Trật tự thế giới phương Tây xây dựng từ sau chiến tranh lạnh cũng có thể đi nhanh vào thoái trào, thậm chí chấm dứt hoàn toàn.
Mỹ quay về chủ nghĩa biệt lập
Ông Trump tuyên bố sẽ thúc đẩy Mỹ theo đuổi chính sách biệt lập, sử dụng quyết liệt hơn công cụ thuế, chống người nhập cư, từ bỏ các cam kết về môi trường và yêu cầu các đối tác phải đóng góp nhiều hơn cho an ninh. Nhiều chuyên gia cho rằng tác động của các chính sách này sẽ là thay đổi lớn nhất kể từ thời Thế chiến II.
"Nó sẽ đẩy nhanh xu thế nước Mỹ hướng vào bên trong - theo James Curran, giáo sư lịch sử tại Đại học Sydney (Úc) - Các đồng minh sẽ cố gắng cứu các cơ chế đa phương còn tồn tại, với hy vọng Mỹ sau đó sẽ trở lại".
Theo Financial Times, các nước đang phát triển vẫn có thể có lợi từ chiến thắng của ông Trump. Việc Mỹ tư duy biệt lập, rút khỏi vai trò chi phối toàn cầu tạo cơ hội cho các nước hạng trung, như Brazil và Indonesia, có vai trò lớn hơn trong định hình trật tự thế giới.
Nhưng kết quả bầu cử Mỹ đã đẩy một loạt cơ chế đa phương vào rối loạn. Cuộc họp COP29 về biến đổi khí hậu ở Baku (Azerbaijan) đang diễn ra đã có ít lãnh đạo hơn tham dự. Và tuần tới là cuộc gặp của các lãnh đạo G20 ở Rio de Janeiro.
Nói ngắn gọn thì thông điệp của các cơ chế đa phương này sẽ giảm đáng kể. Ông Trump từ lâu đã không quan tâm, thậm chí là coi thường, các cuộc họp đa phương mà suốt 3 thập kỷ qua Mỹ là cường quốc chi phối.
Các quốc gia Đông Á và châu Âu đặc biệt lo lắng việc Mỹ rút về biệt lập khi họ từ lâu dựa vào sự bảo vệ của ô hạt nhân Mỹ. Họ lo lắng về một Washington kém tin cậy hơn thời Trump.
Với NATO, ông Trump nhiều lần đặt dấu hỏi Mỹ có nên tôn trọng các điều khoản về phòng thủ tập thể của liên minh hay không, dù không rõ đây là đe dọa thật hay chỉ nhằm gây sức ép buộc các thành viên khác phải chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng.
Lãnh đạo các nước EU trong cuộc họp thượng đỉnh tuần trước ở Budapest vẫn đưa ra thông điệp cứng rắn về chủ nghĩa đa phương.
"Bối cảnh địa chính trị hiện nay đòi hỏi chúng ta củng cố hệ thống đa phương và thúc đẩy nó dung nạp hơn - Josep Borrell, lãnh đạo đối ngoại của EU, nói - Hợp tác EU - Mỹ và việc cùng lãnh đạo là quan trọng, tránh để các mô hình khác thay thế (chúng ta), điều về dài hạn sẽ có hại cho lợi ích của cả EU và Mỹ".
Thách thức với một loạt cơ chế đa phương
Nhưng ở hậu trường, tâm trạng EU lo lắng hơn nhiều. Chính quyền Joe Biden, dù cũng không còn cam kết với tự do thương mại như các chính quyền Mỹ trước, vẫn bảo vệ trật tự cũ, vốn đang chịu sức ép rất lớn do căng thẳng Mỹ - Trung và Mỹ - Nga.
Một vài định chế đa phương lớn hiện đã rơi vào thế kẹt hoàn toàn. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc gần như tê liệt, lần đầu tiên kể từ thời chiến tranh lạnh. Cơ chế WTO thì đã hấp hối từ trước khi chính quyền Trump tiếp quản nhiệm kỳ hai và dự kiến sẽ phát động cuộc thương chiến toàn cầu mới.
Với World Bank và IMF, hai cơ chế từng chi phối các chính sách kinh tế toàn cầu kể từ 1944, việc ông Trump thắng cử khiến họ bị ép giữa hai áp lực lớn. Các nước đang phát triển phương Nam ngày càng chỉ trích hai định chế này, cho rằng đội ngũ lãnh đạo chi phối bởi phương Tây của cả hai không phản ánh trật tự kinh tế toàn cầu hiện đại.
Chủ tịch WB Ajay Banga cho rằng nên đánh giá ông Trump thông qua hành động cụ thể thay vì các tuyên bố. Ví dụ như nguồn tiền tăng gần nhất cho Ngân hàng Tái thiết và phát triển (IBRD), cơ chế cho vay của WB, diễn ra trong nhiệm kỳ đầu của ông.
Tại COP29, các đại biểu sẽ phải cố đạt được đồng thuận khi ông Trump đe dọa rút Mỹ khỏi thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu - điều có thể khiến nhiều nước khác có thể cũng rút. Quan ngại tương tự cũng đang dấy lên với Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva của Brazil, chủ nhà hội nghị thượng đỉnh G20 tuần tới và cũng là chủ nhà COP30 năm tới.
Tuy nhiên ở một góc nhìn khác, Brazil thấy đây là cơ hội cho BRICS mà họ là thành viên. Ý tưởng này cũng được Tổng thống Nga Vladimir Putin ủng hộ khi ông ca ngợi BRICS là nền tảng cho "trật tự thế giới mới và công bằng hơn".
Kịch bản xấu cho châu Á?
Theo Economist, chiến thắng của ông Trump khiến châu Á đối mặt với toàn những kịch bản xấu. Một mặt châu Á phải ứng phó với Trung Quốc đang nổi lên và ngày càng quyết liệt, một mặt lại là nước Mỹ cổ xúy chủ nghĩa bảo hộ.
Khi ông Trump lên nắm quyền, Trung Quốc sẽ là mục tiêu chính của Nhà Trắng và các nước khác có thể trong ngắn hạn có lợi, nhưng về lâu về dài, chính sách bảo hộ ở Mỹ vẫn gây hại cho họ.
Ví dụ, ông Trump đang đề xuất về đánh thuế 10-20% tới toàn bộ hàng nhập khẩu (ngoài 60% thuế lên toàn bộ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc). Điều này chắc chắn sẽ tác động mạnh tới các nền kinh tế châu Á. Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ASEAN, Ấn Độ và Nhật Bản; và là thị trường lớn thứ 2 của Hàn Quốc và Đài Loan.
Tỉ trọng thương mại trên GDP của ASEAN hiện gấp đôi mức trung bình toàn cầu, cho thấy khối này phụ thuộc vào hoạt động xuất khẩu để phát triển ra sao. Các nền kinh tế Đông Á thì có dân số già và cần thị trường bên ngoài để tăng trưởng.
Thuế nhắm vào Trung Quốc sẽ có tác động dây chuyền với phần còn lại của châu Á trong bối cảnh chuỗi cung ứng đã hội nhập chặt chẽ ở khu vực. ASEAN chẳng hạn, đang xuất khẩu nhiều hơn hẳn vào Trung Quốc sau làn sóng doanh nghiệp Trung Quốc đổ vào đây.
Thuế nhắm vào Trung Quốc cũng sẽ lái dòng hàng hóa được trợ cấp của Trung Quốc, vốn hướng vào thị trường Mỹ, giờ đổ vào châu Á, tăng thêm áp lực về chủ nghĩa bảo hộ trong khu vực. Đây là nỗi ưu phiền đã một thời gian dài của nhiều nước châu Á.
Nhiều nước hiện đã có biện pháp đối phó với làn sóng hàng Trung Quốc giá rẻ: Indonesia đang lên phương án đánh thuế 100-200% với toàn bộ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và cấm sàn Temu. Hồi tháng 1, Malaysia áp mức thuế 10% với một số mặt hàng nhập khẩu giá rẻ.
Dù Trung Quốc là tâm điểm chính của thương chiến, châu Á vẫn có thể chịu ảnh hưởng bởi các biện pháp từ Nhà Trắng khi nhiều hàng đại lục đang được chuyển qua các nước thứ ba trước khi vào Mỹ. Chính quyền Biden đã áp một số sắc thuế với những hàng hóa đi đường vòng này, qua các nước như Campuchia hay Thái Lan. ■
Kịch bản được Oxford Economics tính toán cho thấy nếu Mỹ đánh thuế toàn diện thì châu Á (không tính Trung Quốc) sẽ chịu nhiều thiệt hại. Về dài hạn, xuất khẩu của khu vực vào Mỹ sẽ giảm 3%, trong khi nhập khẩu giảm 8%. Lý thuyết kinh tế nói bảo hộ có thể có lợi nếu các nước có lợi thế vượt trội về thị trường với một mặt hàng cụ thể - điều mà hầu hết các nước châu Á không có. Ngoài ra, các đối tác của Mỹ như Úc, Ấn Độ và Nhật sẽ buộc phải lựa chọn giữa lợi ích kinh tế và an ninh.