Tin tức cuối cùng về khí hậu trong năm là một tin không vui: 2024 gần như chắc chắn là năm Trái đất nóng nhất trong lịch sử, vượt qua kỷ lục của năm trước. Cái nóng cũng bao trùm bức tranh khí hậu của năm qua, và chắc chắn chưa dừng lại.
Trong bài tổng kết các sự kiện môi trường lớn năm 2024, trang Down to Earth nhận định "chỉ là vấn đề thời gian" trước khi chúng ta cảm nhận những hậu quả tàn khốc của khủng hoảng khí hậu.
Thế giới sẽ bước sang năm với những mối lo mới, khi diễn biến khí hậu khác xa với các mô hình dự báo. Bù lại, ta có thêm chút lạc quan vì những nỗ lực thực chất đạt được trong năm qua.
Nóng ơi là nóng
Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), Cơ quan dịch vụ biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu, Cơ quan quản lý về đại dương và khí quyển Mỹ (NOAA) và Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) với các phương pháp tính khác nhau đều chung kết luận: 2024 sẽ là năm nóng nhất kể từ thời kỳ tiền công nghiệp trong hơn 100 năm tính từ lúc dữ liệu được ghi nhận và lưu trữ.
Tháng gần nhất, tháng 11-2024, theo C3S, là tháng 11 ấm thứ hai trong lịch sử, sau tháng 11-2023. Cả hai đều vượt xa nhiệt độ trung bình trong tháng. Tháng 11-2024 cao hơn 0,73 độ C so với nhiệt độ không khí trung bình toàn cầu cùng tháng trong giai đoạn từ năm 1991 đến 2020 và cao hơn 1,62 độ C so với mức trung bình tháng 11 của thời kỳ tiền công nghiệp trong giai đoạn 1850 đến 1900.
"Điều này đánh dấu một cột mốc mới trong kỷ lục nhiệt độ toàn cầu và nó cho thấy chúng ta rất cần các kế hoạch hành động tham vọng về khí hậu" - Samantha Burgess, phó giám đốc C3S, cho biết.
Tại châu Á, Ấn Độ tiếp tục bị nắng nóng hành hạ. Cơ quan Khí tượng Ấn Độ (IMD) cho biết tháng 10-2024 là tháng 10 nóng nhất ở Ấn Độ kể từ năm 1901 cả về nhiệt độ trung bình lẫn nhiệt độ tối thiểu. Theo IMD, Delhi không có một giọt mưa nào trong tháng và tháng 10 là tháng ấm nhất kể từ năm 1951 của thành phố này.
Có thể sự nóng lên toàn cầu đã làm nhiệt độ ở nhiều quốc gia trên thế giới tăng lên trong những năm qua, đặc biệt là vào tháng 10. Không tính tháng 12, nhiệt độ tối thiểu bình quân ở Ấn Độ cao hơn trung bình trong cả 11 tháng.
Chênh lệch giữa nhiệt độ tối thiểu bình quân ghi nhận trong các tháng và độ lệch so với mức trung bình của giai đoạn 1981-2010 tăng lên. Trừ tháng 3-2024, có 10/11 tháng trong năm ở Ấn Độ có nhiệt độ tối thiểu nằm trong top 10 cao nhất kể từ khi nền nhiệt độ của nước này được ghi nhận năm 1901.
WMO cho rằng yếu tố khiến nhiệt độ toàn cầu tăng đột biến là sự nóng lên ở hầu khắp Nam Cực trong năm 2024 - có nơi cao hơn trung bình đến 10°C. Nhiệt độ cũng nóng trên trung bình ở các vùng ở biển Nam Cực.
Down to Earth lo rằng khi những kỷ lục về nắng nóng trở thành chuyện hằng năm, sự chú ý đối với khủng hoảng khí hậu toàn cầu có thể giảm sút, càng ảnh hưởng đến các nỗ lực giảm phát thải.
Một mối lo tiềm ẩn khác, theo trang Axios: hiện tượng nóng lên toàn cầu đang gia tăng tốc độ, khí hậu của hành tinh đang thay đổi theo cách không lường trước được. Nếu đây là sự thật, các kịch bản khí hậu làm cơ sở cho mục tiêu giảm phát thải carbon của các quốc gia có thể không còn chính xác, dẫn đến mức nhiệt độ tăng cao hơn và hậu quả xã hội nghiêm trọng có khả năng xảy ra sớm hơn dự đoán. Năm 2024 "bàn giao" cho 2025 quá nhiều mối lo.
Các nỗ lực bảo tồn cũng là điểm nhấn trong năm 2024, nhưng hãy bắt đầu từ trước đó chút ít. Năm 2021, Chính phủ Ecuador ban hành một phán quyết mang tính bước ngoặt khi tuyên bố việc khai thác khoáng sản trong rừng mây Los Cedros (khu vực thường xuyên được bao phủ bởi sương mù dày đặc do không khí ẩm) của quốc gia này đã vi phạm các quyền của tự nhiên.
Một phán quyết khác ở Ecuador tuyên bố rằng tình trạng ô nhiễm đã vi phạm quyền của sông Machángara, con sông chảy qua thủ đô Quito. Những phán quyết như vậy thực sự có thể giúp bảo vệ các hệ sinh thái đang bị đe dọa. Sau Ecuador, năm 2024, New Zealand công nhận núi Taranaki trong công viên quốc gia Egmont là núi tổ và có quyền như con người.
Hy vọng vào những nỗ lực xanh
Nhưng năm qua cũng chứng kiến những đột phá phi thường về khí hậu và thiên nhiên.
Bắt đầu ở Anh, quê hương của cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, năm qua Vương quốc Anh đã dừng hoạt động của các tuốc bin cuối cùng ở nhà máy điện than cuối cùng Ratcliffe-on-Soar ở Nottinghamshire vào ngày 30-9.
Địa điểm này sẽ trải qua quá trình ngừng hoạt động và phá dỡ dài hai năm. Chưa rõ nhà máy này sẽ được dùng vào mục đích gì sau đó nhưng đã có đề xuất biến nó thành nơi lưu trữ năng lượng tái tạo phục vụ quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải thấp của Anh.
Các nguồn năng lượng tái tạo cũng đang phát triển nhanh trên thế giới. Tại Mỹ, sản lượng năng lượng gió đạt kỷ lục trong tháng 4, vượt cả sản lượng than. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết thế giới sẽ bổ sung thêm 5.500 GW công suất năng lượng tái tạo từ nay đến 2030 và tăng công suất tái tạo toàn cầu gấp 2,7 lần so với năm 2022.
Đến năm 2100, dự kiến, các nguồn năng lượng tái tạo sẽ đáp ứng gần một nửa tổng lượng điện. Cũng theo IEA, đóng góp lớn nhất trong sự tăng trưởng này đến từ quốc gia duy nhất: Trung Quốc - quốc gia đang chuyển đổi xanh mạnh mẽ và là người hùng về điện mặt trời. Đến năm 2030, Trung Quốc sẽ chiếm ít nhất một nửa công suất điện tái tạo tích lũy của thế giới.
Fatih Birol, giám đốc điều hành của IEA, cho rằng "sự tăng trưởng mạnh mẽ về năng lượng tái tạo" của thế giới vẫn đang được thúc đẩy nhờ kinh tế hơn là chính sách của chính phủ. Năng lượng tái tạo - đặc biệt là năng lượng mặt trời - là lựa chọn rẻ nhất ở hầu hết mọi quốc gia.
Ngoài ra, một đánh giá công phu về các sáng kiến bảo tồn công bố năm 2024 cho thấy công tác bảo tồn có vai trò quan trọng trong việc làm chậm hoặc đảo ngược tình trạng mất đa dạng sinh học. Các nhà khoa học đã xem xét 665 sáng kiến bảo tồn trên thế giới, trong đó có một số hoạt động thí điểm và nhận thấy rằng chúng mang lại tác động tích cực.
Chẳng hạn, Sáng kiến bảo tồn Altyn Dala ở Kazakhstan nhằm bảo vệ loài linh dương Saiga khỏi bị tuyệt chủng đã giúp tăng số cá thể ngoài tự nhiên. Loài linh dương Saiga, chỉ còn khoảng 20.000 con năm 2003, đã tăng lên dân số 2,86 triệu con trên thảo nguyên ở Kazakhstan. Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế đã chuyển loài này từ tình trạng "cực kỳ nguy cấp" sang "gần bị đe dọa".
Một tin vui nữa, dĩ nhiên không phải cuối cùng, là tình trạng phá rừng ở rừng nhiệt đới Amazon tại Brazil giảm xuống mức thấp nhất trong 9 năm và giảm hơn 30% trong 12 tháng tính đến tháng 7-2024, theo dữ liệu do Viện nghiên cứu không gian quốc gia Brazil INPE công bố. Năm 2024, khoảng 6.288km2 diện tích rừng Amazon bị phá.
Mặc dù diện tích này vẫn còn rất lớn, gần bằng diện tích tỉnh Kiên Giang của Việt Nam, nhưng đây là mức thiệt hại hằng năm thấp nhất kể từ năm 2015. Mặc dù phá rừng giảm, cháy rừng ở Amazon lại tăng gần 18 lần trong cùng khoảng thời gian do các đợt hạn hán lịch sử.
Những nỗ lực này rất cần được nhân rộng và hưởng ứng để giảm lượng phát thải khí nhà kính làm Trái đất ấm lên.
Tạp chí MIT Technology Review chỉ ra một điểm sáng khác trong một năm "tăm tối" về khí hậu: giá pin lithium-ion tiếp tục giảm mạnh trong năm 2024, với mức giảm 20% xuống còn 115 USD mỗi kilowatt-giờ (kWh), theo khảo sát của BloombergNEF.
Việc pin lithium-ion giảm giá liên tục sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phổ biến xe điện, góp phần quan trọng trong nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính và chống biến đổi khí hậu. Pin rẻ đi không chỉ giúp giảm chi phí sản xuất xe điện mà còn thúc đẩy sự chấp nhận của người tiêu dùng đối với loại phương tiện này.
Dự báo cho thấy giá xe điện có thể ngang bằng với xe chạy xăng vào năm 2026, khi giá pin dự kiến giảm xuống dưới 100 USD/kWh. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo doanh số xe điện toàn cầu sẽ đạt khoảng 17 triệu chiếc trong năm 2024, tăng 3 triệu chiếc so với năm 2023.
Ngoài ra, có thể lạc quan nhìn về phía trước khi thị trường công nghệ khí hậu vô cùng sôi động và bận rộn trong năm 2024. Khoa học đang phát triển vi sinh vật trong các lò phản ứng sinh học khổng lồ để bổ sung nguồn thực phẩm, tìm kiếm cách sử dụng thực vật để khai thác kim loại cần thiết cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.