Với thực tế về tốc độ gia tăng nhiệt độ toàn cầu, chúng ta sẽ phải thiết lập một mục tiêu mới và các cam kết mới, hành động mới mạnh mẽ hơn.
Mì của bà con xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện (Gia Lai), còi cọc không lớn nổi vì khô hạn
Khảo sát gần đây nhất bởi The Guardian trong cộng đồng 380 nhà khoa học khí hậu hàng đầu quốc tế đưa ra một kết quả đáng lo ngại: 80% các nhà khoa học, những người đang có các nghiên cứu về khí hậu, cho rằng khả năng rất cao trong thế kỷ 21, nhiệt độ toàn cầu sẽ gia tăng và vượt quá 2,5oC so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Trong khi trước đó vào năm 2018, cũng chính các nhà khoa học này đã cùng công bố báo cáo đặc biệt về gia tăng nhiệt độ toàn cầu do Ủy ban liên quốc gia về biến đổi khí hậu (IPCC) xuất bản.
Báo cáo cho rằng nếu cố gắng, chúng ta có thể khống chế được nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 1,5oC trong thế kỷ 21 bằng các giải pháp về giảm phát thải và hấp thu khí nhà kính.
Vào năm đó IPCC kêu gọi các chính phủ, các tập đoàn và nhân dân các quốc gia cùng hành động để chống lại sự gia tăng của nhiệt độ toàn cầu.
Trong các hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc (COP) gần đây, mục tiêu khống chế nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 1,5oC được xem như kim chỉ nam và là đích đến cho các hành động ở cấp quốc gia và quốc tế.
Nhưng dường như chúng ta sắp bỏ lỡ cơ hội để khống chế nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 1,5oC. Với thực tế về tốc độ gia tăng nhiệt độ toàn cầu, chúng ta sẽ phải thiết lập một mục tiêu mới và các cam kết mới, hành động mới mạnh mẽ hơn.
Điều này cũng cho thấy các kế hoạch và chính sách cấp quốc gia cần thay đổi để đuổi kịp tốc độ nóng lên toàn cầu gần đây.
Các bằng chứng cho thấy rõ mối tương quan giữa sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu với thiên tai cực đoan. Điển hình dễ thấy nhất đó là sự biến đổi thời tiết không theo quy luật trước kia và nguy hiểm hơn là sự xuất hiện của nhiều bão, mưa lớn, ngập lụt và hạn hán ở quy mô toàn cầu.
Tại Việt Nam, thiên tai có xu hướng gia tăng nhiều hơn cả về số lượng và cường độ trong vòng hai thập niên gần đây, đặc biệt là chu kỳ xuất hiện thời tiết cực đoan dày hơn với điển hình là các pha thời tiết La Nina và El Nino hoán đổi cho nhau liên tục, khoảng thời gian ENSO (pha khí hậu trung tính) ngắn hơn so với các thập niên trước.
Có thể kể đến những kỷ lục về nhiệt độ và lượng mưa xảy ra gần đây như: toàn quốc đã xác lập 110 kỷ lục nhiệt độ, cao hơn cả năm 2023 và gấp gần 10 lần so với cùng kỳ tháng 4-2023, hay việc xuất hiện các đợt hạn hán khốc liệt xen kẽ các đợt mưa lụt cực đoan với lượng mưa rất lớn trong thập niên vừa qua ở hầu hết các vùng trong cả nước.
Những hình thái thiên tai cực đoan này có thể lấy đi các thành quả về phát triển kinh tế ở cả quy mô hộ gia đình, địa phương và ảnh hưởng đến GDP quốc gia.
Chính vì vậy, chúng ta cần có quá trình đánh giá nghiêm túc về kịch bản biến đổi khí hậu, kịch bản thiên tai cực đoan và có quá trình đầu tư đúng mức cả về hạ tầng kỹ thuật và kiến thức để ứng phó thiên tai trong hoàn cảnh mới.
Bên cạnh đó cần các hành động cụ thể trong phát triển kinh tế carbon thấp ở hầu hết các ngành và lĩnh vực nhằm giảm lượng phát thải khí nhà kính theo lộ trình như cam kết mục tiêu net zero đến năm 2050.
TS NGUYỄN NGỌC HUY (CHUYÊN GIA NGHIÊN CỨU BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU) - Theo Tuổi Trẻ