Các trường mẫu giáo ở Đức đang đối mặt với khủng hoảng nghiêm trọng do thiếu hụt nhân viên, ảnh hưởng đến phụ huynh, năng suất lao động và triển vọng của thế hệ tương lai.
Tình trạng quá tải tại Đức đang buộc nhiều trung tâm phải đóng cửa, khiến phụ huynh gặp khó khăn trong việc cân bằng gia đình – công việc và trẻ em chịu thiệt thòi. Rahel Dreyer, một trong những chuyên gia hàng đầu của Đức về giáo dục mầm non, cho biết: “Tình hình chưa bao giờ đáng báo động đến vậy”.
Chi phí chăm sóc trẻ tại Đức thuộc hàng thấp nhất trong các nước phát triển (0 đến 1.200 euro/tháng). Nhưng hệ thống chăm sóc trẻ đang đối mặt với áp lực lớn do thiếu hụt nhân lực. Theo báo cáo được công bố vào tháng 6/2024 bởi Hiệp hội Paritätische Gesamtverband, hiện Đức cần thêm khoảng 125.000 lao động trong lĩnh vực này, dù đã có gần 900.000 chuyên gia được đào tạo.
Tình trạng này làm gia tăng căng thẳng cho đội ngũ hiện tại, dẫn đến tỷ lệ nghỉ ốm cao, trung bình 30 ngày/năm, vượt xa mức bình quân toàn quốc là 20 ngày.
Trong năm 2023, chính phủ Đức đã chi 46 tỷ euro, tương đương 1,2% GDP, để mở rộng hệ thống chăm sóc trẻ, tăng đáng kể so với 0,7% GDP năm 2009. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng những biện pháp này chưa đủ để giải quyết vấn đề.
Một số bang như Bắc Rhine-Westphalia đã thử nghiệm cho phép nhân viên trông tối đa 60 trẻ với sự hỗ trợ của các chuyên gia ngoài ngành như nhạc sĩ hay thợ thủ công. Dù vậy, điều này làm dấy lên lo ngại về chất lượng chăm sóc và độ tin cậy của hệ thống.
Phụ nữ là nhóm chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ cuộc khủng hoảng này. Đức có tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động cao nhất châu Âu (76%), nhưng đa phần làm bán thời gian. Chỉ 27% phụ nữ có con dưới 6 tuổi làm việc toàn thời gian, dẫn đến thu nhập thấp và ảnh hưởng đến lương hưu.
Mirjam Hock, một bà mẹ đi làm có con 18 tháng tuổi sống tại thành phố Augsburg, cho biết: “Điều đầu tiên tôi làm mỗi sáng là kiểm tra điện thoại và xem có tin nhắn nào từ phía trường không. Chúng tôi nhận được tin nhắn khoảng hai lần một tháng, trong đó họ yêu cầu chúng tôi đón con sớm hoặc hỏi ‘con bạn có thể ở nhà không?’”.
Một số doanh nghiệp tư nhân đã đưa ra giải pháp riêng như tài trợ các trung tâm chăm sóc trẻ hoặc cung cấp dịch vụ tại chỗ, nhưng không thể đáp ứng nhu cầu của tất cả các gia đình.
Cuộc khủng hoảng không chỉ ảnh hưởng đến phụ huynh và nhân viên, mà còn đe dọa tương lai của trẻ em, đặc biệt là những em sống trong hoàn cảnh khó khăn. Chất lượng giáo dục mầm non trong những năm đầu đời có tác động quan trọng đến sự phát triển của trẻ. Theo chuyên gia Rahel Dreyer, những thiếu sót của hệ thống chăm sóc trẻ đã gây ra “hậu quả nghiêm trọng cho trẻ em, cha mẹ và cả xã hội”.
Với tình trạng thiếu hụt nhân lực lan rộng cả trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và người cao tuổi, việc cải thiện hệ thống mẫu giáo sẽ cần nhiều giải pháp quyết liệt hơn để đảm bảo tương lai cho thế hệ trẻ và xã hội Đức.
Theo Financial Times
Anh Dũng - Theo Nhịp Sống Thị Trường