Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nâng dự báo lạm phát toàn cầu trong năm 2024, đồng thời kêu gọi các ngân hàng trung ương tiếp tục thắt chặt tiền tệ cho đến khi áp lực giá cả suy yếu bền vững.
Các dự báo mới nhất về triển vọng kinh tế thế giới của IMF được đưa ra tại hội nghị thường niên của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB), kéo dài từ ngày 9 đến 15-10 ở Marrakech, Maroc. Ảnh: Getty
Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới phát hành hôm 10-10, IMF nâng dự báo tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng toàn cầu lên 5,8% vào năm 2024, so với mức dự báo 5,2% cách đây ba tháng. Tổ chức này cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm tới đồng thời kêu gọi giới chức trách tiếp tục cảnh giác với lạm phát
IMF dự đoán lạm phát sẽ duy trì trên mức mục tiêu của ngân hàng trung ương ở hầu hết các nước cho đến năm 2025.
Các dự báo trên được đưa tại một sự kiện bên lề hội nghị thường niên của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB), đang diễn ra tại Marrakech, Maroc.
Các ngân hàng trung ương ở các nền kinh tế lớn, trong đó có Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), đã tăng lãi suất mạnh mẽ trong hơn một năm qua nhằm kiềm chế lạm phát lên tới 8,7% trên toàn cầu trong năm 2022, mức cao nhất kể từ giữa thập niên 1990.
Lạm phát tăng tốc kể từ năm ngoái do nhiều yếu tố, bao gồm gián đoạn chuỗi cung ứng kể từ thời đại dịch Covid-19, chính sách kích thích tài khóa để ứng phó với tình trạng đóng cửa toàn cầu, nhu cầu mạnh mẽ và thị trường lao động thắt chặt ở Mỹ. Ngoài ra, áp lực lạm phát cành gia tăng sau khi chiến sự Ukraine nổ ra, dẫn đến tình trạng gián đoạn lương thực và năng lượng, gây ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến châu Âu.
“Chính sách tiền tệ cần được thắt chặt ở hầu hết các nước, cho đến khi lạm phát giảm bền vững xuống mức mục tiêu. Hiện nay, chúng ta chưa đạt được điều này”, Pierre-Olivier Gourinchas, Giám đốc bộ phận nghiên cứu của IMF, nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo ở Marrakech.
IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm tới là 2,9%, giảm 0,1% so với dự báo của tổ chức này đưa ra hồi tháng 7 và dưới mức trung bình 3,8% của hai thập niên trước đại dịch.
Kể từ tháng 4, IMF cảnh báo rằng triển vọng tăng trưởng trung hạn của toàn cầu đã suy yếu. Các yếu tố cản trở tăng trưởng bao gồm hậu quả dai dẳng của đại dịch, cuộc xung đột Nga-Ukraine, sự phân mảnh nền kinh tế thế giới thành các khối, và chính sách thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương.
“Chúng tôi thấy nền kinh tế toàn cầu đang què quặt và chưa thực sự tăng tốc”, Gourinchas nói.
Dù vậy, IMF nhận thấy khả năng cao là các ngân hàng trung ương sẽ kiềm chế được ạm phát mà không khiến thế giới rơi vào suy thoái.
IMF nâng dự báo tăng trưởng của Mỹ trong năm nay lên 2,1% từ mức 1,8% dự báo hồi tháng 7, đồng thời điều chỉnh dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong năm tới lên 1,5% từ mức 1%. IMF lạc quan hơn về kinh tế Mỹ sau khi chứng kiến đầu tư kinh doanh mạnh mẽ hơn trong quí 2 và tăng trưởng tiêu dùng vẫn kiên cường.
IMF dự báo tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ sẽ tăng lên mức cao nhất là 4% vào quí cuối của năm 2024, thấp hơn mức 5,2% mà IMF dự báo hồi tháng tháng 4. Điều này báo hiệu nền kinh tế Mỹ “hạ cánh nhẹ nhàng” hơn dự kiến trước đó, IMF nhận định.
Tuy nhiên, IMF hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, xuống 5% từ mức ước tính 5,2% cho năm 2023 và xuống 4,2% từ mức dự kiến 4,5% cho năm 2024.
Nền kinh tế Trung Quốc đang mất động lực vì do sự suy giảm trong đầu tư bất động sản và giá nhà đất đe dọa nguồn thu của chính phủ từ việc bán đất, cũng như tâm lý tiêu dùng yếu kém.
Ước tính tăng trưởng của khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) cũng bị cắt giảm, xuống còn 0,7% vào năm 2023 so với ước tính 0,9% trước đó và xuống còn 1,2% vào năm 2024 từ mức dự báo 1,5% trước đó.
IMF nâng dự báo tăng trưởng của Nhật Bản trong năm nay lên 2% so với dự báo 1,4% trước đó khi nước này được hỗ trợ bởi nhu cầu bị dồn nén, doanh thu du lịch tăng vọt, các chính sách hỗ trợ và sự phục hồi trong xuất khẩu ô tô vốn.
IMF đã nhiều lần cảnh báo về sự phân mảnh của nền kinh tế toàn cầu thành các khối địa chính trị do căng thẳng dâng cao giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như giữa phương Tây và Nga.
Tổ chức này dự đoán mức tăng trưởng thương mại toàn cầu chỉ đạt 0,9% trong năm nay, giảm so với mức 2% dự kiến vào tháng 7 và so với mức trung bình 4,9% trong hai thập niên trước đại dịch. Điều đó phản ánh các rào cản thương mại gia tăng, sự chuyển dịch sang các dịch vụ trong nước, tác động trễ của việc đồng đô la Mỹ tăng giá.
Theo Bloomberg