Trái ngược với hiện trạng nhà phố cho thuê đang ế ẩm, các trung tâm thương mại tại Hà Nội và TP HCM lại đang hoạt động tương đối tốt với tỷ lệ lấp đầy duy trì ở mức cao, giá tăng liên tục.
Giá thuê trung tâm thương mại tăng liên tục
Báo cáo mới nhất của CBRE chỉ ra, năm 2023, thị trường bán lẻ Việt Nam chào đón nhiều dự án mở mới và dự kiến năm 2024 cũng sẽ là một năm nhộn nhịp của thị trường bán lẻ với 5 dự án mở mới tại Hà Nội (tổng diện tích cho thuê gần 40,000 m2). Trong khi đó, tại TP HCM sẽ có hai trung tâm thương mại quy mô lớn khai trương với tổng diện tích cho thuê của cả hai dự án gần 70.000 m2.
Theo CBRE, thị trường bất động sản (BĐS) bán lẻ tại Hà Nội và TP HCM tiếp tục duy trì mức tăng trưởng tốt về giá thuê. Trong năm 2023, giá thuê tại các vị trí đắc địa tiếp tục tăng nhờ sự gia nhập và mở rộng tích cực của các nhãn hàng cao cấp và hạng sang.
Tại Hà Nội, giá thuê tầng trệt tại khu vực trung tâm ở mức 162 USD/m2/tháng, tăng 13% so với năm trước. Tại TP HCM, giá thuê trung bình khu vực trung tâm gần ngưỡng 240 USD/m2/tháng, tăng 6% so với năm trước. Hầu như không có diện tích bán lẻ trống tại khu vực trung tâm ở cả hai thành phố.
Tại khu vực ngoài trung tâm, các dự án mới khai trương tại Hà Nội nâng mức giá thuê trung bình lên hơn 30 USD/m2/tháng, tăng 12% so với năm trước. Trong khi đó tại TP HCM, nguồn cung khan hiếm giúp mức giá thuê khu vực ngoài trung tâm tăng mạnh lên 51 USD/m2/tháng, tăng 28% so với năm trước.
Trong năm 2023, giá thuê tại các vị trí đắc địa tiếp tục tăng nhờ sự gia nhập và mở rộng tích cực của các nhãn hàng cao cấp và hạng sang. (Ảnh minh họa)
Tỷ lệ lấp đầy trung bình toàn thị trường Hà Nội đạt 88%, tăng 1 điểm phần trăm so với năm trước. Tại TP HCM, tỷ lệ lấp đầy trung bình toàn thị trường xấp xỉ 91%, tăng 2 điểm phần trăm so với năm trước.
Nhận xét về nguồn cầu tác động đến thị trường bán lẻ, bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, phó giám đốc bộ phận Nghiên cứu và tư vấn, CBRE Việt Nam cho rằng: “Ngược lại với hiện trạng nhà phố cho thuê đang ế ẩm, các trung tâm thương mại lại đang hoạt động tương đối tốt với tỷ lệ lấp đầy duy trì ở mức cao.
Các thương hiệu bán lẻ nước ngoài, đặc biệt là các thương hiệu cao cấp và hạng sang trong năm vừa qua đa số ghi nhận doanh thu khá tốt tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương so với các khu vực khác, do vậy tiếp tục mở rộng cửa hàng. Trong khi đó, mặt bằng bán lẻ cho thuê có chất lượng cao và vị trí đắc địa tại Việt Nam vẫn còn khan hiếm.
Tăng trưởng doanh thu bán lẻ Việt Nam đạt 9,6% trong năm 2023, thấp hơn mức tăng trưởng 19,8% khu vực. Tuy nhiên, đây vẫn là mức tăng trưởng tích cực so với nhiều quốc gia khác trong 2023, chúng tôi ghi nhận sự gia nhập và mở rộng tích cực của các ngành hàng như F&B, vui chơi giải trí và thời trang tại hai thành phố lớn là Hà Nội và HCM”.
Nhà phố ế ẩm
Đối với thị trường nhà phố, khảo sát thực tế tại TP HCM và Hà Nội – hai thị trường BĐS lớn nhất cả nước, hình ảnh biển rao bán nhà – đất, sang nhượng mặt bằng xuất hiện khắp các tuyến phố của quận trung tâm gần về dịp cuối năm.
Ở TP HCM, loạt mặt bằng ở lô góc giao giữa đường Lý Tự Trọng và Trương Định, nơi từng được coi là vị trí đắc địa bậc nhất ở phường Bến Thành (Quận 1) biển rao bán, cho thuê nhà nguyên căn được dán la liệt. Trong khi đó, nhiều tuyến phố đắt đỏ và sầm uất bậc nhất tại TP HCM cũng xuất hiện tình trạng rao bán nhà, cho thuê lại mặt bằng với giá giảm theo theo thời gian nhưng vẫn chưa có người mua, thuê.
Loạt mặt bằng ở lô góc giao giữa đường Lý Tự Trọng và Trương Định, nơi từng được coi là vị trí đắc địa bậc nhất ở phường Bến Thành (Quận 1) biển rao bán, cho thuê nhà nguyên căn được dán la liệt.
Tại Hà Nội, tình trạng biển rao bán nhà, cho thuê lại mặt bằng cũng xuất hiện khắp nơi. Thậm chí trên nhiều tuyến phố cổ, nơi có giá thuê mặt bằng và giá đất đắt đỏ bậc nhất cả nước cũng xuất hiện tình trạng tương tự. Khảo sát nhiều tuyến phố chính như Cầu Giấy, Chùa Bộc, Giải Phóng, Đại La,…số lượng biển rao bán nhà, đất gần về cuối năm cũng xuất hiện ngày càng nhiều.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP HCM, 6 tháng đầu năm 2023, hoạt động thị trường BĐS tăng trưởng âm (giảm 11,58%) so với cùng kỳ, tính riêng quý I giảm 16,2% trong khi doanh thu từ BĐS giảm 8,3% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, Viện Nghiên cứu kinh tế - tài chính - bất động sản Đất Xanh Services khẳng định, thị trường BĐS trong Quý III/2023 và 9 tháng năm 2023 chưa có dấu hiệu khởi sắc. Nguồn cung và tỷ lệ hấp thụ trong Quý III/2023 vẫn giảm sâu so với cùng kỳ năm 2022. Nguồn cung sơ cấp (từ chủ đầu tư) đạt khoảng 38.000 sản phẩm, trong đó 90% đến từ các dự án hiện hữu (hàng tồn), chỉ 10% là nguồn cung mới.
Lượng tin rao bán nhà đất và mức độ quan tâm năm 2023 đều tiếp tục giảm sút so với cùng kỳ năm 2022
Batdongsan.com.vn cũng nhận định, lượng tin rao bán nhà đất và mức độ quan tâm năm 2023 đều tiếp tục giảm sút so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, với loại hình đất nền, mức độ quan tâm tìm kiếm cũng như số lượng giao dịch giảm mạnh.
Còn thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) chỉ ra, 5 tháng đầu năm 2023, 554 doanh nghiệp BĐS giải thể, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung, cả nước có trên 95% doanh nghiệp BĐS phải thu hẹp quy mô lao động.
Do đó, để đảm bảo an toàn trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh khó khăn, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế kém, các nhà đầu tư cho biết họ sẽ thận trọng hơn trong việc lựa chọn và tính toán, khai thác các gói vay tài chính cho các tài sản “gửi gắm” cũng như sẽ không tất tay vào các kênh đầu tư nhà, đất thời điểm hiện tại…
Lộc Liên - Theo Tiền Phong