Đó là lời chia sẻ của anh Ammar Amin Ghazaly (46 tuổi), chủ nhà hàng Ai Cập Cleopatra trên đường Trương Quyền, Q.3, TPHCM.
Trong một buổi sáng cuối tuần, tôi đã ghé nhà hàng của anh, làm tách cà phê và lắng nghe câu chuyện về một Sài Gòn vừa lạ vừa quen trong mắt của một ông chủ người nước ngoài.
“Lần đầu tôi đến Sài Gòn là cách đây 6 năm, theo lời giới thiệu của một người bạn rằng Sài Gòn hiện đại như Singapore vậy. Và dĩ nhiên, như bạn biết đấy, Sài Gòn trông chẳng giống Singapore tẹo nào nên tôi đã có chút thất vọng trong lần đầu “xem mắt”, Ammar mở đầu câu chuyện bằng giọng điệu hài hước, cả 2 chúng tôi cùng phá ra cười.
Sau lần gặp đầu tiên “vỡ mộng” ấy, Ammar còn trở lại Sài Gòn thêm 5 lần nữa, vì nhiều lý do khác nhau. Lần thứ 6 đến Việt Nam, anh quyết định ở lại 3 tháng và sau đó thì… ở luôn, vì: “Người Sài Gòn thân thiện và hài hước quá sức đi, bạn biết không? Họ luôn mỉm cười, luôn gật đầu chào, luôn cười phá lên khi tôi trêu gì đó. Không như khi tôi ở Malaysia, ai cũng nghiêm túc cả, chả ai cười khi tôi đùa, chán lắm, haha!”, Ammar dí dỏm cho biết.
Trong mắt của anh Ammar Amin Ghazaly (46 tuổi, chủ của một nhà hàng Ai Cập ở Q.3, TPHCM), Sài Gòn thật ngộ nghĩnh và đáng yêu - Ảnh nhân vật cung cấp.
Thêm một lý do nữa là vì sau lần thứ 6, Ammar đã có nhiều bạn bè hơn ở Việt Nam, cả người Ả Rập nói chung (bao gồm người Ai Cập và các quốc gia khác) và người Việt Nam. Họ đã chỉ cho anh những nơi có thể tìm được thức ăn Halal (thức ăn của người đạo Hồi) ngon và rẻ, những chỗ mua sắm bình dân, những khu vui chơi thú vị dành cho cả người nước ngoài và người bản địa.
“Lúc ấy, Sài Gòn mở ra trước mắt tôi vô cùng mới lạ và hấp dẫn. Và tôi bắt đầu nghĩ tại sao ai đó lại bảo tôi nên đến Sài Gòn vì Sài Gòn giống Singapore nhỉ? Thứ nhất là Sài Gòn không giống, thứ hai là Sài Gòn chẳng cần giống đâu cả, Sài Gòn chỉ cần là Sài Gòn thôi thì đã đủ đặc sắc rồi”, Ammar hào hứng nói.
Vậy là Ammar quyết định ở lại Sài Gòn. Anh tìm được công việc quản lý khách sạn, có một cuộc sống ổn định và vui vẻ. Nhưng rồi, dịch COVID-19 ập đến, khách sạn đóng cửa và Ammar thất nghiệp. Một phần vì Sài Gòn khi ấy cách ly, một phần để tiết kiệm chi phí, anh quyết định nấu ăn tại nhà và thỉnh thoảng gửi mời bạn bè. Chẳng ngờ, ai cũng khen ngon và ngày nào cũng có bạn gọi đến hỏi Ammar nay nấu món gì.
Ammar bên những người bạn Sài Gòn của mình. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
“Thậm chí, bạn của bạn - những người tôi chẳng quen, cũng gọi đến để hỏi tôi có thể gửi thức ăn cho họ được không. Ai cũng hỏi nhưng chẳng ai… trả tiền. Có điều thấy họ ăn ngon tôi cũng vui, nên cứ nấu và mời hết người này đến người kia, cho đến khi… hết nhẵn tiền”, Ammar nhớ lại.
Giữa lúc đang chưa biết xoay xở thế nào, có anh chàng kia đặt Ammar nấu tiệc sinh nhật cho bạn gái. Ammar nhận lời và đó cũng là lúc anh nhận ra mình có thể khởi nghiệp bằng nghề đầu bếp.
Thế là Amma thuê một căn bếp nhỏ đầy đủ dụng cụ nấu nướng ở khu vực Phạm Ngũ Lão, Q.1, TPHCM. Anh chăm chỉ nấu ăn và giao hàng đến người quen, bạn bè của mình và ngày càng mở rộng mạng lưới khách hàng. Sau 2 năm, Ammar gom góp đủ tiền để mở thêm một nhà hàng nhỏ - là nhà hàng Ai Cập Cleopatra bây giờ. Anh vẫn giữ căn bếp cũ ở Q.1. Mỗi ngày, anh sẽ ở bếp Q.1 từ 7g đến 10g sáng. Sau khi nấu nướng và giao thức ăn xong xuôi, anh sẽ sang nhà hàng ở Q.3 và trông coi nhà hàng đến tầm 22g đêm.
“Khó có thể tin được là giờ đây tôi có đến 2 công việc kinh doanh ở Sài Gòn và cả 2 đều rất thuận lợi. Bạn có nhận thấy rằng Sài Gòn thật ra rất dễ sống không? Bạn luôn có thể làm điều bạn muốn, chỉ cần bạn nỗ lực, chăm chỉ và tập trung vào điều mà mình làm tốt hơn người khác. Thật ra, cả bếp ăn và nhà hàng của tôi đều không có quá nhiều món, vì xuất thân của tôi không phải là đầu bếp chuyên nghiệp, tôi chỉ có thể nấu ngon vài món sở trường. Và tôi chỉ cần tập trung vào những món ấy thôi, chăm chỉ mỗi ngày và có được cuộc sống khá ổn định ở Sài Gòn, ngay cả khi tôi là người nước ngoài và đến đây với 2 bàn tay trắng. Bạn thấy đó, Sài Gòn rất dễ sống và bao dung”, Ammar bộc bạch.
Ammar trong một buổi nấu cơm từ thiện ở Sài Gòn - Ảnh nhân vật cung cấp.
Ngoài công việc kinh doanh, Ammar còn là thành viên của một nhóm từ thiện Sài Gòn. Mỗi tháng 2 lần, anh sẽ cùng nhóm nấu 600 phần cơm chay để tặng cho các bệnh viện trong thành phố. “Công việc vất vả phết đó, vì chúng tôi làm việc liên tục trong 5 tiếng, từ sơ chế, nấu nướng, đến đóng gói và giao thức ăn”, Ammar cho biết, “Nhưng khi nhìn những người nhận cơm vui mừng, mệt mỏi gì cũng tan biến”. Là thành viên người nước ngoài duy nhất của nhóm, thời gian đầu, Ammar phải trò chuyện bằng… tay. Nhưng sau nhiều năm, nay nhóm đã có nhiều thành viên trẻ nói được tiếng Anh nên việc giao tiếp của anh cũng thuận tiện hơn nhiều.
“Nhưng ngay cả khi phải nói chuyện bằng ngôn ngữ cơ thể, tôi vẫn không thấy có quá nhiều rào cản khi sống ở Sài Gòn. Người Sài Gòn thân thiện và dễ thương đến mức ở đây đã 6 năm, tôi chưa thấy ai gây gổ ai bao giờ. Đã từ lâu, tôi xem Sài Gòn như quê hương thứ hai của mình và luôn rủ rê bạn bè sang đây khi có dịp, vì quả thật nơi này rất đáng sống”, Ammar chia sẻ một cách chân tình.
Tạm biệt Ammar ra về, tôi không khỏi ấn tượng bởi tình yêu và sự gắn bó mà anh dành cho Sài Gòn - mảnh đất đã trở thành ngôi nhà thứ hai của anh. Những câu chuyện của Ammar không chỉ mang đến góc nhìn độc đáo về một Sài Gòn vừa thân quen vừa mới lạ, mà còn truyền cảm hứng cho chúng ta về sức mạnh của sự bao dung, tình người và những cơ hội tiềm tàng mà thành phố này mang lại. Sài Gòn trong mắt tôi cũng vậy, vẫn luôn là mảnh đất ngập tràn sức sống, nơi mà mỗi ngày đều mang đến những câu chuyện của phép màu và hy vọng.
Cao Bảo Vy - Theo Phụ Nữ Online