Phát triển nguồn nhân lực, thể chế và hạ tầng cho công nghiệp bán dẫn là chiến lược toàn diện; phải triển khai, đầu tư cho xứng tầm đột phá chiến lược.
Họp Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn chủ trì phiên họp lần thứ nhất
Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn chủ trì phiên họp lần thứ nhất sáng 14-12.
Việt Nam nổi lên là điểm đến hấp dẫn về công nghiệp bán dẫn
Theo các ý kiến đánh giá, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong ngành công nghiệp bán dẫn. Trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam hiện đang tham gia vào các công đoạn: Thiết kế, kiểm thử, đóng gói vi mạch, sản xuất thiết bị và nguyên liệu liên quan đến bán dẫn nhưng chưa có nhà máy sản xuất chip.
Việt Nam có hơn 50 doanh nghiệp thiết kế vi mạch với đội ngũ nhân lực ước tính hơn 6.000 kỹ sư, công đoạn đóng gói kiểm thử có 7 nhà máy, với khoảng 6.000 kỹ sư và hơn 10.000 kỹ thuật viên; các doanh nghiệp về sản xuất thiết bị và nguyên liệu cho ngành công nghiệp bán dẫn cũng đã bắt đầu đi vào hoạt động. Việt Nam cũng đang có 174 dự án FDI trong lĩnh vực bán dẫn với tổng vốn đăng ký gần 11,6 tỉ USD.
Kết luận, Thủ tướng nêu rõ phát triển công nghiệp bán dẫn là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu.
Về cơ sở hạ tầng, đã thành lập đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế là Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) cũng như các khu công nghệ cao TP.HCM, Hòa Lạc, Đà Nẵng cùng nhiều khu công nghiệp tiêu chuẩn.
Đây sẽ là điểm đến tiềm năng trong quá trình chuyển dịch chuỗi sản xuất bán dẫn và thu hút nguồn vốn FDI của các tập đoàn công nghệ bán dẫn lớn trên thế giới như: Amkor, Samsung, Hana Micron, Foxconn, LAM Research, Coherent, Intel.
Dù vậy, ông nhìn nhận thách thức của lĩnh vực này đó là nhu cầu về vốn đầu tư cho lĩnh vực bán dẫn là rất lớn, nhưng cơ chế ưu đãi đặc thù để hỗ trợ đầu tư, khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân tham gia lĩnh vực này còn chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn.
Hạn chế về cơ sở hạ tầng phục vụ nghiên cứu phát triển, đào tạo, ươm tạo cũng như phục vụ sản xuất, kinh doanh; việc cung ứng điện của Việt Nam có nơi, có lúc chưa bảo đảm. Hạn chế về tiếp cận công nghệ tiên tiến và thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao cần thiết để phát triển ngành này…
Để thực hiện chiến lược ngành bán dẫn, Thủ tướng cho rằng cần nâng cao nhận thức với tầm nhìn chiến lược, tư duy đột phá về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, điện toán đám mây; tiếp tục hoàn thiện thể chế thông thoáng, có ưu tiên cho các ngành lựa chọn; phát triển hạ tầng đồng bộ, thông suốt…
Sẽ có loạt chính sách thúc đẩy ngành bán dẫn
Thúc đẩy sớm ra đời Quỹ Hỗ trợ đầu tư; đẩy mạnh hơn nữa nghiên cứu, chuyển giao, làm chủ công nghệ; tiếp tục thúc đẩy ngoại giao bán dẫn, có chính sách visa thuận lợi, phù hợp; nhanh chóng phát triển các trung tâm thiết kế, kiểm thử, đóng gói chip; tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn lớn.
Phát triển nguồn nhân lực, thể chế và hạ tầng cho công nghiệp bán dẫn là chiến lược toàn diện; phải triển khai, đầu tư cho xứng tầm đột phá chiến lược. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.
Để thực hiện các nhiệm vụ trên, ông giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thiện và trình Chính phủ nghị định về Quỹ Hỗ trợ đầu tư nhằm khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư trên thế giới và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước.
Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các bộ ngành khác phát triển chip chuyên dụng; phát triển công nghiệp điện tử. Ký kết thỏa thuận hợp tác quốc tế về bán dẫn đối với một số quốc gia, nền kinh tế hàng đầu về bán dẫn.
Bảo đảm an ninh cung cấp điện, dứt khoát không để thiếu điện, đáp ứng nhu cầu phát triển ngành. Vận động các cơ quan liên quan của Mỹ sớm đưa Việt Nam ra khỏi các danh sách bị hạn chế xuất khẩu công nghệ cao, tiếp cận công nghệ tiên tiến của Mỹ.
Phát triển nhân lực trên cơ sở nghiên cứu, đề xuất và tổ chức triển khai mô hình liên kết giữa Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp, chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn.
Nâng cao năng lực khoa học công nghệ của Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn, đặc biệt là phát triển các công nghệ lõi, sản phẩm chip chuyên dụng.
NGỌC AN - Theo Tuổi Trẻ