Để hình thành trung tâm dữ liệu, TP.HCM chuẩn bị nguồn năng lượng sạch tại chỗ cũng như bổ sung đường truyền tải điện từ Ninh Thuận, Bình Thuận và miền Tây Nam bộ về.
Sáng 23.12, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM phối hợp Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội tổ chức hội thảo khoa học: "Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam – Những vấn đề đặt ra cho TP.HCM và Đông Nam bộ".
PGS-TS Thoại Nam, Giám đốc Trung tâm kỹ thuật điện toán, Đại học Bách khoa TP.HCM nhận định để khoa học công nghệ trở thành động lực thì TP.HCM phải phát triển hạ tầng số.
TP.HCM cần đặt mình vào vai trò là trung tâm dữ liệu của cả khu vực, cạnh tranh toàn cầu. Bước đầu tiên cần có lộ trình, chính sách phát triển trung tâm dữ liệu. Ông Nam cho biết, TP.HCM hiện đi trễ so với các nước như Singapore, Thái Lan, Malaysia nhưng đang có cơ hội mới đó là nhiều tập đoàn lớn họ đang cần trung tâm dữ liệu quy mô siêu lớn.
Để làm trung tâm dữ liệu siêu lớn, chuyên gia cho rằng cần chuẩn bị chính sách về đất đai, năng lượng. Việt Nam đang được nhắm đến vì giá điện thấp. Trong khu vực Đông Nam Á chỉ có Lào với Malaysia có giá điện thấp hơn Việt Nam. Hơn nữa, trung tâm dữ liệu siêu lớn đòi hỏi sử dụng năng lượng sạch, do vậy chiến lược phát triển của TP.HCM phải gắn kết với năng lượng xanh.
Hai yếu tố khác cần chuẩn bị được PGS Thoại Nam nêu ra gồm hạ tầng viễn thông và nguồn nhân lực. Khi đầu tư dữ liệu rồi thì cần thêm hạ tầng tính toán hiệu năng cao. Chuyên gia đánh giá các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được hưởng lợi rất nhiều khi hình thành trung tâm dữ liệu.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết địa phương đã có kế hoạch chuẩn bị các điều kiện để hình thành trung tâm dữ liệu
Trao đổi thêm, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, địa phương đã có kế hoạch chuẩn bị hạ tầng năng lượng, viễn thông và hạ tầng tính toán để hình thành trung tâm dữ liệu của khu vực.
Về năng lượng, TP.HCM chuẩn bị hạ tầng năng lượng sạch gồm năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng thủy triều. "Chúng ta phải phát triển năng lượng tại thành phố để để đảm bảo an ninh năng lượng", ông Mãi nói thêm.
Bên cạnh đó, TP.HCM cũng đã đề xuất bổ sung quy hoạch đường truyền tải điện từ Ninh Thuận, Bình Thuận hoặc từ miền Tây Nam bộ về như một giải pháp dự phòng.
Về viễn thông, ông Mãi cho hay, TP.HCM đang đề nghị mở cáp quang quốc tế thông qua cổng ở H.Cần Giờ. "Trong chuyến công tác ở Mỹ vừa rồi, một số doanh nghiệp tên tuổi đã đăng ký. Chúng tôi đang xúc tiến để phát triển ở khu công nghệ cao, hình thành trung tâm tính toán, dữ liệu lớn ở đây", ông Mãi nói.
Giữ chân đội ngũ doanh nhân
Tại hội thảo, TS Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương chia sẻ tại nhiều quốc gia khi bắt đầu thu nhập trung bình thì đội ngũ doanh nhân bắt đầu ra đi, kéo theo trí tuệ và tài sản ra đi.
Hiện nhiều nước như Mỹ, Canada và Úc quảng cáo để thu hút lực lượng doanh nhân về với họ như chính sách đầu tư để có thẻ xanh, đầu tư để có cityzenship. "Họ làm tất cả vì họ biết rằng kéo được những con người đó là kéo được trí tuệ, tài sản. Và những nước rơi vào bẫy thu nhập trung bình là những nước không giữ được đội ngũ doanh nhân", ông Tú Anh đúc kết.
Vị chuyên gia này cũng đặt câu hỏi rằng đã có khi nào chúng ta đặt câu hỏi nghiêm túc rằng đội ngũ doanh nhân Việt Nam có đang ra đi hay không. Ông cho rằng phải xây dựng TP.HCM là nơi đáng sống, là nơi công lý được bảo vệ để doanh nhân xác định đây không chỉ là nơi đầu tư mà còn là nơi sống, gắn bó và cống hiến.
"Để thoát bẫy thu nhập trung bình, chúng ta không chỉ nuôi dưỡng kinh tế tư nhân mà còn giữ được chân họ ở lại đây sống, cống hiến và phát triển", TS Tú Anh nhìn nhận.
TS Nguyễn Tú Anh cho rằng TP.HCM cần giữ chân được đội ngũ doanh nghiệp ở lại đầu tư, sinh sống và cống hiến
Ở góc độ kết nối vùng, TS Huỳnh Thế Du đề xuất tầm nhìn phát triển "một trung tâm, ba hành lang" cho TP.HCM trong kỷ nguyên vươn mình. Trong đó, trung tâm hướng ra biển và hội nhập quốc tế là TP.Thủ Đức gắn với trung tâm hiện hữu còn 3 hành lang gồm tây nam gắn với đồng bằng sông Cửu Long, phía tây kết nối với Campuchia qua Tây Ninh và tây bắc kết nối với Tây nguyên qua Bình Dương và Bình Phước.
"Tầm nhìn "một trung tâm, ba hành lang" không đơn thuần về mặt không gian phát triển mà nó mang thông điệp chính sách và chính trị rất mạnh", TS Huỳnh Thế Du đánh giá.
Bởi tầm nhìn này sẽ phát huy vai trò trung tâm và đầu tàu của TP.HCM, phát huy được sức mạnh và tiềm năng của các địa phương có quy mô nền kinh tế lớn (Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu), hỗ trợ các địa phương còn lại phát triển, và kết nối quốc tế, thực hiện tầm nhìn phát triển ASEAN.
Sỹ Đông - Đình Sơn - Theo Thanh Niên