Tiếp theo đà bán tháo chứng khoán và sắc đỏ nhuộm màu thị trường chứng khoán châu Á trong ngày Thứ hai đầu tuần, 5/8/2024, trong đó chỉ số chứng khoán Nikkei Index của Nhật giảm kỷ lục là 13%, thì thị trường chứng khoán Mỹ cũng chìm trong sắc đỏ ngay khi vừa bắt đầu phiên đầu tuần, trong đó chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm trên 1.000 điểm (gần 3%) , còn chỉ số công nghệ NASDAQ giảm trên 5%.
Dưới đây là năm lý do chính cho sự sụt giảm toàn cầu vào ngày Thứ hai, 5 tháng 8 năm 2024:
1. DỮ LIỆU KINH TẾ YẾU KÉM CỦA HOA KỲ: Một yếu tố quan trọng là báo cáo việc làm do Bộ lao động Mỹ công bố cuối tuần trước. Báo cáo này cho thấy mức tuyển dụng yếu hơn nhiều so với dự kiến. Điều này đã làm dấy lên lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế Hoa Kỳ, khi báo cáo công ăn việc làm đi kèm với các chỉ số kinh tế yếu kém khác như sự suy giảm trong hoạt động sản xuất. Dữ liệu kinh tế mới này cho thấy lãi suất cao có thể đang kìm hãm tăng trưởng kinh tế.
2. LO NGẠI VỀ CHÍNH SÁCH CỦA CỤC DỰ TRỮ LIÊN BANG (FED): Có lo ngại rằng FED có thể đã giữ lãi suất quá cao và quá lâu. Mặc dù đang có kỳ vọng về một đợt cắt giảm lãi suất vào tháng chín tới, nhưng thị trường cho rằng điều này có thể không đủ để ngăn chặn suy thoái kinh tế. Các lo ngại này đã góp phần vào sự biến động của thị trường.
3. THU NHẬP DOANH NGHIỆP KHÔNG ĐẠT KỲ VỌNG: Các công ty công nghệ lớn, trong đó có Amazon và Intel, đã báo cáo thu nhập và dự báo lợi nhuận thấp hơn mong đợi. Những kết quả đáng thất vọng này từ các công ty chủ chốt đã kích hoạt một đợt bán tháo rộng rãi trong cổ phiếu công nghệ, làm trầm trọng thêm sự sụt giảm của thị trường. Ngoài ra, các công ty công nghệ đang bắt đầu sa thải một lượng lớn nhân viên vì phải dành tiền đầu tư cho AI, trong khi lợi tức kỳ vọng do AI đem lại vẫn thấp hơn dự kiến.
4. NHỮNG LO NGẠI ĐỊA CHIẾN LƯỢC VÀ KHẢ NĂNG XUNG ĐỘT Ở TRUNG ĐÔNG: Những căng thẳng địa - chính trị gia tăng, đặc biệt là mối đe dọa xung đột đang tiềm ẩn ở Trung Đông giữa Israel với Iran và Hezbollah. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Anthony Blinken vừa có cuộc họp trực tuyến với các đồng minh châu Âu, trong đó cảnh báo rằng Iran có thể mở đợt tấn công vào Israel trong vòng từ 24-48h tới để trả đũa cho vụ thủ lĩnh chính trị của HAMAS bị giết tại Tehran mới đây. Điều này đã góp phần vào sự không chắc chắn của thị trường toàn cầu. Các nhà đầu tư lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung dầu toàn cầu và những tác động kinh tế rộng lớn hơn của một cuộc xung đột trong khu vực này.
5. LO NGẠI SUY THOÁI KINH TẾ TOÀN CẦU: Có những lo ngại rộng lớn hơn về sự suy thoái kinh tế toàn cầu, qua sự sụt giảm của thị trường chứng khoán ở Nhật Bản và Trung Quốc. Thị trường Nhật Bản bị ảnh hưởng bởi đợt tăng lãi suất gần đây, trong khi thị trường Trung Quốc chịu thiệt hại do các các nhà đầu tư cho rằng các gói kích thích kinh tế mới của chính phủ Trung Quốc là chưa đủ lớn.
Sự tổng hợp các yếu tố trên đã tạo ra "một cơn bão hoàn hảo" (a perfect storm) khiến thị trường chứng khoán toàn cầu chao đảo trong ngày Thứ hai và có thể cả trong những ngày tới.