Không giống như các thế hệ trước xem biến đổi khí hậu là khái niệm trừu tượng và không liên quan đến cuộc sống hằng ngày
Không giống như các thế hệ trước xem biến đổi khí hậu là khái niệm trừu tượng và không liên quan đến cuộc sống hằng ngày, giới trẻ hiện đại nhận thức rõ hơn về hậu quả của hiện tượng này, nhất là với sức khỏe tinh thần của họ. Vấn đề là hệ thống y tế có thể không theo kịp tình trạng lo âu do khí hậu gây ra.
"Rõ ràng là tôi sợ hãi. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm vì mình không phải là nạn nhân, nhưng tôi hơi xấu hổ vì chỉ tập trung vào bản thân mình" - Hannah Fessler, 16 tuổi, nói với CBC News giữa những ngày Canada "nóng rực" vì nạn cháy rừng.
Theo Trung tâm cứu hỏa rừng Canada, tính đến hết tháng 8 đã có hơn 5.800 vụ cháy, thiêu rụi hơn 15,3 triệu ha, khiến đây là mùa cháy rừng tồi tệ nhất từ trước đến nay ở quốc gia này. Ngoài việc khiến hàng nghìn người phải sơ tán, khói từ các vụ cháy nghiêm trọng tới mức chính quyền phải đưa ra một cảnh báo về chất lượng không khí trên khắp đất nước.
Fessler miêu tả các vụ cháy rừng ở British Columbia, khu vực lãnh thổ Tây Bắc và trên toàn thế giới là "một mớ bòng bong", gây sợ hãi ở hiện tại vào sự không chắc chắn về tương lai cho người trẻ như cô.
Lo âu vì tác động hiển hiện
"Một số người thân của tôi không thực sự tin vào biến đổi khí hậu. Họ nói rằng khái niệm này không có thật mà là một trò lừa bịp. Tôi thì tin vào điều này. Nó khá thực tế vì chúng tôi đang tận mắt nhìn thấy hằng ngày" - Adriana Silva, 18 tuổi, nói.
Nghiên cứu "Climate change anxiety in young people" đăng trên tạp chí Nature Mental Health tháng 5-2023 đã phân tích những nỗi âu lo về biến đổi khí hậu ở giới trẻ. Theo đó, trong thập niên qua, hàng loạt thách thức đi kèm với biến đổi khí hậu đã chuyển từ dự báo sang hiện thực.
Bên cạnh thương tích, bệnh tật và tử vong do các mối nguy từ môi trường, biến đổi khí hậu cũng gây ra những rủi ro nghiêm trọng về sức khỏe tâm thần. Các chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD), lo lắng, trầm cảm và rối loạn học tập chỉ là một trong nhiều chấn thương liên quan đến khí hậu được ghi nhận ở người trẻ.
Nghiên cứu lý giải, trẻ em và thanh thiếu niên vẫn đang phát triển năng lực tâm lý và sinh lý để xử lý các hậu quả do biến đổi khí hậu gây ra. Mặt khác, nhóm đối tượng này có ít ảnh hưởng đến các hệ thống kinh tế, chính trị và xã hội - vốn chịu trách nhiệm ứng phó hoặc ngăn chặn các sự kiện khí hậu.
Vì vậy, họ đặc biệt dễ bị tổn thương trước những hậu quả về sức khỏe tâm thần gây ra do biến đổi khí hậu. Trong trận lũ lụt ở Pakistan năm 2010, 3/4 người trẻ từ 10 - 19 tuổi đã có triệu chứng PTSD.
Một nghiên cứu công bố trên The Lancet tháng 12-2021 cho biết 59% người trẻ rất hoặc cực kỳ lo lắng về biến đổi khí hậu, 84% ít nhất cũng ở mức lo lắng trung bình. Gần một nửa nói cảm xúc của họ (buồn bã, lo lắng, giận dữ, bất lực, không có ai giúp đỡ, tội lỗi) ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống và sinh hoạt hằng ngày.
Hơn 3/4 thấy tương lai đáng sợ, cảm thấy bị phản bội bởi người lớn nói chung và chính phủ nói riêng. Nghiên cứu thực hiện với nhóm thanh niên 16 - 25 tuổi, sống ở 10 quốc gia (Úc, Brazil, Phần Lan, Pháp, Ấn Độ, Nigeria, Philippines, Bồ Đào Nha, Anh và Mỹ; mỗi nước hỏi 1.000 người).
Tương tự, một cuộc khảo sát ở quy mô quốc gia được hãng tin ABC của Úc dẫn lại cho thấy 3/4 người trẻ tại nước này cảm thấy căng thẳng do biến đổi khí hậu và sợ hãi trước những hiện tượng thời tiết cực đoan.
Nghiên cứu nhấn mạnh người lớn cần hiểu rằng lo lắng về khí hậu ở thanh thiếu niên là một phản ứng chức năng về mặt cảm xúc và nhận thức đối với các mối đe dọa hiện sinh thực sự. Cảm giác bất lực, đau buồn và sợ hãi có thể gây rối loạn sâu sắc, đặc biệt đối với những người trẻ chưa quen với chiều sâu và sự phức tạp của những cảm giác đó. Điều quan trọng là phải thừa nhận rằng những phản ứng này là hợp lý thay vì bác bỏ, phủ nhận.
Ba bảy đường lo
Theo tiến sĩ Lindsay McCunn - chủ tịch bộ phận tâm lý học môi trường của Hiệp hội Tâm lý Canada, ngoài lo âu về khí hậu (climate anxiety) còn có một dạng cảm giác liên quan đến biến đổi khí hậu khác là lo lắng về sinh thái (ecological worrying).
Lo lắng về sinh thái là khi mọi người nhận thức được biến đổi khí hậu và lo ngại về nó nhưng có thể ứng phó theo những cách hiệu quả, như chuẩn bị cho trường hợp khẩn cấp hoặc tham gia các sự kiện hành động vì khí hậu.
Trong khi đó, lo âu về khí hậu là khi sự lo lắng này biến thành nỗi tuyệt vọng và có thể khiến một người trở nên tê liệt. "Tôi nghĩ rằng nhiều người, dù nhận ra hay không, có thể có một số lo lắng về sinh thái đang diễn ra trong tâm lý" - bà McCunn, hiện là giáo sư tâm lý học tại Đại học Vancouver Island, nói với CBC ngày 23-8.
Theo McCunn, tất cả chúng ta đều thấy gắn bó với nơi mình sống, làm việc và vui chơi, vì thế việc những nơi chốn đó bị đe dọa theo những cách rất tàn khốc, chẳng hạn cháy rừng, sẽ mang đến một loại căng thẳng cụ thể.
Chuyên gia này cho rằng việc cấp thiết hiện nay là tiến hành nhiều nghiên cứu hơn về lo âu do khí hậu, không chỉ ở giới trẻ mà còn ở tất cả các nhóm nhân khẩu học. "Môi trường có ở khắp mọi nơi. Đó là một phần cuộc sống của mọi người, bất kể bạn là ai, bạn làm việc ở đâu, hoàn cảnh của bạn thế nào" - bà nói.
Y tế không theo kịp
Theo bà McCunn, các thành viên thuộc Hiệp hội Tâm lý Canada đồng tình rằng tỉ lệ lo âu về khí hậu sẽ trở nên trầm trọng hơn trong vài năm tới, và không có đủ chuyên gia sức khỏe tâm thần để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng này.
Tiến sĩ Courtney Howard - chuyên gia làm việc cho các dự án về biến đổi khí hậu và sức khỏe của Tổ chức Y tế thế giới - nhắc lại từ tháng 10-2021, WHO đã gọi biến đổi khí hậu là mối đe dọa sức khỏe lớn nhất của nhân loại.
Bà cho rằng điều quan trọng đối với các chuyên gia y tế là phải xem xét nghiêm túc các trường hợp lo lắng về khí hậu, đồng thời có các chương trình giúp họ hiểu rõ hơn về mối đe dọa thực sự của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe.
Mặc dù giảng dạy cho vô số sinh viên y khoa mỗi năm, Howard cho biết các trường y trên khắp thế giới đã "cực kỳ chậm" trong việc đưa biến đổi khí hậu vào chương trình học. Một nghiên cứu cho thấy trong 2.817 trường y ở 112 quốc gia, chỉ 15% trong số đó liên kết các tác động của biến đổi khí hậu đến sức khỏe. Bên cạnh đó, chỉ 11% trường y có chương trình giáo dục chính quy về ô nhiễm không khí và sức khỏe.
"Bản thân ô nhiễm không khí đã giết chết 7 triệu người mỗi năm trên toàn cầu. Thuốc lá giết chết 8 triệu người. Ô nhiễm không khí đe dọa tính mạng của con người nhiều ngang ngửa với thuốc lá, nhưng chúng ta hầu như chưa thể truyền tải thông điệp và các hành động cần thiết để bảo vệ cộng đồng khỏi mối đe dọa ô nhiễm không khí, nhiên liệu hóa thạch và biến đổi khí hậu" - bà Howard so sánh.
Theo nhà tư vấn tâm lý học về khí hậu (climate psychology therapist) Leslie Davenport, một trong những điều đầu tiên mà bất kỳ bác sĩ lâm sàng nào cũng phải làm là xác thực những lo lắng của bệnh nhân, sau đó gặp họ ở nơi họ đang sống.
Việc thiếu đào tạo về chủ đề khí hậu trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần dẫn đến hậu quả là nhà trị liệu không coi trọng nỗi lo âu có thật của bệnh nhân. Kết quả là, một người có thể đến với những mối quan tâm rất xác đáng, song nhà trị liệu, vì không được đào tạo kỹ năng liên quan chủ đề khí hậu, có thể đổ ngược vấn đề lại cho bệnh nhân. Davenport cũng cho biết hầu hết bệnh nhân của cô là thanh niên.
Một trong những giải pháp hiện tại để giúp đỡ người lo âu vì khí hậu là "kê toa thiên nhiên" cho họ. Theo tiến sĩ Melissa Lem - giám đốc PaRx, tổ chức tiên phong trong việc đưa 'gần gũi với thiên nhiên' vào toa thuốc, bác sĩ sẽ khuyến nghị bệnh nhân dành ít nhất hai giờ hòa mình vào thiên nhiên mỗi tuần, mỗi buổi kéo dài ít nhất 20 phút.
Tiêu chuẩn này dựa trên bằng chứng về sự hạnh phúc và sức khỏe tăng lên ở mốc hai giờ và sự sụt giảm của hormone gây căng thẳng cortisol trong khoảng thời gian từ 20 - 30 phút.
Howard cho rằng toa thuốc thiên nhiên cũng là lời nhắc nhở tốt cho chính các bác sĩ kê đơn. "Khi nghĩ về mức độ kiệt sức của nhân viên trong ngành y tế, việc các bác sĩ viết các toa thuốc yêu cầu bệnh nhân hòa mình vào thiên nhiên cũng là thông điệp dành cho chính họ" - bà nói.
Kids Help Phone (Canada) là dịch vụ điện thoại và tin nhắn nhằm giúp những người trẻ tuổi nói về những lo lắng về sức khỏe tâm thần, đồng thời cung cấp cho họ các nguồn lực. Dịch vụ này đã nhận thấy nhu cầu tăng lên đáng kể trong thời gian phong tỏa do dịch COVID-19. Tuy nhiên, Diana Martin - giám đốc tư vấn cấp cao của Kids Help Phone - cho biết kể cả khi dịch bệnh đi qua, số lượng cuộc gọi không có dấu hiệu giảm xuống.
"Trong những ngày bận rộn, chúng tôi nhận được đến 800 hoặc 900 cuộc gọi" - Martin tiết lộ. Rất khó để ước tính liệu số lượng cuộc gọi có tăng lên trong thời điểm xảy ra thiên tai hay không, song Martin suy đoán số cuộc gọi đến Kids Help Phone tăng đột biến 30% trong tháng 6 có thể do các sự cố từ biến đổi khí hậu gây ra.
BÌNH MINH - Theo Tuổi Trẻ