Quốc đã xây dựng hơn 3 triệu trạm gốc 5G, chiếm khoảng 60% tổng số trạm 5G trên toàn thế giới. Trong khi đó, Mỹ mới đạt khoảng 150.000 trạm gốc. Về vùng phủ sóng, 88% người dùng di động Trung Quốc tiếp cận được mạng 5G, so với 45% tại Mỹ.
2. HUAWEI NẮM GIỮ THỊ PHẦN TOÀN CẦU LỚN TRONG LĨNH VỰC THIẾT BỊ VIỄN THÔNG
Theo thống kê năm 2025, Huawei chiếm khoảng 30% thị phần thiết bị mạng toàn cầu, vượt xa các đối thủ lớn như Ericsson (15%) và Nokia (13%). Mức đầu tư R&D của Huawei năm 2023 là 23 tỷ USD – gấp đôi ngân sách kết hợp của Ericsson và Nokia trong cùng năm.
3. SỰ THAY ĐỔI CẤU TRÚC THỊ TRƯỜNG VIỄN THÔNG THẾ GIỚI
Trong thập niên 1990, các nhà cung cấp phương Tây như Lucent, Nortel, Siemens và Alcatel chiếm hơn 80% thị phần thiết bị mạng. Tuy nhiên, đến năm 2025, chỉ còn Ericsson và Nokia duy trì hiện diện đáng kể, phần lớn do các thương vụ sáp nhập và tái cấu trúc. Trung Quốc, với Huawei và ZTE, hiện chiếm khoảng 40% thị phần toàn cầu.
4. CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ VÀ HỢP TÁC QUỐC TẾ NÊN LÀ TRỌNG TÂM CHIẾN LƯỢC CỦA MỸ
Từ năm 2022, thông qua Đạo luật CHIPS và Khoa học, chính phủ Mỹ đã cấp 1,5 tỷ USD trong vòng 10 năm để hỗ trợ các sáng kiến phát triển mạng mở và tương thích. Riêng năm 2024, hơn 420 triệu USD đã được phân bổ cho các dự án nghiên cứu và thí điểm tại Mỹ, Ấn Độ và Trung Mỹ. Ngoài ra, Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Hoa Kỳ đã phê duyệt 313 triệu USD để tài trợ triển khai mạng 5G tại Ấn Độ với sự hợp tác từ Phần Lan.
5. HỢP TÁC LIÊN NGÀNH VÀ CẢI CÁCH PHỔ TẦN LÀ CHÌA KHÓA TĂNG NĂNG LỰC CẠNH TRANH
Bộ Quốc phòng Mỹ hiện là cơ quan nắm giữ phổ tần lớn nhất nhưng chưa chia sẻ hiệu quả với khu vực dân sự. Chính phủ đang thử nghiệm các mô hình chia sẻ phổ tần và công nghệ điều phối phổ tần bằng AI, với kỳ vọng tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên vô tuyến và tăng tốc triển khai hạ tầng số. Việc cải cách chính sách này sẽ góp phần hỗ trợ khu vực tư nhân đổi mới và tăng năng suất mạng lưới.
Trong phần kết, tác giả cho rằngTrung Quốc đang đạt được nhiều bước tiến đáng kể trong việc xây dựng và phổ cập hạ tầng 5G, đồng thời dẫn đầu trong nghiên cứu 6G. Để giữ vững vai trò trong hệ sinh thái viễn thông toàn cầu, Mỹ cần tiếp tục đầu tư vào công nghệ mới, mở rộng hợp tác công – tư, cải cách chính sách phổ tần và đẩy mạnh các chương trình hợp tác quốc tế. Sự phối hợp đồng bộ giữa chính phủ, doanh nghiệp và các nước đối tác sẽ là nền tảng để duy trì một hệ sinh thái số mở, hiệu quả và linh hoạt trong kỷ nguyên hậu-5G./.