Để bớt lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch thì khai thác năng lượng Mặt từ lâu đã là một giải pháp quan trọng. Nhưng việc này trước giờ chỉ thường làm trên mặt đất và bị gián đoạn bởi chu kỳ ngày đêm và thời tiết. Muốn thoát khỏi các hạn chế đó, chúng ta cần phải thu năng lượng Mặt trời ngay từ trên quỹ đạo.
Trong năm nay, Viện thí nghiệm Không gian Nhật Bản (JSS) tính phóng lên quỹ đạo Trái đất thấp một vệ tinh trình diễn nhỏ nặng 180 kg và có thể truyền 1 kilowatt điện xuống đất từ độ cao 400 km, gần bằng Trạm ISS. Để nạp pin, nó sẽ được trang bị một tấm pin quang điện rộng 2 mét vuông. Tiếp đó năng lượng này sẽ được chuyển đổi thành vi sóng và chiếu tới các ăng-ten đặt trên mặt đất.
Vì vệ tinh bay nhanh tới 28 ngàn km/giờ, nên về lý thì các ăng-ten sẽ phải trải dài suốt hàng chục km và mỗi cái cách nhau 5 km. Nhưng trước mắt thì họ chỉ lắp đặt 13 ăng-ten trải rộng trên một khu vực rộng 600 mét vuông ở thành phố Suwa. Chúng sẽ thu sóng từ vệ tinh rồi chuyển đổi thành 1 kilowatt điện, chỉ đủ cho một máy rửa chén nhỏ chạy trong 1 tiếng bởi sứ mệnh này chỉ mới mang tính trình diễn.
Ý tưởng thu năng lượng Mặt trời trên không gian rồi truyền về Trái đất đã được đề xuất từ năm 1968 bởi nhà khoa học Peter Glaser, nhưng chẳng khả thi do công nghệ lúc đó không cho phép. Cho tới nay, dù công nghệ đã phát triển rất nhiều thì chi phí vẫn là một rào cản lớn. Mới đây NASA ước tính rằng các hệ thống thu năng lượng Mặt trời trên quỹ đạo có thể tốn 61 cent cho mỗi kilowatt-giờ, mắc hơn 10 lần so với năng lượng Mặt trời hoặc năng lượng gió trên mặt đất, chỉ tốn 5 cent cho mỗi kilowatt-giờ.
Theo JSS thì việc truyền sóng về mặt đất sẽ mất vài phút, nhưng khi vệ tinh hết pin thì phải sạc lại trong mấy ngày. Họ cho biết đã sắp lịch phóng vào một thời điểm nào đó sau tháng 4. Nếu vệ tinh nhỏ này thành công, Nhật Bản sẽ phóng những vệ tinh lớn có thể truyền về nhiều năng lượng hơn.
Theo Zme Science, Space.