Hệ thống thương mại nội vùng châu Á sau này bị phá vỡ khi các thương thuyền lớn từ châu Âu đi tới cùng sự nổi lên của các thị trường từ các vùng xa xôi khác trong thế kỷ 18-19.
Dịch chuyển hướng nội vùng
Theo The Economist, một sự dịch chuyển lớn khác đang diễn ra ở khu vực lúc này. Mô hình "Nhà máy châu Á" cuối thế kỷ 20 đã sản xuất phần lớn hàng hóa cho thị trường Mỹ và châu Âu, mang lại thịnh vượng cho các nền kinh tế Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.
Nửa thế kỷ vừa qua, các nền kinh tế Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và gần đây là Trung Quốc đã trở thành trung tâm của các hệ thống sản xuất và xuất khẩu ra khắp thế giới, đặc biệt là các thị trường phương Tây. Hàng triệu người châu Á thoát đói nghèo nhờ mô hình này, và nhiều người đã trở nên giàu có.
Năm 1990, chỉ 46% thương mại của châu lục diễn ra nội khối, còn lại phần lớn hướng tới thị trường phương Tây. Tới năm 2021, con số này đã là 58%, tiến gần mức 69% của châu Âu.
Thương mại tăng dẫn tới tăng dịch chuyển dòng vốn nội vùng, giúp gắn kết các nước hơn. Kỷ nguyên mới của thương mại châu Á đã bắt đầu và dự kiến sẽ định hình lại tương lai kinh tế và chính trị khu vực.
Kỷ nguyên này bắt đầu bằng sự xuất hiện các chuỗi cung ứng phức tạp ở Nhật những năm 1990, rồi sau đó là Trung Quốc. Các sản phẩm trung gian - linh kiện để lắp ráp sản phẩm cuối cùng - bắt đầu được giao dịch với khối lượng lớn trong khu vực, tiếp theo là dòng đầu tư FDI. Các nhà đầu tư châu Á giờ chiếm tới 59% FDI khu vực (chưa tính nguồn từ hai trung tâm tài chính Hong Kong, Singapore), so với 48% năm 2010.
Ảnh hưởng của các nước phương Tây cũng đang giảm dần. Điều tra gần đây của Viện ISEAS-Yusof Ishak (Singapore) trong nhóm các nhà nghiên cứu, giới kinh doanh và chính sách ở Đông Nam Á cho thấy 32% đánh giá Mỹ có ảnh hưởng chính trị lớn nhất khu vực, nhưng chỉ 11% coi nước này có ảnh hưởng lớn nhất về kinh tế.
Đầu tư từ Trung Quốc qua sáng kiến Vành đai con đường đã gây ảnh hưởng, cùng viện trợ và đầu tư ngày càng tăng từ Nhật và Hàn Quốc.
Và xu hướng này vẫn đang tăng tốc. Với quan hệ Mỹ - Trung ngày càng suy giảm, các tập đoàn trong khu vực từng phụ thuộc vào nhà máy ở đại lục giờ đang nghiên cứu phương án khác tại Ấn Độ và Đông Nam Á.
Vì ít lãnh đạo tập đoàn nghĩ tới việc bỏ thị trường Trung Quốc hoàn toàn, điều này đồng nghĩa ở châu lục sẽ có hai chuỗi cung ứng vận hành song song. Các hiệp định thương mại thúc đẩy quá trình này nhanh hơn.
Ảnh: Shutterstock
Dòng vốn đầu tư mới
Nhu cầu thiết lập chuỗi cung ứng đồng nghĩa đầu tư nội khối vào các mảng vận tải và logistics sẽ tăng, theo Sabita Prakash của hãng tín dụng ADM Capital. Việc kết nối nhà đầu tư với các dự án đang cần tín dụng vẫn là hoạt động nhiều tiềm năng ở châu Á.
Quy mô thị trường tín dụng tư nhân ở Đông Nam Á và Ấn Độ đã tăng khoảng 50% trong giai đoạn 2020-2022, lên gần 80 tỉ USD.
Thay đổi về cách tiết kiệm cùng cơ cấu dân số cũng thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế. Trung Quốc, Hong Kong, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan đều đã vươn lên trong danh sách đầu tư toàn cầu, một số trở thành những nhà đầu tư lớn nhất.
Những nền kinh tế giàu mà già hơn của châu lục đã xuất khẩu lượng vốn đáng kể sang phần còn lại, với dòng tiền chạy theo những liên kết thương mại mới được thiết lập.
Năm 2011, các nền kinh tế giàu và già hơn của châu Á có khoảng 329 tỉ USD (theo tỉ giá hiện nay) đầu tư vào các nền kinh tế trẻ và nghèo hơn như Bangladesh, Campuchia, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan. Sau một thập niên, con số đó đã tăng lên thành 688 tỉ USD.
Ở Ấn Độ và các nước Đông Nam Á, "đô thị hóa vẫn đang diễn ra, và dòng vốn sẽ theo các xu hướng này", Raghu Narain của ngân hàng đầu tư Natixis, nói. Các thành phố lớn hơn đòi hỏi nhiều đầu tư hơn về hạ tầng và các công ty mới phù hợp hơn với đời sống đô thị.
Hoạt động M&A xuyên biên giới tại châu Á đang thay đổi, theo ông Narain, theo hướng giống ở châu Âu và Bắc Mỹ hơn. Ngay kể cả khi hoạt động M&A tại Trung Quốc chậm lại thì ở các khu vực khác lại đang nhộn nhịp hơn.
Các ngân hàng Nhật, do lãi suất quá thấp và kinh tế trong nước tăng trưởng chậm, đang rất săn đón các hợp đồng mua bán. Hơn một năm qua, Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui và MUFG đã mua một loạt công ty ở Indonesia, Philippines và Việt Nam.
Cùng lúc, thị trường tiêu dùng châu Á tăng cũng khiến nền kinh tế này hấp dẫn hơn với bên ngoài. Trong khi 70% hàng tiêu dùng tại châu Âu là nhập khẩu nội vùng thì tỉ lệ này ở châu Á mới là 44%. Tỉ lệ này dự kiến sẽ thay đổi.
Ảnh: Getty Images
Theo World Data Lab, trong năm tới có khoảng 113 triệu người tham gia vào tầng lớp tiêu dùng toàn cầu (chi tiêu hơn 12 USD/ngày theo tỉ giá năm 2017) và 91 triệu trong số này là ở châu Á.
Kể cả khi tăng trưởng thu nhập ở Trung Quốc có chậm lại thì các nước khác cũng sẽ thay thế. 5 nền kinh tế lớn nhất ở ASEAN Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan dự kiến sẽ có nhập khẩu tăng 5,7%/năm trong giai đoạn 2023-2028 - cao nhất thế giới.
Thế hệ người tiêu dùng ngày càng giàu có hơn ở châu Á này sẽ thúc đẩy nhanh quá trình hội nhập. Hiện phần lớn thương mại nội khối ở châu Á vẫn là sản phẩm đầu vào thay vì sản phẩm tiêu dùng.
IMF dự đoán trong 5 năm tới, các nền kinh tế mới nổi ở châu Á sẽ tăng trưởng tầm 4,5%/năm, gấp 3 lần các nền kinh tế phát triển. Khi người tiêu dùng giàu hơn, họ sẽ mua nhiều hơn từ các nước láng giềng.
Quan hệ thương mại gần gũi hơn sẽ gắn kết chu kỳ kinh doanh của các nền kinh tế châu Á chặt chẽ hơn nữa.
Bất chấp việc tiếp tục sử dụng đồng USD cho giao dịch xuyên biên giới và các nhà đầu tư châu Á vẫn muốn nhắm vào các thị trường phương Tây, một nghiên cứu năm 2021 của ADB kết luận rằng kinh tế châu Á giờ chịu nhiều ảnh hưởng từ những dư chấn kinh tế từ Trung Quốc nhiều hơn là Mỹ.
Thương mại tăng cường đồng nghĩa các đồng tiền và chính sách tiền tệ ở châu lục sẽ ngày càng đi sát với nhau hơn. Theo The Economist, điều này sẽ có những tác động chính trị lớn. Mỹ sẽ vẫn duy trì ảnh hưởng với an ninh châu Á, nhưng ảnh hưởng về kinh tế sẽ giảm dần.
Giới doanh nghiệp và chính sách khu vực sẽ quan tâm và chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ các nước láng giềng, thay vì khách hàng và các nước ở xa. Với các nhà máy vẫn tiếp tục mọc lên, tiêu dùng tăng và tỉ lệ tiết kiệm cao ở các nước già đang muốn kiếm dự án đầu tư, quá trình hội nhập khu vực vẫn còn rất nhiều dư địa tăng trưởng.■
"Kỷ nguyên mới của thương mại châu Á sẽ tập trung ở khu vực nhiều hơn và ít hướng tới phương Tây"
The Economist