Nguồn: Bret Stephens, “The Biden Presidency: Four Illusions, Four Deceptions,” New York Times, 07/01/2025 - Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Người Mỹ có xu hướng dành tình cảm ưu ái cho các cựu tổng thống. Ngay cả những tổng thống tồi.
Vào thời điểm Richard Nixon qua đời năm 1994, nhiệm kỳ tổng thống của ông được ca ngợi vì đã mở cửa với Trung Quốc và thành lập Cơ quan Bảo vệ Môi trường, nhưng cũng bị bị lên án vì vụ bê bối Watergate. Việc Gerald Ford ân xá cho Nixon từng bị lên án dữ dội là một cuộc mặc cả chính trị bẩn thỉu, nhưng về sau lại được ca ngợi như một ví dụ về tinh thần chính trị vị tha. Danh tiếng được hồi sinh của Jimmy Carter – không chỉ vì cách ông hành xử sau khi hết nhiệm kỳ tổng thống, mà còn vì những hành động của ông khi tại nhiệm – sẽ khiến đất nước từng bỏ rơi ông vào năm 1980 trong bối cảnh lạm phát đình trệ và khủng hoảng con tin phải kinh ngạc.
Liệu Joe Biden có được hưởng một vị trí tương tự trong ký ức quốc gia của chúng ta hay không? Câu trả lời là có thể. Chính quyền của ông cũng có những thành tựu của riêng mình: mở rộng NATO, thông qua dự luật cơ sở hạ tầng lưỡng đảng, bảo vệ Ukraine và Israel, củng cố các liên minh ở Thái Bình Dương.
Nhưng nhiệm kỳ tổng thống của Biden cũng sẽ được ghi nhớ vì bốn ảo tưởng lớn và bốn sự lừa dối nghiêm trọng – và chúng không tốt cho di sản của ông.
Sau đây là các ảo tưởng: thứ nhất, làn sóng di cư tăng đột biến năm 2021 chỉ mang tính mùa vụ (“xảy ra mỗi năm một lần,” như Biden đã nói vào tháng 3); thứ hai, Taliban sẽ không nhanh chóng chiếm Afghanistan (“khả năng Taliban xuất hiện và chiếm đóng toàn bộ đất nước là rất khó xảy ra,” ông nói vào tháng 7); thứ ba, lạm phát chỉ là tạm thời (“Các chuyên gia của chúng ta tin rằng, và dữ liệu cũng cho thấy rằng, hầu hết các đợt tăng giá mà chúng ta đang chứng kiến chỉ là tạm thời,” cũng vào tháng 7).
Ảo tưởng thứ tư, và cũng là quan trọng nhất: ông là ứng viên Dân chủ giỏi nhất có thể đánh bại Donald Trump. “Tôi đã đánh bại ông ấy một lần, và tôi sẽ đánh bại ông ấy lần nữa,” Biden thường nhấn mạnh câu này, ngay cả sau buổi tranh luận thảm họa giữa hai người.
Ảo tưởng cuối cùng là sự tự mãn thái quá. Nhưng ba ảo tưởng trước đó cũng có phần kiêu ngạo, vì Biden đã được cảnh báo rất nhiều lần (kể cả bởi chính tôi) về những sai lầm cơ bản trong từng lập luận của ông. Nhà Trắng đã dành nhiều tháng của năm 2021 để từ chối sử dụng thuật ngữ “khủng hoảng” cho những gì xảy ra ở biên giới – thay vào đó, chỉ gọi đó là một “thách thức.” Các nhà lãnh đạo Lầu Năm Góc đã cảnh báo tổng thống rằng chính phủ Afghanistan sẽ sớm sụp đổ nếu Mỹ rút quân. Biden chỉ nhún vai. Larry Summers lên tiếng về rủi ro lạm phát của gói kích thích trị giá 1,9 nghìn tỷ đô la. Biden cũng bỏ qua điều đó.
Những đánh giá sai lầm đó đã hủy hoại nhiệm kỳ tổng thống của Biden, người chưa bao giờ có tỷ lệ ủng hộ tích cực sau khi rút quân khỏi Afghanistan. Những đảng viên Dân chủ kỳ cựu như Nancy Pelosi đáng lẽ đã có thể tăng cơ hội của đảng mình nếu họ chịu nói chuyện với Joe và Jill Biden về triển vọng tái đắc cử của ông vào mùa xuân năm 2022 thay vì mùa hè năm 2024. Sau cùng, Dean Phillips, cựu Hạ nghị sĩ của Minnesota, đã trở thành cậu bé nói rằng hoàng đế không mặc quần áo. Ai đó nên đề cử ông cho Giải thưởng Lòng dũng cảm của nhà Kenedy (Profile in Courage Award).
Và đằng sau những phán đoán sai lầm là sự lừa dối.
Biden ra tranh cử vào năm 2020 với lời cam kết ngầm định, nhưng vẫn rõ ràng, rằng ông dự định chỉ phục vụ một nhiệm kỳ duy nhất. (“Nếu Biden được bầu, ông ấy sẽ 82 tuổi sau bốn năm nữa,” một cố vấn chiến dịch của ông nói với Politico vào năm 2019, “và ông ấy sẽ không tái tranh cử.”) Ông đã hứa sẽ là một nhân vật lưỡng đảng và ôn hòa tại Nhà Trắng: “Đoàn kết” là chủ đề trong Diễn văn Nhậm chức của ông. Thế rồi, ông, cùng với toàn bộ chính quyền của mình, liên tục khẳng định rằng ông đủ sức khỏe về tinh thần và thể chất để phục vụ nhiệm kỳ thứ hai. Chưa dừng lại, ông còn hứa sẽ không ân xá cho con trai mình là Hunter nếu anh ta bị kết tội.
Trong số những sự lừa dối này, sự lừa dối đầu tiên là điều dễ tha thứ nhất, và cũng là ngu ngốc nhất: Bởi vì quyền lực quá hấp dẫn nên việc tự nguyện từ bỏ nó càng đáng khâm phục. Thế nhưng, quyết định miễn cưỡng vào tháng 7 của Biden về việc không tái tranh cử đã đến quá muộn để chứng tỏ ông là một nhà lãnh đạo thực thụ.
Những sự lừa dối khác thì khó có thể tha thứ hơn. Các cử tri trung dung đã đưa Biden vào Nhà Trắng vì tin rằng ông là lựa chọn an toàn và nhẹ nhàng. Nhưng thay vào đó, ông lại trở thành hình ảnh tái sinh của Lyndon Johnson, với các đề xuất chi tiêu lên tới 7,5 nghìn tỷ đô la – gần gấp đôi số tiền người Mỹ đã chi để giành chiến thắng trong Thế chiến II, sau khi điều chỉnh theo lạm phát. Kế đến, ông lên án “Những người Cộng hòa MAGA” là mối đe dọa đối với “nền tảng của nền Cộng hòa của chúng ta.”
Những đảng viên Cộng hòa MAGA đã phản ứng vào năm sau bằng cách tiếp tục ủng hộ Donald Trump, người mà nhiệm kỳ thứ hai của ông chính là kết quả từ nhiệm kỳ duy nhất của Biden.
Tệ nhất là hai sự lừa dối sau cùng. Tháng trước, tờ Wall Street Journal đã công bố một báo cáo toàn diện và ảm đạm về tình hình sức khỏe đang suy yếu của tổng thống. Tờ báo trích dẫn hồi tưởng của một cựu trợ lý về điều một quan chức an ninh quốc gia từng nói vào mùa xuân năm 2021, “Ông ấy có ngày tốt và ngày xấu, và hôm nay là một ngày xấu nên chúng ta sẽ giải quyết vấn đề này vào ngày mai.” Có lẽ tổng thống đã không nhận ra sức khỏe của mình đang suy yếu, vì vậy sự lừa dối có thể không phải do ông. Nhưng toàn bộ đội ngũ nhân viên cấp cao của ông hẳn phải nhận ra điều đó, và như tờ báo nhận định, họ đã lợi dụng điều đó để tăng cường quyền lực của chính mình. Đây là một vụ bê bối quốc gia xứng đáng được quốc hội điều tra.
Còn Hunter thì sao? Tình yêu của một người cha thật đáng ngưỡng mộ. Nhưng lời nói dối của một tổng thống thì không. Trong một trong những hành động chính trị lớn cuối cùng khi còn tại vị, Joe Biden đã quên mất mình là ai. Nhưng dường như ông đã quên mất mình là ai từ nhiều năm trước rồi. Và lịch sử có lẽ sẽ không tử tế đến vậy.
Bret Stephens là người phụ trách chuyên mục Bình luận trên tờ New York Times, chuyên viết về chính sách đối ngoại, chính trị nội bộ Mỹ, và các vấn đề văn hóa.
Theo Nghiên Cứu Quốc Tế