Chuyện hiếp dâm ở Ấn Độ có nguồn gốc từ văn hóa gia trưởng, phân biệt đẳng cấp, chênh lệch kinh tế, và hủ tục nông thôn.
Vụ nữ bác sĩ 31 tuổi ở bệnh viện công lập thuộc Đại học RG Kar, thành phố Kolkata, bang Tây Bengal (Ấn Độ) bị hãm hiếp và sát hại ngay tại chỗ làm trong giờ công tác (đêm) đã gây chấn động cả nước, khiến nghiệp đoàn bác sĩ và các tổ chức nữ quyền phản đối chính quyền và rầm rộ biểu tình, đình công, lan ra đến thủ đô New Delhi, trở thành thời sự quốc tế.
Năm 2012, Ấn Độ và thế giới từng chấn động bởi vụ "Nirbhaya" tại New Delhi. Một thiếu nữ đi xem hát khuya với bạn trai đáp xe buýt về nhà.
Cô bị bảy thanh niên trên xe, gồm cả tài xế, hãm hiếp tập thể sau khi đánh bạn cô bất tỉnh. Và rồi cả hai bị ném xuống đường. Người bạn trai sống sót nhưng cô gái qua đời, dù được đưa sang viện chuyên khoa tại Singapore chữa chạy.
Lặp đi lặp lại
Một số vụ việc đã được biết đến trong và ngoài nước và được coi là điển hình:
Năm 2014, hai thiếu nữ chị em họ đi vệ sinh ngoài đồng ở Badayun (bang Uttar Pradesh) bị năm thanh niên hãm hiếp tập thể, rồi treo cổ họ.
Cũng năm 2014, một thiếu nữ 16 tuổi đẳng cấp Dalit (thấp nhất trong xã hội Ấn) bị hai người hiếp dâm ngoài đồng ở ngoại ô Kolkata. Em gái cô hai tháng sau quyết định đi thưa cảnh sát trên tỉnh. Trên đường trở về làng, em bị bắt cóc, giam giữ 11 ngày và hiếp dâm tập thể, sau đó bị thiêu chết. Giảo nghiệm cho thấy em mang thai từ bận hiếp dâm đầu.
Trường hợp hiếp và bắt cóc thiếu nữ đẳng cấp thấp, sau đó thiêu chết hay giết để phi tang, dùng quyền lực đe dọa hay hãm hại người thân của nạn nhân là cực kỳ phổ biến.
Năm 2015 tại Bhagpat (Uttar Pradesh), một thanh niên Dalit cùng đinh rủ người yêu thuộc đẳng cấp Jat tiểu nông cùng nhau bỏ trốn đi xây tổ ấm. Hội đồng kỳ hào (Panchayat) của làng bèn ra lệnh bôi tro khỏa thân và cho phép hiếp dâm cô chị 23 tuổi và cô em 16 tuổi của anh sát gái kia để trị tội gia đình. Đây là một chuyện gây rúng động và Tổ chức Amnesty International đã phải can thiệp.
Năm 2017, một đại biểu dân cử bốn nhiệm kỳ tại bang Uttar Pradesh vời một cô gái 17 tuổi đến văn phòng để ông giúp việc làm.
Tại đây ông hãm hiếp cô này và sau đó khi gia đình cô phản ứng gay gắt, ông bèn thuê người tông xe khiến cô bị thương và hai bà dì đi cùng tử nạn. Bố cô thì bị đánh chết cho khỏi làm phiền công lý nữa. Trường hợp này điển hình của trò cường hào ác bá và gây căm phẫn ngay tại quốc hội, kết quả là đại biểu này bị phạt 35.000 USD và lãnh án chung thân.
Gánh nặng văn hóa
So sánh thống kê về hiếp dâm trên thế giới rất khó khăn, đầu tiên là ở định nghĩa. Thí dụ nổi tiếng là nhà báo Úc Julian Assange bị truy tố, giam giữ ở Anh và Thụy Điển từng đòi dẫn độ về tội hiếp dâm vì ông quan hệ tình dục với cô bạn gái mới không dùng bao cao su mà không hỏi cô trước. Như vậy là đủ để Thụy Điển đòi truy tố.
Có quốc gia như Mỹ, quan hệ tình dục, dù là đồng thuận, với người dưới 18 tuổi nghĩa là hiếp dâm "theo luật định". Có nơi như Nhật Bản, tận năm 2023, tuổi đồng thuận để quan hệ tình dục mới được tăng từ 13 lên 16 tuổi.
Tại nhiều xã hội trên thế giới, nạn nhân của các vụ hiếp dâm hay xâm phạm tình dục hay bị dư luận coi là người có lỗi. Rồi bị hiếp dâm còn bị coi là điều xấu hổ, cần phải giấu kín, không như bị cướp giật hay đâm chém.
Số nạn nhân hiếp dâm đi thưa kiện rất thấp. Tại Nhật, ước tính chỉ 5-10% nạn nhân khai báo với cảnh sát và số trường hợp lập biên bản chỉ là một nửa các vụ khai báo. Và rồi chỉ có 1/3 các biên bản này được truy tố.
Tại Ấn, giai đoạn 2018-2022, số lãnh án trong các vụ hiếp dâm là 27-28%, so với tại Anh là 60-63% hay Canada là 42%. Con số đi thưa kiện tại Ấn hẳn còn thấp nữa. Trước hết là vì gia đình và nạn nhân muốn giấu, nhất là nếu họ thuộc đẳng cấp thấp trong xã hội.
Nạn nhân và gia đình dễ bị ức hiếp, bịt miệng, hay đe dọa nếu lớn chuyện thưa gửi. Xã hội Ấn là xã hội đẳng cấp, và nếu ở tầng lớp chót hèn mọn thì khó mà lên tiếng, cảnh sát thường không quan tâm. ■
Ngoài chuyện hiếp dâm, phong trào biểu tình tại Ấn Độ đồng thời cũng phản đối những tiêu cực khác của xã hội.
Thầy chủ nhiệm đại học y và Viện RG Kar nhân vụ này bị điều tra về nhũng lạm, đánh trượt sinh viên để tống tiền, sai phạm về quản lý, nhận hoa hồng 20% các dịch vụ thầu cho trường, bán xác chết và thuốc men của bệnh viện, và bán rượu trong cư xá sinh viên.
Ông này được trợ giúp đắc lực bởi tổ chức sinh viên của đảng cầm quyền địa phương. Thủ hiến bang này là bà Mamata Banerjee, cầm quyền từ năm 2011.
Hiện bà sắp phải ra đi và đã chỉ định người cháu Abishek Banerjee thay thế, nhưng lục đục mâu thuẫn giữa hai dì cháu đang tăng. Nói chung, các vụ việc như vậy thường là ngòi nổ cho nhiều bất mãn khác về vai trò của cảnh sát và giới lãnh đạo chính trị.