Hôm qua, nhiều đại biểu Quốc hội đã chất vấn Thủ tướng Phạm Minh Chính vấn đề phân cấp, phân quyền, tổ chức bộ máy, tháo gỡ điểm nghẽn. Đây cũng là vấn đề được Tổng Bí thư Tô Lâm đề cập, như một nhiệm vụ cấp bách.
Vậy cải cách tổ chức - bộ máy nên bắt đầu từ đâu? đây là thời điểm cải cách tổ chức - bộ máy và đơn vị hành chính phải thật sự sâu rộng, có tính cách mạng, bảo đảm ổn định lâu dài, thì đất nước mới yên tâm bước vào kỷ nguyên mới được, vậy thì phải bắt đầu từ triết lý. Các quốc gia phát triển hiện nay đều có một triết lý chung là nhà nước nhỏ, xã hội lớn. Lưu ý, với ta, một đảng lãnh đạo, thì “nhà nước” phải được hiểu là tổng thể hệ thống chính trị.
Nhà nước nhỏ (chứ không phải nhà nước yếu) là nhà nước chỉ thực hiện những chức năng, nhiệm vụ (hay gọi đơn giản là làm những việc) cơ bản, quan trọng, tối cần thiết như: quốc phòng; an ninh; đối ngoại; thu thuế, quản lý tài nguyên quốc gia và phân bổ nguồn lực; đầu tư cơ bản các hạ tầng chiến lược quốc gia; xây dựng, hoàn thiện thể chế; chủ trì, điều phối cứu hộ cứu nạn trong thảm hoạ, thiên tai…, các việc còn lại sẽ tổ chức dịch vụ công ích và những gì xã hội làm tốt thì để xã hội làm, trên tinh thần nhất quán là người dân, doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm.
Với triết lý ấy, việc quản lý các doanh nghiệp nhà nước cũng phải định vị lại. Thay vì “nắm”, cần phải “thả” để DNNN có không gian chủ động đổi mới sáng tạo, linh hoạt phản ứng thị trường và cạnh tranh quốc tế. Thay vì “can thiệp” sâu vào hoạt động sản xuất kinh doanh, nhà nước chỉ nên quản DNNN dựa trên đánh giá hiệu quả tổng thể hoạt động chứ không phải là với từng dự án hay từng hành vi điều hành, căn cứ vào đó để quyết định tăng hay giảm quy mô, bơm vốn hay rút vốn, thay đổi lãnh đạo… Mỗi DNNN hoạt động theo quy định các đạo luật cơ bản về chính họ, như Luật về Tập đoàn Dầu khí Quốc gia, Luật về Tập đoàn Điện lực Quốc gia… Hiện nay, các DNNN nhà nước nắm giữ nguồn lực rất lớn nhưng hiệu quả hoạt động chưa cao, chắc chắn có lý do “điểm nghẽn” từ thể chế.
Cho đến nay, điều kiện khách quan để tiến hành cải cách đã đủ: cơ sở hạ tầng giao thông được đầu tư mạnh mẽ, không ngừng hoàn thiện; hạ tầng viễn thông, internet phủ rộng khắp đến gần 100% dân số; hệ thống dữ liệu quốc gia đã được xây dựng, hoàn thiện cơ bản; trí tuệ nhân tạo phát triển như vũ bão… Về mô hình tổ chức hành chính, không đòi hỏi chúng ta sáng tạo gì nhiều, mà trên thế giới đã có sẵn, chỉ cần nghiên cứu áp dụng cho phù hợp.
Từ triết lý về tổ chức bộ máy nhà nước mới đến liệt kê các chức năng nhiệm vụ chính, từ đó mới thiết kế bộ máy. Lâu nay, tôi vẫn nhận được những câu hỏi như: Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch - Đầu tư có sáp nhập được không? Chức năng quản lý nhà nước về truyền thông, báo chí, xuất bản của Bộ TTTT đưa sang Bộ Văn hoá có phù hợp hơn không, phần còn lại là bưu chính, viễn thông…, giao luôn cho Bộ KHCN có ổn không? Tại sao nhiều nước không cần Bộ Xây dựng mà ta lại cần, hay là nhập vào Bộ Giao thông cho tiện? Nhập Bộ LĐ,TB&XH vào Bộ Y tế với tên gọi bao trùm là Bộ Lao động, y tế và phúc lợi xã hội có được không?… (Chính phủ Nhật Bản hiện có Thủ tướng, 01 Phó TTg và 11 bộ; Chính phủ Hàn Quốc có TT, TTg và 17 bộ). Đấy là bộ máy Chính phủ, các cơ quan của Đảng cũng cần tái cấu trúc với nguyên tắc tương tự. Đối với các đoàn thể xã hội, phải tái cấu trúc trên nguyên tắc hiệu quả và tự chủ.
Tất nhiên, tái cấu trúc bộ máy không phải là vấn đề tách ra - nhập vào cơ học mà quan trọng nhất là sự chuyên nghiệp trong vận hành. Ví dụ, Quốc hội với 10 uỷ ban không phải là nhiều, nhưng vai trò của mỗi đại biểu phải được đề cao và đặc biệt là không nên hành chính hoá hoạt động cơ quan dân cử. Hoạt động Quốc hội nếu bị hành chính hoá, cấp trên - cấp dưới, nặng nề phân biệt giữa các “hạng” đại biểu khác nhau, thì sẽ ảnh hưởng đến nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng, triệt tiêu động lực sáng tạo. Và nữa, như cố Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Hữu Thọ từng nhắn nhủ, Quốc hội không nên là “MTTQ thứ hai”. Muốn có thể chế vượt trội thì hoạt động lập pháp phải cực kỳ năng động và chuyên nghiệp, các nhà lập pháp phải là những chính khách ưu tú của đất nước. Ở đó, mỗi một đại biểu đều có vị thế là trung tâm hoạt động lập pháp, đại diện cho ý nguyện của cử tri bầu ra họ và bảo vệ lợi ích tối thượng của quốc gia dân tộc.
Đối với tổ chức chính quyền địa phương, vừa qua chúng ta đã tiến hành một bước, tinh giản, sáp nhập, được dư luận đồng tình. Nhưng số lượng đơn vị hành chính, đặc biệt là đơn vị cấp cơ sở (xã, phường) vẫn còn rất lớn. Nếu tính trung bình diện tích lãnh thổ, có lẽ Việt Nam là quốc gia xếp hàng đầu thế giới về số lượng đơn vị hành chính. Nhật Bản có diện tích hơn Việt Nam khoảng gần 50.000km2, địa hình phức tạp với mấy ngàn đảo, nhưng chính quyền địa phương 2 cấp chỉ với chỉ 47 đơn vị cấp tỉnh (đô, phủ, tỉnh) và hơn 1.900 đơn vị cấp hạt (thành phố, thị trấn, làng). Tôi tin rằng, với khoảng 11.000 phường, xã, chúng ta có thể tổ chức lại với chỉ khoảng 3.000 đơn vị mà bộ máy sẽ… vẫn chạy tốt. Cải cách bộ máy và tổ chức đơn vị hành chính sẽ giảm số lượng lớn cán bộ lãnh đạo; tái cấu trúc các cơ quan chuyên môn, áp dụng các mô hình chính quyền phù hợp với miền núi, nông thôn, đô thị, hải đảo; tạo điều kiện giảm chi phí bộ máy hành chính, tăng lương cho đội ngũ. Ví dụ, sẽ tăng cường tính tự chủ, tự quản tại các khu vực nông thôn, miền núi, cũng như tăng cường năng lực đáp ứng dịch vụ công ích tại các đô thị.
Đương nhiên rồi, cải cách tổ chức - bộ máy và đơn vị hành chính cần đi liền với đổi mới cơ chế bầu cử, bổ nhiệm và giám sát quyền lực.
Hôm qua, khi trả lời chất vấn trước Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ khát vọng tăng trưởng kinh tế hai con số trong giai đoạn tới, để dân tộc có thể bước chân vào kỷ nguyên vươn mình. Rất thú vị, cùng thời điểm, Ngân hàng Nhà nước công bố thông tin người dân gửi 7 triệu tỉ đồng (300 tỉ USD) tiền tiết kiệm trong các ngân hàng, số lượng kỷ lục trong 2 năm qua.
Muốn tăng trưởng kinh tế hai con số, thì nguồn lực tổng thể của quốc gia phải được “giải phóng” và khơi thông mạnh mẽ, để nó tuôn chảy vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, nơi người dân được nhà nước bảo hộ quyền tài sản và các quyền công dân cơ bản.
Tư duy “không quản được thì cấm” cần phải được chấm dứt vĩnh viễn trên đất nước mình, khởi đầu cho giai đoạn phát huy mạnh mẽ tinh thần đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Những lỗ hổng của pháp luật phải được vá bằng sự cầu thị của nhà nước dựa trên đánh giá, phân tích dòng chảy của thị trường và xã hội, chứ không phải bằng bỉ bôi, đe nẹt sự lạm dụng những lổ hổng ấy. Ví dụ, luật pháp không cấm người đấu giá đất bỏ cọc, thì nhà nước không thể coi những người thực hiện hành vi này như các đối tượng vi phạm và ngăn chặn bằng biện pháp hành chính như bêu tên hay cấm đoán họ đấu giá đất lần sau, thay vào đó, phải mổ xẻ quá trình thực thi luật pháp hoặc chính các quy định của pháp luật xem có gì bất cập, cần điều chỉnh, bổ sung như thế nào cho phù hợp. (Người dân thấy gì có lợi mà không phạm pháp thì họ sẽ làm. Không nên miệt thị hoạt động đầu cơ vì đầu cơ là một trong những thuộc tính của thị trường. Nếu nhà nước nhận thấy hoạt động đầu cơ nào đó có thể khiến thị trường vận hành thiếu lành mạnh và ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển chung, thì nhà nước phải hoàn thiện thể chế để điều chỉnh hành vi của các chủ thể tham gia thị trường). Có như vậy, mới củng cố được “niềm tin thị trường”, điều mà Bộ trưởng Bộ KHĐT phát biểu tại QH rằng chúng ta đang “thiếu”.
Còn nữa, với triết lý nhà nước nhỏ, thì hệ thống tư pháp phải mạnh, cùng với nền tảng pháp luật dân sự hiện đại, để mỗi người đều yên tâm rằng mình luôn được bảo vệ mọi khi cần thiết. Tôi rất ủng hộ quan điểm cựu Chánh án Nguyễn Hoà Bình, nhiều lần ông phát biểu trước Quốc hội, bảo lưu quan điểm tổ chức hệ thống Toà án không theo đơn vị hành chính (ngay cả tên gọi). Thể chế nói chung, nền tảng pháp luật dân sự, kinh tế nói riêng, có vai trò rất quan trọng trong tiến trình phát triển của một xã hội hiện đại, văn minh.
“Thể chế, thể chế, thể chế”, Thủ tướng Phạm Minh Chính lặp lại cụm từ này trước Quốc hội.