Nguồn: James Palmer, “5 Predictions for China in 2025,” Foreign Policy, 31/12/2024 - Biên dịch: Tạ Kiều Trang
Từ cuộc chiến thương mại đang âm ỉ đến những cơ hội trên trường quốc tế, dưới đây là những vấn đề mà chúng tôi quan tâm trong năm tới.
Năm qua là một năm tương đối yên bình nhưng cũng khá ảm đạm đối với Trung Quốc. Nhưng 2025 có thể sẽ sóng gió hơn nhiều, đặc biệt là trong các xung đột với Mỹ. Đại dịch COVID-19, khởi phát cách đây gần năm năm, cho thấy rằng một đất nước với 1,4 tỷ dân luôn tiềm ẩn những điều khó lường. Sự trở lại của Donald Trump, một người với tính khí thất thường, càng làm tăng thêm yếu tố bất định.
Dù vậy, chúng ta vẫn có thể đặt ra một vài kỳ vọng; dưới đây là năm dự đoán về Trung Quốc trong năm 2025.
Một cuộc chiến thương mại khốc liệt
Giới lãnh đạo Bắc Kinh đã sẵn sàng cho một cuộc đối đầu kinh tế khốc liệt khi Donald Trump bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của mình và cam kết áp dụng mức thuế quan lên tới 60 – 70% đối với Trung Quốc. Phải nói rằng, Trump thường đưa ra nhiều lời đe dọa và hứa hẹn nhưng không mấy khi biến chúng thành hiện thực, tuy nhiên thuế quan vẫn là một nguyên tắc cốt lõi của Trump – và có rất nhiều người cùng tư tưởng này đã được bổ nhiệm vào chính quyền mới.
Nền kinh tế sản xuất của Trung Quốc hiện đang thừa công suất nghiêm trọng. Ngay cả khi Mỹ phải đối mặt với lạm phát và thiếu các nhà cung cấp thay thế Trung Quốc, việc mất đi một phần lớn thị trường Mỹ sẽ là một vấn đề lớn đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, lần này Trung Quốc có nhiều lựa chọn hơn – nhất là sau đại dịch cho thấy vai trò mạnh mẽ của các chuỗi cung ứng Trung Quốc trong nền kinh tế Mỹ.
Mặc dù Washington đang tích cực thực hiện chiến lược “chuyển dịch sản xuất sang các nước bằng hữu” (friend-shoring) và tăng cường chuỗi cung ứng, Bắc Kinh vẫn nắm trong tay nhiều đòn bẩy tiềm năng. Như nhà kinh tế Lizzi C. Lee đã nhận xét trong Foreign Policy, Trung Quốc đang thử nghiệm các biện pháp đối phó nhắm vào các công ty Mỹ và có thể hành động quyết liệt để đáp trả các kế hoạch tổng thể của Trump.
Không nên đánh giá quá cao kế hoạch của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Cuộc khủng hoảng kinh tế không làm thay đổi cam kết của ông với nền kinh tế chỉ huy (directed economy) và sự ngần ngại của các quan chức trong việc phản đối Tập. Sau hai năm giá xuất xưởng giảm, nền kinh tế tiêu dùng đứng trên bờ vực, nắm bắt của Tập về các vấn đề kinh tế có vẻ không vững: Tập được cho là đã nói rằng ông không thấy giảm phát có gì quá nghiêm trọng.
Bất mãn âm ỉ trong lòng dân
Trớ trêu thay, thuế quan của Trump có thể lại giúp ích cho Tập. Thuế quan khó có thể khiến Bắc Kinh thay đổi cách nhìn về nền kinh tế như một số nhà kinh tế học Trung Quốc đã kỳ vọng, nhưng có thể trở thành một cái cớ dễ dàng để đổ lỗi.
Sự bất mãn trong cộng đồng ngày càng tăng trong bối cảnh nền kinh tế giảm tốc, nhất là khi giới trẻ đang vật lộn với tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục và phải sống dưới một chính quyền áp bức. Như mọi khi, nỗi bất an đã khiến nhiều người trẻ tìm kiếm các công việc nhà nước, nhưng ngay cả những công việc được xem là “bát ăn cơm bằng sắt” nay cũng không còn được đảm bảo nữa.
Những phong trào như “nằm thẳng” – tức từ bỏ công việc hoặc tham vọng – thường có tính chu kỳ trong giới trẻ Trung Quốc. Tuy nhiên, sự cay đắng và hoài nghi dường như đặc biệt phổ biến hiện nay khi những người có lý tưởng tìm cách rời bỏ đất nước khi có thể.
Vấn đề không chỉ nằm ở nền kinh tế. Vào năm 2020, thời điểm cả nước Trung Quốc đoàn kết lại và tưởng như đã đánh bại được COVID-19, đại dịch làm chao đảo cả thế giới, thì hai năm tiếp theo với các đợt phong tỏa lại khiến nhiều người như vỡ mộng.
Mặc dù vậy, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã cản trở thành công xã hội dân sự và mọi kênh bày tỏ bất mãn chính trị, lấy những người đã lên tiếng phản đối vào năm 2022 ra làm gương. Xét thấy bất mãn kinh tế từng dẫn đến các cuộc biểu tình lớn trong quá khứ, chính quyền có lẽ sẽ vui vẻ đổ lỗi cho Mỹ nếu tình hình tiếp tục xấu đi.
Khủng hoảng chính quyền địa phương
Suy giảm kinh tế đẩy các cấp chính quyền địa phương của Trung Quốc vào tình trạng khó khăn khi họ phải đối mặt với vấn đề từ các khoản nợ khổng lồ. Những năm đại dịch đã gây khó khăn cho ngân sách địa phương, vì các biện pháp phong tỏa không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn rất tốn kém để duy trì.
Thêm vào đó, doanh thu từ việc bán đất chiếm một phần lớn ngân sách chính quyền địa phương, nhưng các nhà phát triển bất động sản hiện không còn mua đất nữa do bong bóng bất động sản Trung Quốc đang dần vỡ. Doanh thu từ việc bán đất của các chính quyền địa phương đã giảm hơn 22% trong năm nay, tiếp tục đà giảm đã kéo dài trong nhiều năm.
Các chính quyền địa phương đang chuyển sang các biện pháp cấp thiết để tiết kiệm ngân sách. Một số nơi trì hoãn trả lương – điều thường thấy ở các doanh nghiệp tư nhân gặp khó khăn tài chính, nhưng trước đây ít xảy ra trong bộ máy nhà nước. Những nơi khác lại đang thực hiện các hoạt động mang tính cưỡng đoạt.
Một vấn đề đáng báo động là trong thời kỳ bùng nổ kinh tế, nhiều khoản nợ địa phương tích lũy mà không qua phê duyệt, dẫn đến tình trạng ngay cả chính quyền trung ương cũng không thể đánh giá hết mức độ nghiêm trọng của vấn đề cũng như dư địa tài khoá hiện có. Bắc Kinh cố gắng đưa ra một giải pháp cứu vãn, nhưng các quan chức địa phương sẽ nhanh chóng tìm cách che đậy những khoản nợ dính líu đến tham nhũng, tránh để chính quyền trung ương chú ý đến.
Tình trạng căng thẳng ở cấp địa phương ảnh hưởng trực tiếp lên đời sống người dân Trung Quốc – từ việc dịch vụ công bị đình trệ cho đến việc quan chức tận dụng các cơ hội cưỡng đoạt nhỏ lẻ để duy trì. Năm 2025, những diễn biến khó lường có thể dẫn đến làn sóng phẫn nộ tại địa phương, thậm chí kích động các cuộc biểu tình đột ngột trở thành tâm điểm.
Cơ hội toàn cầu
Trung Quốc nhận được tin vui trên trường quốc tế. Chính quyền mới của ông Trump đã bày tỏ rõ thái độ không ủng hộ đối với các tổ chức quốc tế, đặc biệt là những tổ chức thuộc Liên Hợp Quốc. Chẳng hạn, họ cam kết sẽ rút ngay khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Chính quyền Trump lập luận rằng Trung Quốc đang chi phối quá nhiều các tổ chức này – và họ hy vọng rằng việc dọa rút lui sẽ buộc các bên đưa ra nhượng bộ. Song, mỗi một lần Washington tự loại mình ra khỏi các tổ chức quốc tế, cơ hội cho Bắc Kinh lại thêm phần rộng mở.
Quy mô lớn của Trung Quốc khiến việc chỉ trích nước này trong các diễn đàn đa phương trở nên khó khăn. Chiến lược của Trung Quốc trong các tổ chức quốc tế được triển khai một cách bài bản và kiên nhẫn – sự tương đồng về mặt thể chế giữa bộ máy hành chính toàn cầu và cơ chế quản trị của Trung Quốc còn tạo thêm điều kiện cho các nhà ngoại giao của Bắc Kinh.
Trung Quốc cũng ngày càng có khả năng tự khẳng định mình là một lực lượng ổn định và bền vững, đối lập với một nước Mỹ hỗn loạn – vị thế này đã giúp Trung Quốc đàm phán thành công các thỏa thuận tại Hội nghị Biến đổi Khí hậu COP29 của Liên Hợp Quốc năm nay.
Đặt PLA dưới sự kiểm soát
Quân đội Trung Quốc vừa gây chú ý với màn phô diễn hoành tráng về mẫu máy bay tiêm kích thế hệ thứ sáu có thể sắp được ra mắt. Tuy nhiên, Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) có thể sẽ không được trải nghiệm nhiều trang thiết bị mới vào năm 2025 – và thậm chí ít có cơ hội sử dụng chúng trong thực chiến.
Đã 45 năm trôi qua kể từ lần cuối Trung Quốc tham chiến, và có thể dự đoán rằng khoảng thời gian này sẽ tiếp tục kéo dài: Bắc Kinh còn đang đối mặt với các vấn đề trong nước, do đó khả năng can thiệp quân sự bên ngoài có vẻ sẽ ít xảy ra hơn trong năm 2025, dù cho ngôn ngữ của Bắc Kinh có thể mang tính khiêu khích khi Trump bước vào nhiệm kỳ thứ hai.
Tuy nhiên, một rào cản lớn hơn lại là các cuộc thanh trừng tham nhũng trong quân đội Trung Quốc đã diễn ra trong suốt cả năm qua. Không chỉ thay thế lãnh đạo, PLA còn có động cơ mạnh mẽ để tránh xung đột, bởi một cuộc xung đột có thể làm lộ ra những tham nhũng ở mức độ nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như thiếu đạn dược, nhiên liệu hay trang thiết bị kém chất lượng.
Về lý thuyết, chiến dịch chống tham nhũng có thể tạo ra một quân đội mạnh mẽ và toàn năng hơn cho các cuộc xung đột trong tương lai. Nhưng năm tới có thể sẽ là một năm yên bình. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là sẽ không có nguy cơ – đặc biệt là tại Biển Đông – bất kỳ cuộc xung đột nào cũng có thể phát sinh từ một va chạm ngoài ý muốn và cần phải được tháo gỡ kịp thời.
Theo Nghiên Cứu Quốc Tế