Trong cuộc trao đổi với ĐTTC về thị trường tài chính, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, đã nhấn mạnh thị trường trái phiếu (TPDN) có vai trò hết sức quan trọng cho phát triển kinh tế.
Đây là thị trường để DN huy động vốn trung hạn, dài hạn, bảo đảm thanh khoản cho nền kinh tế, giảm áp lực cung ứng vốn cho thị trường tiền tệ. Có 2 khu vực phát hành TPDN nhiều nhất là bất động sản (BĐS) và ngân hàng (NH). NH phát hành TP không phải để kinh doanh mà để tăng vốn điều lệ. Còn DN BĐS phát hành để đầu tư kinh doanh, mà đầu tư vào lúc thị trường đi xuống rất nguy hiểm.
Nhìn lại giai đoạn “suy sụp” của thị trường TPDN và những vụ việc xảy ra vào thời điểm cuối năm 2022, TS. Nghĩa nhớ lại lúc đó cả thị trường lo ngại và cùng chung lo lắng đến năm 2023 liệu có gì xảy ra tiếp theo?
Nhưng Chính phủ phản ứng kịp thời và đã vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt. Chính phủ đã đưa ra quyết sách chưa từng có trong tiền lệ, cho phép giãn, hoãn nợ TP và cho hoán đổi tiền hàng, tức cho phép hoán đổi TP lấy sản phẩm là BĐS hoặc thứ khác. Hành động của Chính phủ đã tạo ra niềm tin với thị trường, ít nhất NĐT không thấy cô đơn bị bỏ rơi trên một thị trường tàn khốc như vậy.
Theo thông tin từ Vụ Tài chính các NH và các tổ chức tài chính (Bộ Tài chính), nếu như quý I-2023 không có đợt phát hành nào, thì từ quý II trở đi DN đã quay lại phát hành. Đến hết tháng 11-2023 có 77 DN phát hành khối lượng khoảng 220.000 tỷ đồng. DN và trái chủ đã rất nỗ lực thực hiện đàm phán thanh toán TP đến hạn. Với khoảng 40% khối lượng TP chậm trả của 68 DN, đến nay đã có phương án đàm phán. Những DN bố trí được nguồn lực tài chính đã chủ động mua lại TP trước khi đến hạn.
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho rằng khi kinh tế phục hồi, DN càng cần vốn, TPDN càng trở nên quan trọng. Vì thế thời gian tới cần có giải pháp phù hợp nhằm phát triển thị trường bền vững, minh bạch, hiệu quả, vừa tạo kênh huy động vốn cho DN, vừa đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế, và từng bước phát triển cân bằng giữa thị trường vốn và thị trường tín dụng NH.
Theo các chuyên gia trước hết phải hoàn thiện pháp luật. Thứ hai phải đồng bộ chính sách mới tháo gỡ được các khó khăn của thị trường. Muốn gỡ được thị trường TP phải gỡ được thị trường BĐS. Thứ ba phải bỏ rào cản lớn nhất hiện nay, đó là hình thức phát hành. Thống kê sơ bộ cho thấy 90% TPDN là phát hành riêng lẻ và chỉ có 10% phát hành ra công chúng. Cấu trúc này rất mất cân đối.
Thứ tư, rất quan trọng đó là đa dạng hóa sản phẩm. Trên thị trường cơ bản chỉ có mỗi TPDN, còn thiếu vắng TP xanh, TP công trình, TP bền vững, TP xã hội… Bên cạnh đó là đa dạng hóa NĐT, nhất là NĐT tổ chức, NĐT chuyên nghiệp. Cần thúc đẩy để có nhiều NĐT tổ chức hơn, đặc biệt là quỹ đầu tư. Tiếp đó là tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát.
Hy vọng các giải pháp mà các chuyên gia đề xuất sớm được đưa ra để thị trường phục hồi mạnh hơn, nhanh hơn. Nói như TS. Nghĩa: “Khả năng phục hồi đã thấy như hình chữ U, song phải cố gắng để sự phục hồi theo hình chữ V. Hy vọng các tập đoàn BĐS lớn đứng vững, thị trường sẽ sớm phục hồi nhanh hơn".
HÀ LINH (ghi) - Theo SGGP