Trong Kinh Dhammapada của đạo Phật có một trong những lời để giúp con người tâm trí không sa vào đau khổ, kiếp người được giải thoát, rằng: “Không làm điều ác/ Thành tựu các hạnh lành/ Tâm ý giữ trong sạch”. Và trong Kinh Thánh của đạo Catholic: “Hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội”.
Trời, đất vẫn đang làm việc của trời, đất. Còn loài người vẫn đang làm việc của con người. Dưới vũ trụ này, kẻ nào có việc của kẻ đó. Dù việc gì rốt cuộc rồi cũng quy vào “thành - trụ - hoại - không”, “không - hoại - trụ - thành”, em biết quy luật “sanh - diệt” này rồi mà. Loài người một mai có “di cư” hết đến các hành tinh khác thì đạo đức cơ bản vẫn là tôn trọng sự sống của loài mình và muôn loài, bởi không thể sự sống nào mà chỉ một loài.
Sân, sóng và bàn
Loài người, xưa nay vẫn tự nhận mình là loài văn minh nhất. Thế mà, mỉa mai thay, giống loài ấy luôn cứ muốn nghiền nát nhau. Đúng hơn, đó là loài chỉ tập trung cho... “đấu”.
Một “trận đấu” gây nhiều chú ý gần đây diễn ra trên “sàn” của hãng thông tấn nổi tiếng CNN của Mỹ, giữa hai đối thủ là cựu tổng thống Mỹ Donald Trump và đương kim tổng thống Joe Biden. Bầu cử ở nước này nó quan trọng vì vai trò dẫn dắt thế giới của nước Mỹ, đồng đô la, độ giàu có, giá trị của tự do và của sức mạnh vũ khí ở quốc gia đó. Mỗi khi một tổng thống mới của Mỹ lên là một sự thay đổi nào đó về chính sách ở họ, tác động bao trùm lên thế giới. Cả hai đã “khẩu công” chê bai, hạ nhục đối thủ; người này tuyên bố sẽ “hạ gục”, sẽ “đánh bại” người kia.
Mà không chỉ ở Mỹ, bất cứ nơi đâu, người ta làm mọi cách để “thắng”, đứng đầu, hoặc ngôn ngữ đẹp đẽ là “gánh vác chức vụ”!
*
Khi đã “đấu” thì thứ gì cũng thành “sàn”, thành “sân” cả.
Các sàn đấu bàn giấy cũng nhảy múa như cầu thủ đá banh lượn trên sân cỏ. Những cái “sân”, cái “sàn” còn lập ra trong bóng tối. Ma trận bàn giấy. Rất lắm phen nó còn hơn nơi chiến địa, sa trường. Hội đồng “đấu” nào không diễn ra ở hội trường hay bàn họp cơ mật. Quyết định “chiến tranh” nào chẳng xuống bút, “ra” chuyên nghiệp trên bàn. Gây chiến bằng tay và gây chiến bằng miệng. “Chiến tranh nói dối”, “Chiến tranh bêu riếu”, “chiến tranh truyền bá”, “chiến tranh tâm lý”, “chiến tranh ngoại giao”... Để có lợi cho đất nước mình, nhóm người mình, hay cho cá nhân mình, thế nhân sẵn sàng nói dối với cả thế giới, nói khác sự thật, phản đối sự thật, chèn ép sự thật, ngụy tạo sự kiện, sản xuất tin giả, tung tin giả, tìm cách đè bẹp nhau...
Bức tranh Guernica của danh họa Picasso được xem là tác phẩm phản chiến ấn tượng nhất cho tới nay. Ảnh: TL
Người đời nay dùng thành tựu công nghệ của nhân loại là sóng wifi, internet, truyền hình; các công cụ Facebook, X, YouTube, Tiktok, Wechat, Weibo... để “đấu”. Nội dung và trò “đấu” đủ kiểu, kể cả dơ bẩn, đê tiện, tầm thường nhất. Tất cả phải “đấu” để đạt được mục đích.
Trong thế giới động vật, chỉ loài người mới nhiều cách “đấu” và nhiều “chiến trường” đến thế.
*
Thực chất, trên mặt địa cầu, suốt ba thế kỷ qua, chiến tranh chưa bao giờ hết “nóng”. Cùng là loài người, nhưng thế giới ngày càng lập phe lập nhóm, lập vây lập cánh, lập băng lập “hội”. “Chơi” với nhau kiểu đó, làm ăn với nhau kiểu đó, nương tựa nhau kiểu đó, bảo vệ nhau kiểu đó. Nước tiến bộ, văn minh, tôn trọng đạo đức thì tung ra những giá trị tiến bộ văn minh và lòng tốt. Nước có nhiều vũ khí lạ thì khoe “tôi có nhiều đồ chơi”. Nước đông dân thì ra đòn “tôi có thị trường dân số đông và lãnh thổ rộng”. Nước dồi dào tiền bạc thì cho mượn nợ, cho vay tiền.
Đáng nói, có nước cho vay, cho mượn để “trói” con nợ, ghìm giữ, buộc phải phụ thuộc, tức “đính kèm” mưu lược. Cho mượn nợ trở thành “vũ khí ngọt ngào”, “hiện đại”, “xài” được lâu nhất. Đâu đó xuất hiện hình thái “thuộc địa kiểu mới” ở thế giới loài người hiện đại: làm cho người ta phụ thuộc mình về tiền bạc, vũ khí, tiêu thụ hàng hóa hoặc “bảo kê” về an ninh quốc phòng; từ đó chi phối, buộc người ta phải nhượng bộ về chính trị, kinh tế, thậm chí sâu xa là chủ quyền... Mọi thứ tinh vi đến mức không còn phân biệt được giữa hữu hảo bình đẳng, hợp tác với kiểm soát, thôn tính, xâm lược.
Bóng ma của những đế quốc cổ xưa đang lù lù trở lại, dưới lớp vỏ mới, chiếc áo mới.
*
Cận cảnh, so với ba mươi năm trước, có phải thế giới hiện nay đang rối tung, hỗn loạn hơn?
Do ai?
Em phải ngẫm đi, để nhận ra, vì nó quá đơn giản để thấy, và vì nó sát sườn liên quan đến cọng rau, hạt gạo, lít xăng... Các nước nhỏ không bao giờ an lành bởi “trò chơi” của vài nước lớn. Đâu đó có quốc gia ngoài miệng luôn phản đối mọi cuộc “đấu nhau” bằng bom đạn, nhưng trong thâm tâm lại muốn cả thế giới tan tành để mình “ngư ông đắc lợi”. Trên đời, mọi chiến lược lớn thì thường âm thầm. Nếu Trái đất này cô đọng lại như một căn nhà thì có những sự phơi bày phải hiểu ở tầng hầm của căn nhà đó. Và có những cú ra đòn không phải bằng nắm tay mà bằng sự... làm thinh!
Cả thiên hạ “đấu” nhau, “đấu” bất cứ nơi nào có thể. “Đấu” từ diễn đàn an ninh Munich đến Shangri - La, gay gắt luôn ở Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Ngay trong các hội nghị về kinh tế, dù ở G7, G20, APEC, BRIC... cũng không loại trừ nỗi ám ảnh về súng đạn, an ninh quốc phòng...
Ngôi trường của em bé Ukraine này vừa bị tên lửa Nga san bằng. Ảnh: AFP
Đến thế kỷ này thì bật ra đủ chủng loại chiến tranh, không còn cái gì không “đấu”, không lên “sàn”. Từ chiến tranh dầu mỏ đẻ ra “con cháu” của nó là chiến tranh sắt thép, chiến tranh đồng thau, chiến tranh bauxit/ nhôm, chiến tranh đất hiếm, chiến tranh nguồn nước, chiến tranh gỗ nguyên liệu, chiến tranh chíp điện tử... Và thương chiến rầm vang: chiến tranh đậu nành, chiến tranh thịt bò, chiến tranh thịt heo, chiến tranh mía đường, chiến tranh lúa mì, chiến tranh trứng gà, chiến tranh cá da trơn, chiến tranh thủy sản, chiến tranh điện thoại, chiến tranh xe điện... Các loại “chiến tranh” này lúc âm thầm, lúc công khai phơi bày.
Ngày nay, đến thường dân mù chữ ở bất cứ hốc xó nào trên địa cầu này cũng có thể nghe cái âm quen: “Trừng phạt kinh tế”.
Mặt đất và bầu trời
Lý thuyết đầu môi: Mọi quốc gia đều là bạn bè, đối tác, huynh đệ, đồng minh, nghĩa tình, trách nhiệm.
Thực tế: Mọi quốc gia đều (có thể) thành đối thủ hay kẻ thù.
Xu thế lạ lùng ở loài người ngày nay.
Lệch một chút về “lợi ích” thì ranh giới kia mờ hoặc xóa đi ngay.
Quy luật ở đời, khi bạn không cho người ta “chơi”, người ta sẽ tìm người khác để “chơi”, cho dù người khác ấy phẩm chất, giá trị không bằng bạn. Mọi động vật đều cần có bạn. Và mọi quốc gia cũng đều như thế. Thánh nhân có bạn bè của thánh nhân và ma quỷ có bạn bè của ma quỷ. Chính xác là “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”.
Thế gian trở thành một “sân khấu”.
Địa chính trị trở thành một “sàn đấu”. Trung Đông, Trung Á, Đông Âu, Nam Mỹ, Đông Nam Á, các đảo quốc ở Thái Bình Dương - nam bán cầu, châu Phi. Lập vùng nhận diện hàng không để xác lập chủ quyền “trên trời”. Và cả Bắc cực. Rồi tăng tốc tranh nhau “vào” các hành tinh khác, nào Mặt trăng, sao Hỏa...
“Sàn đấu” cứ thế sinh sôi thêm, phơi ra hoặc âm ỉ hình thành, ở khắp nơi, mọi lĩnh vực, mọi chuyện. Cứ như không “đấu” nhau con người thấy buồn, stress.
Ghê thật, loài “văn minh”, luôn ăn mặc đẹp và nói đạo lý!
Mặt nước
Không còn hòn đảo nào trên các đại dương của Trái đất này là đảo hoang nữa. Không chỉ đã thuộc làu, mà con người đã sở hữu nó cả rồi, đủ kiểu sở hữu, quốc hữu, tư hữu, chế ngự, khai thác, cùng đủ thứ mưu tính trên nó. Em không thấy loài người đang ứng xử với các đại dương như ứng xử với những cái “ao” sao!?
Ai sẽ nuốt được Biển Đen? Liệu Đại Tây Dương có được trật tự? Ai sẽ chi phối biển Ả Rập? Địa Trung Hải sẽ được chan hòa “xài chung” bởi các nước ven bờ kia? Ai sẽ làm cho Ấn Độ Dương được bình thường nguyên vẹn kỷ cương? Ai sẽ làm cho Thái Bình Dương được... thái bình?
“Bồi” thêm cho nỗi đau của đất liền khi những năm qua, một loạt sàn đấu trên “nước” cũng “nóng” lên với những hợp tác quốc phòng đa phương, nhóm, song phương hình thành ở vùng châu Á, châu Phi, châu Âu, Trung Mỹ và liên châu lục. Kể cả các đảo quốc nhỏ bé thanh bình ở nam Thái Bình Dương cũng bị kéo vào, cũng “loay hoay” chọn phía, chọn phe, chọn nhóm.
Ấy là Liên minh an ninh AUKUS, giữa Mỹ, Anh, Úc. “Bộ tứ kim cương” đối thoại an ninh hàng hải có tên QUAD hình thành giữa Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc.
Một “tay tư” khác giữa Mỹ - Nhật - Úc - Philippines cũng ló dạng.
Một tay ba quân sự hàng hải khác giữa Mỹ - Nhật - Hàn.
Và còn rất... rất nhiều mối hợp tác, liên minh ngang dọc, chồng chéo, to nhỏ, rộng hẹp khác nhau khiến thế giới thoạt nhìn giống như mớ bòng bong chứa trong lòng nó đầy sự bất ổn.
Thế kỷ XXI là thế kỷ của đại dương bởi mặt đất đã quá “cũ”, nhồi qua nhồi lại, chia chác và nát tương cả rồi. Kẻ nào nắm được các đại dương, kẻ đó bá chủ toàn cầu, thống trị nhân loại.
Lòng dạ “mới” của con người
Ô hay, sao nước nào cũng thấy mình (sẽ) bị nước khác “đe dọa” vậy!
Nhiều lúc sự “hợp tác” cứ như là một dạng “giả dối” nào đó nơi khuôn mặt người. Cả nhân loại, ở bất cứ nước nào, những nhóm người đang nắm trong tay quốc gia đều chợt hóa những đứa trẻ đang ôn lại, à không, là hiện thực “trò chơi giả bộ chiến tranh” hồi bé, nhưng kiểu chơi giờ thì gây ra đau khổ thật, cho chúng sinh, nhân loại. Họ cứ giữa giỡn và thật, giữa thị uy với nghiêm túc, giữa tử tế và hung hãn, giữa lo sợ và tham lam, giữa yêu nước với yêu bản thân, giữa nhiệm vụ và tội lỗi, giữa nông nổi và điên rồ. Tất cả chỉ vì chẳng ai tin kẻ văn minh khác... có văn minh, thực thà, không tham lam.
Hơn 6,6 triệu người Syria đã buộc phải rời bỏ đất nước do nội chiến leo thang vào năm 2011, trong đó có cậu bé Alan Kurdi 3 tuổi chết úp mặt trên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Nilüfer Demir
Nhìn ra cách mà một người giàu có, ta sẽ nhận ra con người đó.
Nhìn ra quá trình hình thành lãnh thổ của một quốc gia (bất kỳ nào) ta sẽ biết được tư cách quốc gia ấy cùng con người ở bên trong đó.
Nhìn ra cách để một quốc gia hùng mạnh, sẽ nhận ra tư chất hoặc giá trị của quốc gia đó.
Nhìn ra ánh mắt người dân trong một quốc gia, biết được họ có hạnh phúc, thảnh thơi, tươi vui không.
Chưa bao giờ bom đạn trong thiên hạ nhiều đến thế.
Chưa bao giờ loài người chửi nhau nhiều đến thế, rộng khắp thế, say sưa đến thế, bằng nhiều phương tiện đến thế.
Chưa bao giờ con người ti tiện, trơ trẽn bất chấp, tham vọng, xâm phạm chủ quyền quốc gia khác, phá hoại những giá trị cơ bản của loài người đến mức thế.
*
Giữa trần gian này mà đi tìm những quốc gia lương thiện quả khó. Lương thiện là hình thành không trên cung tên, giáo mác, gươm đao, súng đạn, bom, tên lửa, máy bay không người lái, máu tươi, chết chóc... Cũng có nhà nước lương thiện cho đến thiên niên kỷ này, nhưng mà hiếm lắm, đếm không đầy một bàn tay.
Bản chất thế tục này là “cuộc chơi” phải “đấu”. Cuộc đời mỗi người là cuộc “dạo chơi”, cùng với buộc phải chơi.
Nhưng em chớ có khát khao về một hành tinh nào đó khác Trái đất này là nơi lý tưởng để sống, vì chính các khoa học gia tạo ra tàu vũ trụ để bay đến đó còn không chịu sống nơi ấy mà. Em biết không, ngay cả Donald Trump mà còn nói thẳng:
“Con người tàn ác nhất trong tất cả các loài động vật”. Và người đàn ông ấy cũng cho rằng:“Cuộc đời là một chuỗi trận chiến”.
Trên dòng chảy của dương gian, mỗi cuộc đời chỉ như một chiếc lá trôi trên đó, trôi “tàn nhẫn” bằng thứ thời gian rất ngắn.
Chẳng có ai lột da sống đời được đâu mà cớ sao tranh chấp, hận thù mãi, cứ phải “đấu” suốt đời, đấu bằng trăm năm, ngàn năm...
Nguyễn Hàng Tình - Theo Người Đô Thị