“Thời đại của trí tuệ nhân tạo (AI) đã bắt đầu” - nhiều chuyên gia đã khẳng định như vậy khi công nghệ này đang được phổ biến và ứng dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy tiến bộ trong nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh theo hướng thông minh hơn, tiện lợi hơn. Tuy nhiên, tốc độ phát triển của AI và sự phụ thuộc của con người vào công nghệ này cũng làm dấy lên không ít lo ngại.
Chùm bài "Thời đại của AI" gồm 3 bài viết sẽ làm rõ cách thức tận dụng những cơ hội mà AI mang lại, đồng thời kiểm soát những nguy cơ từ công nghệ này.
Robot phẫu thuật xâm lấn tối thiểu được giới thiệu với khách tham quan tại Hội nghị Trí tuệ nhân tạo thế giới 2022 ở Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 1/9/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Bài 1: Công cụ đổi mới xã hội
Từ năm 2016 đến nay, nhiều nước đã đầu tư mạnh vào phát triển AI để thúc đẩy các dự án, nâng cao khả năng can thiệp của AI vào các thao tác tư duy và chuyên môn ngày càng sâu. Giá trị thị trường AI được dự báo sẽ lên tới 169 tỷ USD vào năm 2025 và 15.700 tỷ USD vào năm 2035. Giới quan sát đánh giá AI là "công cụ đổi mới xã hội", thông qua vô số lợi ích mà công nghệ này mang lại.
AI đang được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, hỗ trợ con người cả trong công việc lẫn đời sống. Lợi ích lớn nhất mà AI mang lại cho con người chính là cuộc sống khỏe mạnh hơn, chất lượng hơn và tiện lợi hơn. Việc ứng dụng AI trong ngành y tế đã và đang tạo nên một cuộc cách mạng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, không những cung cấp dịch vụ hiện đại, chất lượng mà còn cho phép có thêm nhiều người được tiếp cận nhờ tiết kiệm thời gian, nhân lực và chi phí.
Ở nhiều bệnh viện, AI đóng vai trò như một trợ lý chăm sóc sức khỏe cá nhân, hỗ trợ bác sĩ khám chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, rút ngắn thời gian trị liệu, đồng thời hỗ trợ các chuyên gia trong công tác nghiên cứu và phân tích. Nhờ có AI, các bác sĩ phẫu thuật có thể thực hiện các thao tác đòi hỏi tính chính xác cao ở những vị trí mà con người rất khó can thiệp hoặc sự can thiệp thông qua hành vi trực tiếp của con người sẽ dẫn tới những tổn hại khác, như xử lý các vấn đề về mạch máu ở những vị trí nhạy cảm, ví dụ não hay tim. Triển vọng chữa khỏi những căn bệnh như ung thư, bệnh tim mạch… nhờ ứng dụng sinh học tái tạo ngày càng rộng mở.
Cuộc sống cũng trở nên thuận tiện hơn, đơn giản hơn nhờ các ứng dụng AI. Giờ đây chỉ bằng một cú click chuột, quét mã QR hay sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt, giọng nói… mọi người có thể dễ dàng hoạt động, từ mua sắm hằng ngày đến giao dịch với ngân hàng, làm các thủ tục hành chính… Các sản phẩm của AI cũng giúp người dân trên toàn cầu xóa bỏ khoảng cách ngôn ngữ, có thể nói chuyện, hiểu nhau và thoải mái tiếp xúc, qua đó có thêm nhiều cơ hội để học tập và làm việc trên khắp thế giới.
Công nghệ này còn có thể hỗ trợ người khuyết tật tăng khả năng tiếp cận thông tin và dễ dàng hòa nhập cuộc sống. Khả năng học tập, hiểu biết của con người cũng được nâng cao đáng kể nhờ vận dụng AI trong các thao tác dạy và học, các trò chơi, phần mềm giáo dục, các ứng dụng hỗ trợ tự học thông minh. Người học được tiếp cận với kho dữ liệu tổng hợp khổng lồ, được phân loại và sắp xếp phù hợp với nhu cầu sử dụng.
Bên cạnh những tác động trực tiếp, AI cũng góp phần đảm bảo một môi trường an toàn hơn cho mọi người trước những tác động của tự nhiên. Nhờ khả năng thu thập, tổng hợp và phân tích nhanh chóng khối lượng thông tin, dữ liệu lớn, AI có thể đưa ra những gợi ý đề xuất nhanh chóng phục vụ cho việc ra quyết định kịp thời. Ví dụ, AI phân tích hình ảnh vệ tinh và đưa ra thông tin về vị trí đang xảy ra nạn phá rừng, nơi đa dạng sinh thái đang thay đổi, nơi các cộng đồng duyên hải đang đối phó với nguy cơ lũ lụt.
Những công cụ này đã bắt đầu được các tổ chức trên khắp thế giới sử dụng, từ Liên hợp quốc (LHQ) cho đến các công ty bảo hiểm. AI cũng cho thấy hiệu quả vượt trội trong việc dự báo nhanh các mô hình khí hậu và thời tiết, qua đó giúp cho việc ứng phó thiên tai được thực hiện tốt hơn ở cấp địa phương. Với những lợi thế vượt trội, AI được kỳ vọng sẽ là "thuốc" điều trị tình trạng biến đổi khí hậu, căn bệnh mà Trái Đất đang phải đối mặt.
Công việc của con người trong tất cả các lĩnh vực được giảm tải đáng kể nhờ ứng dụng AI, thông qua đề xuất giải pháp tối ưu và hiệu quả nhất từ những dữ liệu được cung cấp. Giáo viên được hỗ trợ trong việc chấm bài, thiết kế bài giảng; các nhân viên tiếp thị rút ngắn được thời gian tổng hợp số liệu hay phân tích về thị hiếu khách hàng, tiếp cận chính xác hơn các khách hàng mục tiêu và khách hàng tiềm năng…; mọi quy trình từ tuyển dụng đến phân công nhiệm vụ, triển khai thực hiện đều được tối giản nhưng hiệu quả hơn.
Robot công nghiệp trưng bày tại Triển lãm Robot Quốc tế ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong quá trình lao động, hệ thống AI giúp quy trình tự động hóa được thực hiện dễ dàng, qua đó hạn chế sử dụng sức lao động của con người, đồng thời các vấn đề bất cập khác cũng nhanh chóng được phát hiện, như các thiếu sót của nhân viên, hay sai sót của một công đoạn nào đó trong quy trình. Đặc biệt, việc sử dụng robot AI luôn được xem là sự lựa chọn tốt nhất khi phải thực hiện những công việc khó khăn, nguy hiểm đến tính mạng con người như cứu hộ, cứu nạn, cứu hỏa, thám hiểm biển sâu, dò gỡ bom mìn, vật liệu nổ… Ví dụ như máy bay không người lái với tốc độ nhanh hơn xe chuyên dụng lên đến 40%, thích hợp sử dụng cho những trường hợp cứu hộ khẩn cấp tại những vị trí có địa hình hiểm trở.
Câu chuyện của nhà máy FANUC tại Nhật Bản là một trong những ví dụ điển hình về hiệu quả của việc ứng dụng AI thay thế con người trong sản xuất. Nhà máy này sử dụng robot để sản xuất ra 5.000 robot/tháng, sở hữu một trong những dây chuyền sản xuất vô cùng hiện đại của thế giới, dây chuyền tạo ra những thiết bị giúp chế tạo nhiều sản phẩm, từ ô tô cho đến điện thoại iPhone.
Ở FANUC các robot tự xây dựng, giám sát và kiểm tra lẫn nhau. Đối với những thao tác giản đơn, chính xác, lặp đi lặp lại liên tục trong các dây chuyền sản xuất công nghiệp, sử dụng robot và AI là sự lựa chọn tốt nhằm nâng cao năng suất lao động; loại trừ những thiếu sót chủ quan của con người, tiết kiệm nguyên, vật liệu; bảo đảm sự chính xác gần như tuyệt đối cho các thông số của sản phẩm.
Truyền thông cũng là một trong những lĩnh vực chịu tác động nhanh và nhiều nhất của việc ứng dụng AI. Nhiều công việc truyền thống của các nhà báo được “tự động hóa” nhờ AI như phân tích dữ liệu và kiểm tra thực tế, qua đó giúp rút ngắn thời gian sản xuất tin tức thông thường, đồng thời “giải phóng” các nhà báo để tập trung vào các nhiệm vụ quan trọng khác như phỏng vấn hoặc viết bài phân tích. Tin tức do AI tạo ra có thể được sản xuất với chi phí thấp hơn so với nội dung tin tức truyền thống vì cần ít thời gian và tài nguyên hơn.
Điều này có thể đặc biệt quan trọng đối với các công ty truyền thông nhỏ hoặc những công ty hoạt động với ngân sách eo hẹp. Nhờ AI, nội dung tin tức có thể nhanh chóng được chuyển thể sang nhiều ngôn ngữ và cho nhiều nền tảng khác nhau, giúp các công ty truyền thông tiếp cận khán giả mới và mở rộng dấu ấn toàn cầu của họ. Nhìn chung, AI có thể giúp hợp lý hóa quy trình tạo tin tức, đồng thời cải thiện chất lượng và tốc độ của nội dung tin tức. Đây có thể là một công cụ mạnh mẽ để hỗ trợ công việc và làm cho hoạt động báo chí hiệu quả hơn.
Số liệu thống kê cho thấy đến năm 2020, ngành AI đã tạo ra khoảng 2,3 triệu việc làm với các vai trò chủ chốt như: lập trình viên dạy các hệ thống AI, người trung gian, người kiểm soát đạo đức (ehtics controller). Trong số này, các lập trình viên là người nghiên cứu và đưa các hệ thống suy nghĩ, lập luận, phân tích cùng mạch cảm xúc của con người vào AI, chẳng hạn như xử lý ngôn ngữ tự nhiên, người trung gian đóng vai trò kết nối giữa AI và cộng đồng, và một vị trí vô cùng quan trọng đó là người kiểm soát đạo đức để đảm bảo các hệ thống AI hoạt động đúng theo các giá trị đạo đức của con người.
Thanh Phương (TTXVN)