Trung tâm trấn Đài Tây là Đài Loan hiện đại với các quán trà lạnh, cửa hàng tiện lợi 7Eleven, quán lẩu tàu hũ thối, cửa hàng ăn sáng trong chuỗi Mạch Vị Đăng (MWD - My Warm Day). Càng đi về phía biển, cảnh vị càng hoài cổ, phảng phất ký ức một thời di dân Phúc Kiến (Trung Quốc) vượt eo biển sang với những ngôi nhà thấp, mái ngói cũ, có nhà phủ đầy cây leo và những ngôi miếu.
Trấn hàu
Đường vào Đài Tây khô khốc, đậm mùi biển. Những hàng thùy dương lá gầy khô phất theo gió biển mặn xế chiều. Mùi của cá biển, mùi vỏ hải sản đậm thêm cùng con đường đầy vết cát cuốn du khách vào không khí vùng hải biên.
Cảm nhận đầu tiên về Đài Tây là một trấn hàu. Các con lộ sát biển lấp đầy những giỏ hàu tươi, mùi hàu lảng vảng khắp chốn. Từng nhóm phụ nữ ngồi cạy hàu bên đường là hình ảnh mưu sinh dễ thấy nhất trong dòng chảy cuộc sống hằng ngày ở trấn nhỏ. Họ ngồi quây quần quanh các sạp gỗ thấp có mái che đóng tạm bợ bên vệ đường tách hàu.
Tiếng gõ búa vào thân hàu (để đoán thịt hàu mập hay ốm), tiếng vỏ hàu rỗng chạm nhau hòa vào tiếng nói chuyện đầy phương ngữ, hợp âm lan từ các ngõ đến ngách, từ đường nhỏ ra đường lớn của Đài Tây. Một bà cụ cạy hàu kể dân Đài Tây bao đời gắn bó với con hàu: nuôi hàu, cạy hàu, làm những xâu vỏ hàu..., hàu là phong vị kinh điển của Đài Tây.
Đài Tây càng đậm sắc hàu với những túi lưới đựng vỏ hàu khô được xếp hoặc treo gọn gàng bên các vách nhà và bãi đất trống. Các bức tường nhà, góc đường đều thấy vỏ hàu, trong những túi lưới xếp ngay ngắn, hay đổ thành từng đống trắng xóa. Vỏ hàu chất cao thành đống dưới tán cây phong ba, trong những khu đất trống.
Các con đường ở Đài Tây treo đầy các sợi dây kết từ vỏ hàu khô để trang trí như những chiếc chuông gió, vỏ hàu ánh lên màu trắng bạc dưới nắng. Trên tường một ngôi nhà giữa làng hàu có bức vẽ những xe bò kéo hàu vào bờ, lưu giữ ký ức về nghề hàu, về những ngày lam lũ trước đây của người Đài Tây. Dọc đường ra biển, có những quán ăn nhỏ bán bánh hàu chiên bột, là món ăn đại diện cho phong vị địa phương của Đài Tây.
Nơi lưu giữ dấu xưa
Đài Tây không phải là một đô thành náo nhiệt như Đài Bắc, Đài Trung hay Đài Nam, cũng không phải một tỉnh rộng lớn giáp biển Thái Bình Dương như Đài Đông. Nhiều người Đài tôi hỏi qua cũng không biết sự tồn tại của một địa danh tên Đài Tây (Taixi), vì nó chỉ là một trấn duyên hải nhỏ bé thuộc Vân Lâm (Yunlin) ở phía tây nam đảo Đài Loan.
Tên cũ của trấn Đài Tây là Hải Khẩu (cửa biển) vì khu vực được khai lập từ những ngôi làng day mặt ra phía biển và có thương cảng. Trấn Hải Khẩu như những đoạn lịch sử bằng thớ đất, bằng cuộc sống, lưu dấu những cuộc khai khẩn đầu tiên của người dân tỉnh Phúc Kiến trên đảo Đài Loan.
Từ thời nhà Thanh, những nông dân, ngư dân nghèo và những thành phần dân cư đặc biệt như phạm nhân, người không thuận phục triều đình ở đại lục đã vượt eo biển đến mạn tây của Đài Loan khẩn hoang lập làng định cư, mở ra những trang văn hóa mới - văn hóa của người Hán trên lãnh thổ Đài Loan.
Sau Thế chiến hai, người Nhật bại trận trao trả đảo Đài Loan cho chính quyền Trung Hoa dân quốc, bộ máy hành chính Đài Loan khi ấy cũng được sắp xếp lại. Hải Khẩu được đổi tên thành Đài Tây vì địa thế nằm gần như ở đoạn giữa mạn biển phía tây, có thể xem như điểm cực tây của Đài Loan. Hơn nữa, chính quyền mới muốn hoàn chỉnh việc đặt tên các địa danh theo phương hướng ứng với Đài Bắc, Đài Nam, Đài Trung, Đài Đông nên muốn có một khu vực hành chính mang tên Đài Tây.
Để đến Đài Tây, từ trung tâm huyện Vân Lâm, phải đổi hai lần xe buýt, băng qua những vùng nông nghiệp hoang vắng, thưa thớt người. Xe chạy đến cửa ngõ của trấn, trên tấm biển chỉ địa danh Đài Tây là hàng lồng đèn đỏ thẳng tắp đung đưa trong gió duyên hải xế chiều. Càng đi về phía biển, càng nhiều những căn nhà cấp bốn với tường gạch cũ dân dã. Từng nhịp sống ở Đài Tây mang hơi thở của những thị trấn chiều hiền hòa, thanh vắng.
Địa thế xa xôi của trấn Đài Tây càng làm cho màu sắc Trung Hoa xưa được giữ gìn cẩn trọng, văn hóa Nhật và phương Tây không len lẫn vào được. Cứ như từ bên kia bờ biển, các lưu dân rời xa cố quốc đã mang theo cảnh nhà, cảnh làng ở Phúc Kiến đến dựng ven bờ biển Đài Tây. Trong ráng chiều hải biên, những ngôi nhà ba gian và gạch ngói cũ làm không gian phảng phất cảnh sắc cô liêu của cố hương đại lục.
Tiễn khách rời Đài Tây trên con đường lớn là cơn gió hanh hao mang vị mặn của biển, hai bên đường đám cỏ rào rạt, trạm chờ xe buýt bằng gỗ cũng vắng tanh. Sự lặng thinh phủ lên các con đường làm cho Đài Tây ngân lên một giai điệu chậm rãi và yên tĩnh.
Ký ức xưa mời gọi
Sự yên ắng buồn thiu không phải là nhịp điệu của Đài Tây từ ngày mở làng mà đó là kết quả của quá trình phôi phai vì thời cuộc kinh tế. Một thời, Đài Tây có hải cảng sầm uất, thuyền buôn và thuyền cá ra vào náo nhiệt, đường Trung Sơn (con đường chính của Đài Tây) phủ đầy hơi thở mậu dịch, các con đường nhỏ và nhà mặt đường đặc quánh cảnh bán bán buôn buôn tạo một không khí duyên hải phồn thịnh trong thời kỳ đầu Đài Loan tái thiết chính trị.
Vì thời cuộc biến đổi, cảng khẩu ở Đài Tây thưa dần những chuyến thuyền, bóng dáng các nhà máy, xí nghiệp cũng thưa dần. Các tiệm buôn đa số phải đóng cửa, chỉ một số tiệm tồn tại đến đời thứ tư, thứ năm do buôn bán mặt hàng thiết yếu như tiệm gạo Thành An, tiệm thuốc đông y Kim Nghĩa Đức Trung, tiệm bánh ngọt Túc Tân, và đặc biệt tiệm băng đĩa, đồng hồ Thanh Mỹ - nơi để người Đài Tây đi xa trở về tìm lại những hồi ức xưa của mình. Vài tháng trước, tiệm may âu phục Cửu Đại cũng đóng cửa, như thể thêm một then cửa chốt lại thời sầm thịnh náo nhiệt của Đài Tây trấn.
Người Đài Tây bắt đầu ra khỏi trấn nhỏ để tìm đường mưu sinh. Học sinh Đài Tây muốn học cấp III, thanh niên muốn tìm việc làm tốt hơn phải đi nơi khác. Người người, nhà nhà bắt đầu rời Đài Tây cho cuộc mưu sinh khiến nơi đây chỉ còn trung niên và người già với nghề nuôi hàu, nghêu và cá măng sữa. Nhân khẩu của Đài Tây mỗi năm mỗi ít khiến trấn nhỏ ngày càng yên ắng. Ông chủ tiệm thuốc đông y Kim Nghĩa Đức Trung, người chứng kiến thăng trầm của Đài Tây qua mấy chục năm, than thở: "Nói Đài Tây phát triển thì không thấy rõ sự phát triển, nói Đài Tây đi lùi thì thấy lùi rất nhiều…".
Đài Tây dường như đã ngân xong giai điệu sầm uất náo nhiệt…
Những năm gần đây, chính phủ đang cố đánh thức Đài Tây bằng cách đầu tư để thu hút người ta tìm về ký ức. Nổi bật nhất là dự án cải tạo con đường mậu dịch Trung Sơn theo phong cách nghệ thuật. Những tòa nhà bỏ hoang và các cửa tiệm được dọn dẹp, cải thiện làm nơi lưu giữ những hồi ức thời cảng khẩu nhộn nhịp để kể những câu chuyện thiên nhiên, mưu sinh thuở lập trấn.
Đường cổ Trung Sơn là con đường đưa người Đài Tây và con cháu trở về trấn cổ. Họ chạm tay vào những thỏi gạch đỏ trên tường, vết sét nâu trên cửa cuốn sắt, nhìn những hoa văn trong khung cửa, bức tường xi măng ố cũ, cánh cửa sổ gỗ màu xanh; họ bước vào tiệm cắt tóc nơi mình cắt từ hồi nhỏ hay nghe lại tiếng sóng biển, tiếng gió biển Đài Tây… để sống lại những khoảnh khắc xưa cũ, kể cho con cháu nghe về một trấn Đài Tây phồn thịnh năm nào.
Phủ lên "lớp sơn" ký ức cũng là cách giúp Đài Tây hồi sinh. Sự hồi sinh này tốt hơn cảnh những ngôi nhà bỏ hoang đóng chặt cửa, phố phường chỉ có tiếng cạy hàu của người già và tiếng 'chuông gió' vỏ hàu ngân lên trong những cơn gió xế chiều rát mặn… Những người già ở Đài Tây cũng hy vọng thông qua tiếng gọi ký ức và những tiềm năng mưu sinh liên quan đến biển, người Đài Tây ly hương sẽ trở về, người trẻ ở nơi khác sẽ đến đây tìm cơ hội lập nghiệp. Những nhân tố mới sẽ thổi sức sống, đánh thức tiềm năng của trấn nhỏ này. ■
TRẦN MINH HỢP - Theo Tuổi Trẻ