Khi khí hậu không chỉ là chuyện của ông trời và biến đổi khí hậu là vấn đề do con người gây ra, năm 2024 sẽ tiếp tục chứng kiến những dịch chuyển để thế giới bớt ô nhiễm hơn. Nhiều ngành đã bắt đầu chuyển đổi xanh nhưng 2024 sẽ là lần đầu tiên những ngành công nghiệp nặng - vốn khó đổi mới công nghệ - rục rịch xanh hóa.
Kỷ lục "nóng nhất" chưa dừng lại
Theo những tính toán ban đầu của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), nhiệt độ trung bình toàn cầu năm 2023 đã cao hơn khoảng 1,4°C so với mức trung bình thời tiền công nghiệp (được xác định là từ năm 1850 - 1900). Mức nhiệt này cao hơn kỷ lục cũ, thiết lập năm 2016, hơn 0,1°C.
Cũng theo chuyên gia, các yếu tố khí tượng đã khiến năm 2023 nắng nóng chưa từng có nhiều khả năng sẽ đẩy thang nhiệt kế lên cao hơn nữa. Thậm chí, có thể 2024 là năm đầu tiên nhiệt độ trung bình hằng năm sẽ cao hơn 1,5°C so với thời tiền công nghiệp, giới hạn thế giới đang cố hết sức để không vượt qua theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.
Có hai yếu tố quan trọng đã làm cho năm 2023 nắng nóng kỷ lục. Một là nồng độ ngày càng tăng của lượng khí nhà kính mà con người thải vào bầu khí quyển. Các khí này chịu trách nhiệm cho khoảng 1,28°C/1,4°C mức tăng nhiệt độ của năm 2023 và sẽ tiếp tục trong năm 2024.
Yếu tố quan trọng thứ hai là hiện tượng El Niño ở Thái Bình Dương, vốn bắt đầu từ tháng 8-2023, sẽ tiếp diễn tới tháng 4 hoặc 6 năm nay ở Bắc bán cầu. Lịch sử cho thấy ảnh hưởng của El Niño sẽ lớn hơn vào năm thứ hai, gây nắng nóng hơn.
Jennifer Francis, chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu khí hậu Woodwell (Massachusetts, Mỹ), cho rằng chúng ta sẽ chứng kiến tác động kinh điển của một đợt El Niño mạnh như hạn hán và nắng nóng ở châu Mỹ Latin, Úc và Đông Nam Á hoặc mưa bão do sự kết hợp của nhiệt độ đại dương với những tác động thời tiết không ngờ.
Bà dự đoán năm 2024 "sẽ xuất hiện những hình thái thời tiết kỳ lạ, bất ngờ, cực đoan và phá kỷ lục với biên độ lớn". Theo Francis, kể từ khi dữ liệu khí tượng được ghi chép, "sự kết hợp của các yếu tố này chưa từng xảy ra trong lịch sử, vì vậy dự báo thời tiết cho những tháng tới rất không sáng sủa".
Nữ chuyên gia xác nhận có khả năng nhiệt độ trung bình toàn cầu cả năm 2024 sẽ cao hơn mức trung bình của thời tiền công nghiệp hơn 1,5°C. Vượt qua giới hạn này trong một năm dù đáng báo động nhưng chưa đến mức thảm họa.
Thế giới được tính là vượt qua mục tiêu Thỏa thuận Paris đề ra khi mức nhiệt trung bình trong 20 năm cao hơn hơn 1,5°C so với mức trung bình của thời tiền công nghiệp, chứ không phải một năm đơn lẻ.
Công nghiệp nặng xanh hóa
Theo tạp chí The Economist, xu hướng chuyển mình của các ngành công nghiệp để tạo ra ít phát thải CO2 hơn sẽ bắt đầu năm 2024.
Nếu so với những nỗ lực toàn cầu nhằm chuyển đổi xanh trong nhiều lĩnh vực, sự khởi đầu này là muộn nhưng có thể hiểu được. Ngành năng lượng và giao thông đã chuyển dịch rất quyết liệt sang năng lượng tái tạo (gió, mặt trời) và xe điện từ lâu. Tuy nhiên, với các ngành công nghiệp như thép, xi măng, sản xuất, hóa dầu… sự chuyển đổi chậm là do việc xử lý khí thải từ các hoạt động công nghiệp phức tạp và đắt đỏ.
Nhiều quá trình sản xuất như gia nhiệt hoặc xử lý hóa chất ở nhiệt độ cao đang sử dụng nhiên liệu hóa thạch như than hay khí tự nhiên, không dễ thay bằng lò điện. Giải pháp thay thế khả thi nhất với nhiều nhà máy sản xuất công nghiệp hiện nay là sử dụng thiết bị thu hồi carbon.
Tuy nhiên, cách này vừa tốn kém vừa cồng kềnh. Giải pháp dùng năng lượng sạch thay nhiên liệu hóa thạch cũng được sử dụng nhưng chưa lan tỏa mạnh mẽ.
Theo báo cáo tháng 11-2023 của Công ty nghiên cứu Bloombergnef, nếu không có những thay đổi đáng kể về công nghệ và chính sách, "sẽ hầu như không giảm được phát thải của các ngành công nghiệp". Thách thức sẽ càng tăng với sự bùng nổ hoạt động công nghiệp ở Ấn Độ và các nền kinh tế mới nổi khác.
Tuy nhiên, cỗ máy nặng nề đã rục rịch chuyển mình với những tín hiệu tích cực. Liên minh First Movers, một nhóm các công ty đa quốc gia tiên phong, đã đồng ý mua công nghệ sạch trong 7 lĩnh vực công nghiệp nặng khó giảm phát thải, như xi măng, thép… để tạo ra những hạt giống đầu tiên và đẩy giá thành của công nghệ này xuống mức hợp túi tiền hơn.
Công nghệ trong các ngành công nghiệp này cũng được đổi mới đáng kể. Chẳng hạn, sản xuất xi măng bằng công nghệ mới hiện nay không cần đến clinker - một vật liệu được sản xuất trong lò nung nhiệt độ cao, làm phát sinh nhiều CO2. Với ngành thép, các nhà máy đã có thể sản xuất thép bằng các máy móc chạy điện và công nghệ lưu trữ năng lượng giá rẻ từ điện tái tạo để giảm phát thải.
Tỉ phú Bill Gates, nhà đầu tư cho nhiều công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực khử carbon, cho rằng nếu có sự hỗ trợ phù hợp, "lĩnh vực công nghiệp nặng sẽ có những thay đổi thực sự để giảm phát thải, hướng tới mục tiêu cân bằng carbon".
Sự hỗ trợ mà Bill Gates đề cập chính là chính sách. Giai đoạn chuyển tiếp (dài 18 tháng) của Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức có hiệu lực từ 1-10-2023. CBAM sẽ áp dụng với hoạt động nhập khẩu một số hàng hóa và tiền chất trong 6 lĩnh vực phát thải nhiều carbon trong quá trình sản xuất gồm xi măng, sắt thép, nhôm, phân bón, điện và hydrogen.
Các nhà nhập khẩu của EU phải giám sát và báo cáo lượng carbon phát thải trong quá trình sản xuất các hàng hóa này. Trong giai đoạn chuyển tiếp, họ chưa bị áp thuế carbon nhưng sẽ phải đối mặt với mức từ 10 - 50 euro cho mỗi tấn khí thải không báo cáo.
Có thể Mỹ cũng sẽ đưa ra chính sách tương tự. Cách tiếp cận này sẽ khuyến khích các nhà sản xuất và xuất khẩu trên toàn thế giới giảm lượng phát thải carbon để đảm bảo khả năng tiếp cận các thị trường lớn.
Tác nhân quan trọng khác là sự thay đổi trong tài chính toàn cầu. BlackRock, công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới, đã thành lập một quỹ chuyển đổi vật liệu từ phát thải nhiều sang phát thải ít.
Larry Fink, ông chủ của BlackRock, nêu quan điểm khi kêu gọi việc chuyển hướng dần dần này: "Công nghiệp nặng cần chuyển từ màu nâu dần sang màu xanh. Khi điều này xảy ra, các nhà đầu tư quan tâm mục tiêu khí hậu có thể thấy rằng các lĩnh vực khó giảm phát thải như công nghiệp nặng cũng đầy hấp dẫn".
Hãy chờ xem quá trình khử carbon trong các ngành công nghiệp nặng sẽ nóng đến mức nào trong năm 2024. Với quy mô khổng lồ của nó, một khi bắt đầu, hàng nghìn tỉ USD sẽ được chuyển hướng vào các công nghệ và giải pháp xanh hơn, bắt đầu ở các nước giàu, và lan dần sang các nước mới nổi.
Tin vui cho môi trường trước thềm 2024
Theo trang Science Focus, vẫn có nhiều lý do để lạc quan trong năm 2024.
Các nhà nghiên cứu ở Đại học Cambridge đang trong giai đoạn đầu của một dự án nhiều tiềm năng là sử dụng ánh sáng mặt trời để chuyển hóa nước và CO2 thành nhiên liệu. Các dự án như thế này có khả năng tạo ra nhiên liệu mới, sử dụng CO2 trong khí quyển, thay vì đốt các nguồn carbon hóa thạch như xăng, dầu.
Trí tuệ nhân tạo (AI) có thể sẽ có công lớn trong việc tạo ra những đột phá hữu ích. Một nhóm các nhà nghiên cứu đang đào tạo một chương trình AI dự đoán thành phần và đặc tính của 2,2 triệu vật liệu mà khoa học chưa biết. Người ta hy vọng ít nhất một vài loại trong số này có thể giúp tạo ra pin hiệu quả hơn và an toàn hơn.
Năm 2024 hứa hẹn đón thêm tin vui về sự trở lại của những loài tưởng đã biến mất. Cụ thể, khi phân tích các bản ghi âm dưới nước, các nhà khoa học cho rằng cá voi xanh đã xuất hiện trở lại trong năm 2023 ở vùng biển Ấn Độ Dương.
Những loài được cho là đã biến mất vĩnh viễn khác như chuột chũi vàng De Winton, được cho là đã tuyệt chủng từ những năm 1930, cũng trở lại... Loài chuột chũi Nam Phi này thực ra là loài thứ 12 được phát hiện lại trong dự án Tìm kiếm các loài đã biến mất, được triển khai 6 năm trước.
Mặc dù những đột phá và tin vui này còn lẻ tẻ, nó cho chúng ta cơ sở để hy vọng rằng thế giới sẽ trở thành nơi tốt đẹp hơn với những nỗ lực tốt đẹp.