Nguồn: George Friedman, “Population Decline and the Great Economic Reversal”, Stratfor, 17/02/2015.
Biên dịch: Lương Khánh Ninh | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Những tuần vừa qua, chúng ta tập trung sự chú ý vào các nước Hy Lạp, Đức, Ukraine, và Nga. Tất cả đều là những vấn đề nóng bỏng. Nhưng trong mỗi trường hợp, các độc giả muốn tôi chú ý vào điều mà họ coi là khía cạnh ẩn đằng sau và thậm chí mang tính quyết định đối với những vấn đề ấy – nếu không phải bây giờ thì cũng sẽ không bao lâu nữa. Khía cạnh ấy là sự suy giảm dân số và tác động của nó đến những quốc gia kể trên. Lập luận được đưa ra là sự suy giảm dân số sẽ tạo ra những cuộc khủng hoảng ở các nước này và những nước khác, làm suy yếu nền kinh tế và quyền lực quốc gia của họ. Đôi khi chúng ta cần dừng lại và bỏ qua những cuộc khủng hoảng trước mắt để đến với những vấn đề rộng lớn hơn. Hãy bắt đầu với một vài suy nghĩ trong cuốn sách “Thế giới 100 năm tới” (The Next 100 Years) do tôi viết.
Các lý do dẫn đến sự suy giảm dân số
Không có nghi ngờ gì đối với việc dân số của hầu hết các nước châu Âu sẽ suy giảm trong thế hệ tới, và ở trường hợp của Đức và Nga, sự suy giảm này sẽ vô cùng mãnh liệt. Trên thực tế, sự bùng nổ dân số toàn cầu đang đi đến hồi kết. Ở hầu hết các xã hội, từ nghèo nhất đến giàu có nhất, tỉ lệ sinh của nữ giới đang giảm dần. Để duy trì sự ổn định dân số, tỉ lệ sinh phải giữ ở mức 2,1 trẻ sơ sinh trên một phụ nữ. Trên mức này thì dân số tăng; dưới mức này thì dân số giảm. Trong thế giới công nghiệp hiện đại, tỉ lệ sinh hiện đã thấp hơn mức 2,1 rất nhiều. Tại các quốc gia tầm trung như Mexico hay Thổ Nhĩ Kỳ, tỉ lệ sinh đang giảm nhưng sẽ không xuống tới mức 2,1 cho đến giữa những năm 2040 và 2050. Tại các quốc gia nghèo nhất như Bangladesh hay Bolivia, tỉ lệ sinh cũng đang giảm, nhưng sẽ mất cả thế kỷ này mới xuống đến mức 2,1.
Quá trình này nhìn chung là không thể đảo ngược. Về cơ bản nó là vấn đề đô thị hóa. Trong những xã hội nông nghiệp và công nghiệp trình độ thấp, trẻ em là (một phần) lực lượng lao động. Trẻ em lên 6 tuổi có thể được giao việc đồng áng hay những công việc sản xuất đơn giản tại xưởng. Trẻ em trở thành một nguồn thu nhập và càng nhiều trẻ em thì càng có lợi. Quan trọng không kém, do không có bất kỳ kế hoạch hưu dưỡng nào khác ngoài gia đình trong những xã hội như vậy, một gia đình đông thành viên có thể dễ dàng phụng dưỡng cha mẹ già hơn.
Trong một xã hội thành thị phát triển, giá trị kinh tế của trẻ em trở nên thấp hơn. Trên thực tế, trẻ em chuyển từ công cụ sản xuất sang đối tượng tiêu thụ cực kỳ tốn kém. Trong xã hội công nghiệp thành thị, cơ hội kiếm được việc làm khi còn nhỏ không chỉ giảm đi, mà yêu cầu về trình độ học vấn cũng tăng lên rất nhiều. Trẻ em cần được hỗ trợ trong khoảng thời gian lâu hơn rất nhiều, đôi khi đến giữa độ tuổi 20. Trẻ em tiêu tốn của bố mẹ một khoản tiền vô cùng lớn trong khi chỉ đem lại rất ít hoặc hầu như không đem lại lợi nhuận. Do vậy, người ta ít sinh đẻ hơn. Các biện pháp kiểm soát sinh đẻ chỉ đơn thuần cung cấp công cụ để phục vụ điều được cho là cần thiết về mặt kinh tế. Với đa số mọi người, một gia đình tám con là một thảm họa tài chính. Vì vậy, một phụ nữ trung bình có hai con hoặc ít hơn. Kết quả là dân số giảm. Tất nhiên là cũng có những lý do khác dẫn đến sự suy giảm này, nhưng hệ thống công nghiệp đô thị là nguyên nhân chủ yếu.
Có những người thấy trước được thảm họa kinh tế trong quá trình này. Với tư cách là người lớn lên trong một thế giới từng chứng kiến sự bùng nổ dân số dẫn đến thảm họa kinh tế, tôi cho rằng sự kết thúc của bùng nổ dân số sẽ được mọi người hân hoan chào đón. Tuy nhiên, lập luận ở đây là sự thu hẹp dân số, đặc biệt là trong giai đoạn chuyển tiếp cho đến khi những thế hệ già hơn qua đời, sẽ khiến một số lượng tương đối ít công nhân phải nuôi một số lượng rất lớn người đã nghỉ hưu, đặc biệt là với việc tuổi thọ trung bình tại các quốc gia công nghiệp tiên tiến ngày một tăng. Thêm vào đó, việc trả những khoản nợ mà thế hệ già hơn đã vay mượn sẽ bị đẩy sang thế hệ trẻ hơn và cũng ít người hơn. Do vậy, tôi cho rằng một sự bất ổn kinh tế lớn sẽ xảy ra. Bên cạnh đó, có quan điểm cho rằng quyền lực chính trị của một quốc gia cũng sẽ giảm cùng với dân số, điều này dựa trên giả định rằng lực lượng quân sự có thể được triển khai – và được trả lương – sẽ giảm cùng với việc dân số trở nên ít hơn.
Biểu đồ: Tỉ lệ phụ thuộc người già (Số người già trên 100 người trong độ tuổi lao động. Người già là người từ 65 tuổi trở lên. Độ tuổi lao động là từ 15 đến 64 tuổi.)
Giải pháp rõ ràng nhất cho vấn đề này là nhập cư. Vấn đề ở đây nằm ở chỗ Nhật Bản và hầu hết các quốc gia châu Âu có nhiều vấn đề văn hóa rất nghiêm trọng trong việc dung nạp người nhập cư. Hầu như người Nhật Bản không cố gắng làm điều này, và những người châu Âu đã từng thử – đặc biệt là với những người nhập cư từ thế giới Hồi giáo – nhận thấy điều này rất khó khăn. Hoa Kỳ cũng có tỉ lệ sinh đối với phụ nữ da trắng ở mức khoảng 1,9, điều này có nghĩa là dân số người da trắng đang giảm, nhưng dân số của người Mỹ gốc Phi và gốc Mỹ Latinh sẽ bù đắp cho sự thụt giảm này. Thêm vào đó, Hoa Kỳ là một đất nước quản lý nhập cư hiệu quả, bất chấp những tranh cãi gần đây.
Có hai điều cần nói trong vấn đề nhập cư. Thứ nhất, giải pháp dựa vào nhập cư của Hoa Kỳ sẽ đồng nghĩa với một sự thay đổi vô cùng to lớn đối với một vấn đề đã nhức nhối từ lâu của văn hóa Mỹ: chủng tộc. Hoa Kỳ chỉ có thể duy trì dân số của nó nếu như dân số da trắng trở thành thiểu số trong dài hạn. Thứ hai, một số nguồn nhập cư truyền thống của Mỹ, đặc biệt là Mexico, đang xuất khẩu ít người nhập cư hơn. Với việc Mexico tăng cường quy mô nền kinh tế, lượng nhập cư sang Mỹ sẽ giảm. Do vậy, các quốc gia thuộc thế giới thứ ba, nơi vẫn còn thặng dư dân số, sẽ phải trở thành nguồn nhập cư của Mỹ. Còn Châu Âu và Nhật Bản thì không có mô hình khả thi nào đối với việc dung nạp người nhập cư.
Tác động của dân số đối với GDP
Tuy nhiên, câu hỏi thực sự ở đây là liệu sự suy giảm dân số có quan trọng hay không. Giả sử rằng đường biểu diễn dân số dốc xuống đều đặn với dân số giảm 20%. Nếu đường dốc xuống của GDP cũng giống như đường dốc xuống của dân số, GDP bình quân đầu người sẽ không đổi. Bằng phương pháp tính đơn giản nhất này, cách duy nhất để có vấn đề nào đó xảy ra là hoặc GDP giảm nhanh hơn dân số, hoặc giảm lệch hẳn so với dân số, tạo ra những bong bóng tiêu cực và tích cực. Điều này sẽ mang tính gây bất ổn.
Dù vậy, không có lý do gì để cho rằng GDP sẽ tụt giảm cùng với dân số. Nền tảng sản xuất của xã hội, được hiểu theo nghĩa rộng là các nhà máy sản xuất, sẽ không tan biến trong khi dân số giảm. Hơn nữa, giả sử rằng GDP giảm với tỉ lệ thấp hơn tỉ lệ dân số giảm hay thậm chí tăng lên thì GDP bình quân sẽ tăng và người dân sẽ trở nên thịnh vượng hơn trước theo cách tính này.
Một trong những biến số chủ chốt làm giảm bớt (tác động của) vấn đề suy giảm dân số là sự tiến bộ liên tiếp của công nghệ nhằm nâng cao năng suất. Chúng ta có thể gọi điều này là tự động hóa hay công nghệ rô-bốt, nhưng tăng trưởng năng suất làm việc cá nhân đã xảy ra trong tất cả các môi trường sản xuất từ thời kỳ đầu của quá trình công nghiệp hóa và tốc độ tăng trưởng thì ngày một tăng. Trong bối cảnh dân số giảm một cách từ từ và có thể dự đoán trước, chí ít thì cũng không có lí do gì để tin rằng GDP sẽ giảm với tỉ lệ ít hơn dân số. Nói cách khác, với việc dân số suy giảm ở những xã hội công nghiệp phát triển, thậm chí nếu bỏ qua yếu tố nhập cư thì GDP bình quân cũng được kỳ vọng là sẽ tăng lên.
Những thay đổi trong mối quan hệ giữa lao động và vốn
Dân số giảm có thể có một tác động khác mạnh mẽ hơn. Dân số thế giới đã giữ ở mức ổn định cho đến giữa thế kỷ 16. Tỉ lệ gia tăng dân số bắt đầu tăng từ khoảng năm 1750 và tiếp tục tăng đều đặn cho đến đầu thế kỷ 20 rồi đột nhiên tăng mạnh. Nói cách khác, bắt đầu từ giai đoạn chủ nghĩa đế quốc châu Âu và đỉnh điểm là vào thế kỷ 20, dân số tăng liên tục. Trong suốt khoảng 500 năm qua, dân số tăng với tốc độ ngày một cao. Điều đó có nghĩa là trong lịch sử của nền công nghiệp hiện đại và chủ nghĩa tư bản, số lao động luôn dư thừa. Bên cạnh đó, cũng có sự thiếu hụt vốn tư bản theo nghĩa vốn trở nên đắt hơn so với lao động nếu so trên cùng một lượng tương đương, và bởi vì ngày càng có nhiều người được đều đặn sinh ra, nguồn cung lao động có xu hướng làm giảm giá lao động.
Lần đầu tiên sau 500 năm, tình trạng này đang tự đảo chiều. Thứ nhất, ít người được sinh ra hơn có nghĩa là lực lượng lao động sẽ thu hẹp lại và giá cả của tất cả các loại lao động sẽ tăng lên. Điều này chưa từng xảy ra trong lịch sử con người công nghiệp. Trong quá khứ, yếu tố thiết yếu luôn trong tình trạng khan hiếm là vốn. Nhưng giờ đây vốn, hiểu theo nghĩa chính xác của nó là phương tiện sản xuất, sẽ dư thừa trong khi lao động khan hiếm. Những nhà máy kinh tế đang sẵn sàng hoạt động và được xây nên trong thế hệ sắp tới sẽ không biến mất. Cùng lắm chúng cũng chỉ không được sử dụng hết công suất, và điều này có nghĩa là lợi nhuận trên vốn sẽ giảm. Nói trên phương diện tương tự là tiền bạc, điều này có nghĩa là chúng ta sẽ bước vào một thời kỳ mà tiền sẽ trở nên rẻ hơn và lao động ngày một đắt đỏ hơn.
Trường hợp duy nhất mà điều này sẽ không xảy ra là khi tăng trưởng năng suất quá lớn đến mức khiến lao động trở nên dư thừa. Dĩ nhiên nếu điều đó xảy ra thì chúng ta sẽ bước vào một tình huống cách mạng mà trong đó mối quan hệ giữa lao động và thu nhập sẽ phải dịch chuyển. Trong tình huống khắt khe hơn, nếu giả sử sự gia tăng năng suất đều đặn hơn thì nó vẫn đem lại thặng dư vốn và thiếu hụt lao động, đủ để ép giá trị đồng tiền hạ xuống và giá cả lao động tăng lên.
Điều này có nghĩa là bên cạnh sự tăng lên của GDP bình quân đầu người, sự phân bổ của cải trên thực tế sẽ thay đổi. Chúng ta đang ở trong một giai đoạn mà sự tích tụ của cải đã dịch chuyển ở mức rất đáng kể vào tay ngày càng ít người hơn, và khoảng cách giữa tầng lớp thượng trung lưu và trung lưu cũng đang nới rộng. Nếu giá trị đồng tiền giảm và giá lao động tăng, khoảng cách rộng lớn này sẽ thay đổi, và logic lịch sử của chủ nghĩa tư bản công nghiệp nếu không thay đổi hoàn toàn thì cũng chắc chắn sẽ được tái định hình.
Chúng ta cũng nên nhớ rằng ba yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất là đất đai, lao động, và vốn. Giá trị của đất đai, hiểu theo nghĩa rộng là bất động sản, cũng đã dịch chuyển song song với dân số. Với sự sụt giảm dân số, nhu cầu đối với đất đai sẽ giảm, hạ thấp chi phí nhà đất và càng làm tăng giá trị của GDP bình quân đầu người.
Chặng đường tiến tới trạng thái cân bằng tương đối sẽ có nhiều chông gai và ngập tràn những cuộc khủng hoảng tài chính. Ví dụ, sự suy giảm giá nhà đất sẽ đặt tài sản của tầng lớp trung lưu và thượng trung lưu vào tình trạng nguy hiểm, trong khi sự điều chỉnh tiến tới một thế giới mà ở đó lãi suất vĩnh viễn thấp hơn so với thời kỳ đầu của chủ nghĩa tư bản sẽ đi ngược lại kỳ vọng và do đó kéo các thị trường tài chính vào những con hẻm tăm tối. Yếu tố khiến điều này đỡ nguy hiểm là sự suy giảm dân số là rõ ràng và rất dễ đoán biết. Vẫn còn thời gian cho những chủ sở hữu nhà đất, những nhà đầu tư và tất cả những người khác để điều chỉnh kỳ vọng của họ.
Điều này sẽ không đúng với tất cả các quốc gia. Các quốc gia thuộc thế giới thứ hai và thứ ba sẽ trải qua sự suy giảm dân số sau khi các quốc gia phát triển đã thực hiện xong những sự điều chỉnh – một nguyên do nữa dẫn đến sự bất cân bằng trong hệ thống. Và những quốc gia như Nga, nơi dân số đang giảm bất chấp tình trạng cơ sở hạ tầng sản xuất phát triển mạnh mẽ, sẽ chứng kiến sự tụt giảm của GDP bình quân đầu người phụ thuộc vào giá cả của những loại hàng hóa cơ bản như dầu lửa. Dân số vẫn đang giảm thậm chí ở những quốc gia chưa phát triển, và ở những nơi xảy ra quá trình đô thị hóa nhưng nền nông nghiệp tiền công nghiệp đang suy thoái thì hậu quả là rất nghiêm trọng. Vẫn còn có những nơi không có bất kỳ hệ thống an sinh xã hội (vững chắc) nào, và Nga là một trong số đó.
Lập luận mà tôi đang đưa ra ở đây là sự suy giảm dân số sẽ làm biến đổi mạnh mẽ sự vận hành của các nền kinh tế, nhưng ở thế giới công nghiệp phát triển nó sẽ không đem đến một thảm họa mà thậm chí còn ngược lại. Có lẽ sự thay đổi quan trọng nhất sẽ là trong khi suốt 500 năm qua những ông chủ ngân hàng và những nhà tài chính nắm thế thượng phong, thì giờ đây trong một xã hội khan hiếm lao động, việc nắm giữ số lượng lớn lao động để môi giới là điều then chốt. Tôi không biết mô hình kinh doanh đó sẽ ra sao, nhưng tôi không nghi ngờ gì về việc những người khác sẽ tìm ra điều đó.
Tiến sĩ George Friedman là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Công ty Tình báo Toàn cầu Stratfor, tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng như The Next 100 Years (đã được xuất bản ở Việt Nam dưới tên “Thế giới 100 năm sau”), The Next Decade, America’s Secret War…
Theo Nghiên Cứu Quốc Tế