Trước khi "vươn lên từ đống tro tàn", đây là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới.
Từ nghèo khó đến quốc gia dẫn đầu đầu tư vào Việt Nam
Sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, Hàn Quốc là một nước nghèo nàn, lạc hậu. Đặc biệt, khi chiến tranh Nam - Bắc Triều Tiên kết thúc năm 1953, Hàn Quốc đã bị tàn phá nặng nề. Nhiều thành phố của Hàn Quốc chỉ còn là đống tro tàn, thu nhập bình quân đầu người chỉ vỏn vẹn vài chục USD mỗi năm, nhiều vùng nông thôn buộc phải ăn đến cọng rau ngọn cỏ, dân phải lên núi kiếm thức ăn.
Tới năm 1961, người dân nước này vẫn đói nghèo, không thể đảm bảo cho nhu cầu sống tối thiểu, nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, lúc đó cũng phải chịu những trận lũ lụt nối tiếp hạn hán triền miên, nạn đói đã từng xảy ra không bỏ sót một vùng đất nào. Họ phải phụ thuộc vào các gói cứu trợ của quốc tế để nuôi sống người dân.
Hàn Quốc nghèo đói những năm thập niên 60
Song từ năm 1963, khi tướng Park Chung Hee lên làm Tổng thống, ông đã đẩy mạnh xuất khẩu, tái cấu trúc nền kinh tế, phát triển ngành công nghiệp nặng và hiện đại hóa nhanh chóng. Đến cuối những năm 1980, Hàn Quốc đã có thể sản xuất các sản phẩm điện tử và máy móc, thiết bị chất lượng cao với các thương hiệu nổi tiếng trên thị trường toàn cầu. Năm 1996, Hàn Quốc đã trở thành thành viên của OECD. Sự thay đổi của Hàn Quốc được mệnh danh là “kỳ tích sông Hàn” trong việc đưa thu nhập bình quân đầu người vào nhóm nước có thu nhập cao.
Từ một quốc gia đói nghèo, Hàn Quốc đã vươn mình thành nền kinh tế lớn thứ tư của châu Á ở thời điểm hiện tại. Năm 2023, GDP Hàn Quốc đứng thứ 34 trên tổng số 190 nước trên thế giới với tổng thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 34.000 USD/người/năm.
Những giá trị kinh tế mà Hàn Quốc tạo ra không chỉ giúp thay đổi bộ mặt đất nước mà còn đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của những quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến cuối năm 2023, Việt Nam thu hút được 39.140 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký đạt 468,917 tỷ USD. Trong đó, Hàn Quốc là quốc gia dẫn đầu đầu tư vào Việt Nam trong số 144 quốc gia, vùng lãnh thổ trên đến đầu tư với 9.863 dự án, có tổng vốn đăng ký gần 86 tỷ USD, chiếm 25,1% tổng số dự án FDI và chiếm 18,3% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam.
Với 9.863 dự án có tổng vốn đăng ký 85,865 tỷ USD, Hàn Quốc là nhà đầu tư đứng thứ nhất trong tổng số 144 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam
Xứ sở kim chi giàu bản sắc văn hóa
Trong những năm gần đây, Hàn Quốc là địa điểm du lịch nổi tiếng khắp thế giới. Nơi đây có khí hậu ôn đới với bốn mùa rõ rệt, mang đến cảm giác thư thái, dễ chịu. Xứ sở kim chi còn gây ấn tượng bởi kiến trúc đồ sộ cùng không gian văn hóa, ẩm thực đa dạng.
Hàn Quốc có bốn mùa rõ rệt. Mùa xuân từ tháng 3 đến tháng 5, thời tiết ấm áp. Nếu đi du lịch vào mùa này, bạn sẽ thấy tình yêu với Hàn Quốc được nhân đôi vì thời tiết và thiên nhiên đều rất đẹp. Đây là thời gian lý tưởng cho các hoạt động ngoài trời, đặc biệt có nhiều lễ hội hoa được tổ chức trên khắp đất nước.
Mùa xuân ở Hàn Quốc
Kkotnori (ngắm hoa) và sangchungaek (hái hoa) là những từ được sử dụng hàng ngày khi mọi người đi du lịch khắp nước để chiêm ngưỡng các loài hoa rực rỡ sắc màu. Một số lễ hội hoa nổi tiếng vào mùa xuân như Lễ hội hoa xuân Yeouido, Lễ hội Jinhae Gunhangje, Lễ hội hoa Gurye Sansuyu, Nghệ thuật trồng hoa Quốc tế Goyang Hàn Quốc và Lễ hội hoa cải vàng Jeju.
Mùa hè bắt đầu từ tháng 6 và kết thúc vào tháng 8, là thời gian dành cho những người yêu biển. Hàn Quốc có lợi thế nhiều bãi biến với những lễ hội biển diễn ra khắp mọi nơi. Nếu lễ hội bùn Boryeong ở bãi biển Daecheon là nổi tiếng nhất trên bình diện quốc tế, thì các lễ hội ở năm bãi biển lớn như Haeundae và Gwangalli cũng thu hút đông đảo du khách với những màn bắn pháo hoa và những buổi hòa nhạc sôi động.
Lễ hội bùn Boryeong
Yangyang ở Gangwon-do là nơi lý tưởng cho những người lướt sóng. Daegu, nổi tiếng là thành phố nóng nhất Hàn Quốc, là nơi diễn ra lễ hội Chimac. Ở đây bạn sẽ có những trải nghiệm khó quên với món gà rán và bia lạnh.
Thành phố Daegu
Bầu trời trong xanh bao phủ Hàn Quốc trong suốt mùa thu. Du khách nên vào rừng trong mùa thu ở Hàn Quốc vì sắc lá thu đỏ, vàng, cam rực rỡ là một khung cảnh vô cùng sinh động và quyền rũ. Núi Seoraksan, Naejangsan và Jirisan là những điểm đến nổi tiếng dành cho người yêu thích sắc lá thu.
Núi Seoraksan vào mùa thu
Mùa đông bắt đầu từ tháng 12, kết thúc vào tháng 2, thời tiết lạnh giá, là thời điểm nơi lý tưởng cho những người yêu thích thể thao mùa đông, nhất là môn trượt tuyết và trượt ván trên tuyết. Du khách còn có thể trải nghiệm câu cá trên băng tại lễ hội băng Hwacheon Sancheoneo và lễ hội cá hồi Pyeongchang. Mùa đông cũng là thời gian lý tưởng để đi bộ leo núi ở đèo Seonjaryeong và núi Taebaeksan ở Gangwon-do. Cả hai cung đường này đều có cảnh quan tuyệt đẹp kéo dài đến tận đầu tháng 3.
Lễ hội băng Hwacheon Sancheoneo
Một số điểm đến nổi bật ở Hàn Quốc:
1. Các điểm tham quan
- Seoul: Bao gồm các cung điện như Gyeongbokgung, Changdeokgung, Changgyeonggung, Deoksugung; Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại và đương đại Quốc gia; Quảng trưởng Gwanghwamun; Làng Hanok Bukchon; Công viên Namsan và tháp Namsan; Nhà Xanh (nơi ở của tổng thống Hàn Quốc), mở cửa cho du khách vào tham quan với 4 tour mỗi ngày. Du khách phải đăng ký trực tuyến ít nhất ba tuần trước chuyến đi. Ngoài ra, Seoul còn nổi tiếng với nhiều tuyến phố như phố thời trang Dongdaemun, khu phố Itaewon, Insangdong, Hongdae...
Seoul về đêm
- Busan: Bãi biển Haeundae & Gwangalli; Thủy cung Sea Life; tòa nhà BAY - nơi ngắm thành phố biển đẹp nhất vào ban đêm; Trung tâm du thuyền Suyeongman; Shinsegae Centum City - sách Kỷ lục Guinness ghi nhận tổ hợp mua sắm này là "trung tâm thương mại lớn nhất thế giới" vào năm 2009; Bảo tàng lịch sử Joseon Tongsinsa; Đài quan sát Hwangnyeongsan; tháp Busan...
Bãi biển Gwangalli
- Các điểm tham quan ở Jeju: Đảo Udo; Aqua Planet - thủy cung lớn nhất nước; Seopjikoji - nơi có biển hoa cải vàng nở rộ vào tháng 3-4; rừng Rimg Bijarim; công viên mê cung Mazeland...
Đảo Udo
Hàn Quốc là đất nước không ngủ, sáng đèn suốt đêm nên buổi tối ở đây vẫn sống động, rộn rã như ban ngày. Nhiều khu mua sắm, chợ đêm mở cửa đến khuya, du khách có thể thỏa thích vui chơi, mua sắm.
- Tour ẩm thực chợ đêm: Tùy thuộc vào nơi bạn đến, du khách có thể thưởng thức rất nhiều món ăn.
Bạn có thể ăn gà rán, bò xào, lòng lợn hấp, chiên... ngay giữa đêm khuya ở chợ Jeonju nambu ở Jeollabuk. Tại chợ đêm Busan Bupyeong Kkangtong, các món đặc sản địa phương được bày bán rất nhiều như đậu rán nhồi rau, hải sản và miến; bánh cá...
Chợ đêm Busan Bupyeong Kkangtong
Du khách cũng có thể ghé qua chợ đêm Daegu Seomun với hơn 80 gian hàng ăn phục vụ các món như dạ dày lợn, xiên nướng, sushi và thịt nướng... Các chợ đêm khác là Daein Art ở Gwangju, Bamdokkaebi ở Seoul... Ở chợ bán buôn hải sản Noryangjin, chợ cá lớn nhất Seoul, du khách có thể thưởng thức hải sản đến tận nửa đêm.
2. Một số cơ sở lưu trú truyền thống
Để hiểu sâu rộng hơn về văn hóa và thiên nhiên Hàn Quốc, bạn nên trải nghiệm trọn vẹn một ngày đêm tại những cơ sở lưu trú truyền thống:
- Gyeong Won lae Ambassador: Những ngôi nhà truyền thống nổi bật giữa khung cảnh hiện đại ở Songdo, Incheon Khách sạn này có cấu trúc giống nhà hanok và mang lại cho du khách cảm giác được sống trong một ngôi nhà truyền thống. Tuy nhiên, vì nhiều du khách không quen ngồi trên sàn nhà, nên ở đây có giường và bàn theo phong cách hiện đại.
Gyeong Won lae Ambassador
- Gurume Resort ở Andong, Gyeongsangbuk-do: đây là nhà hanok thực sự, được chuyển đổi thành nhà nghỉ. Trong thời gian lưu trú, bạn có thể ghé quán cà phê sách để nghỉ ngơi giải trí.
- Làng Hanok cho bạn cơ hội chiêm ngưỡng cảnh biển tuyệt đẹp qua hàng rào kiểu truyền thống. Ngoài những khách sạn trên, còn có nhiều nhà khách hanok ở Seoul và Jeju.
*Nguồn số liệu: wisevoter, IMF, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Theo Chất Lượng và Cuộc Sống